Tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi số trong tài chính ngân hàng” thuộc khuôn khổ sự kiện DX Day 2020, bà Nguyễn Thùy Dương - Chủ tịch EY Consulting Việt Nam nhận định, ngay trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, sẽ có những mô hình kinh doanh mới thay thế các mô hình truyền thống trước kia.
Theo đó, đến năm 2025, dự kiến khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi những mô hình mới như thanh toán bằng ví, quản lý tài sản...
Theo bà Dương, hiện nay có thể chia thành 5 mô hình ngân hàng, bao gồm:
- Ngân hàng truyền thống chuyển đổi số;;;
- Ngân hàng Neo-bank: các ngân hàng khi ra đời đã là "Virtual bank" (ngân hàng ảo) hoàn toàn;
- Các công ty fintech: thuộc lĩnh vực công nghệ nhưng cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng;
- Mô hình tech-fin, bao gồm: Google, Amazon, Facebook và Apple;
- Những mô hình kết hợp ngân hàng truyền thống và ngân hàng số;
Trong đó, theo bà Dương, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên, ví dụ như các hoạt động tối ưu hóa, số hóa dịch vụ internet banking, mobile banking...
“Nếu như trước đây các quy trình đó chạy bằng cơm thì bây giờ phải chạy bằng máy, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức của con người”.
Tuy nhiên, nữ Chủ tịch EY Consulting Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Nếu ngân hàng nào tuyên bố rằng đang làm ngân hàng số thì các anh chị cần hiểu ngân hàng số là khái niệm rất rộng. Đó không phải đích đến mà là một con đường”.
Chủ tịch EY Consulting Việt Nam - Nguyễn Thùy Dương.
Với kinh nghiệm tư vấn cho nhiều ngân hàng, tổ chức trong nước, bà Dương nhận thấy 4 vướng mắc mà các nhà băng tại Việt Nam đang mắc phải trong công cuộc chuyển đổi số.
Thứ nhất, sự liên hệ với chiến lược kinh doanh.
“Nhiều ngân hàng, khách hàng của chúng tôi thường quên mất họ đang muốn gì trong chiến lược kinh doanh. Ngân hàng nào cũng nói chung chung là muốn đi đầu trong chuyển đổi số, muốn cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Có những ngân hàng vừa muốn phát triển mảng bán lẻ, bán buôn, vừa muốn phục vụ SMEs. Nhưng nền tảng phục vụ mỗi dịch vụ rất khác nhau, khi thực hiện quá nhiều mục tiêu cùng lúc thì hoặc phải có nguồn lực, hoặc phải có rất nhiều tiền.
Nếu không, chỉ nên tập trung vào một mục tiêu và hầu hết đều bắt đầu từ việc chuyển đổi quy trình, cách thức làm việc để làm khách hàng hài lòng.”
Thứ hai, khung pháp lý.
Hiện tại, chưa có khung pháp lý dành cho các ý tưởng về sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới. Do đó, vai trò của các cơ quan quản lý là rất quan trọng.
Thứ ba, phương thức làm việc theo lối cũ.
“Khi thực hiện tư vấn chiến lược cho ngân hàng tại Việt Nam, tôi nhận thấy rằng nếu làm việc theo tư duy cũ, mọi thứ đều làm việc cứng nhắc theo kế hoạch thì sẽ không thể đi đến đâu được. Nếu như các startup có thể sửa chữa, thay đổi trong vòng 2 ngày thì có ngân hàng phải mất 2 tuần vẫn không biết phải sửa ở đâu”.
Thứ tư, các hệ thống được kế thừa (legacy system) quá phức tạp, mất rất nhiều thời gian để ra quyết định.
Bà Dương nhấn mạnh: “Cứ 30 ngày lại có một startup hay ứng dụng mới ra đời. Vì vậy, nếu quá chậm trong việc ra quyết định, cứ đợi xem “hàng xóm” làm gì thì chúng ta đã bị chậm so với mọi người. Chúng ta cần nghĩ xem mình đã làm tốt hơn ngày hôm qua như thế nào, đừng nghĩ đến điều gì to tác mà hãy cố gắng tối ưu hóa những gì đang có.
Trong thời đại công nghệ số, mọi tổ chức phải suy nghĩ như một nhà chiến lược, đổi mới như một công ty startup, thiết kế như một tập đoàn công nghệ và quy mô như một nhà đầu tư mạo hiểm”.
Nói cách khác, phải biết chấp nhận rủi ro thì mới chuyển đổi số được.