Chủ nghĩa tiêu dùng tạo ra ham muốn bất tận, như 1 cô gái hiện đại phải có nhiều son và túi xách: Nhưng giới trẻ đang tỉnh táo hơn!

Rika | 28-04-2022 - 18:55 PM

(Tổ Quốc) - Nhiều người trẻ Trung Quốc đang có xu hướng đề cao ý thức và khả năng sắp xếp nhu cầu của bản thân, chỉ mua những thứ họ thực sự cần.

Ở Trung Quốc sẽ có những ngày sale khủng trong năm chẳng hạn như lễ Độc thân (11/11). Đây là mùa lễ hội mua sắm thuộc tầm lớn nhất thế giới với lượng giao dịch khổng lồ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của nó đã chậm lại. Năm 2021, nền tảng Tmall của Alibaba cho biết tổng khối lượng giao dịch của họ là 540,3 tỷ nhân dân tệ (84 tỷ USD), tăng so với mức 498,2 tỷ nhân dân tệ của năm ngoái. Số lượng tăng 8,5% so với năm trước, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi lễ hội bắt đầu vào năm 2009.

Một trong những lý do giải thích cho cậu chuyện này là một bộ phận người trẻ Trung Quốc đang phát động phong trào ủng hộ việc mua sắm ít đi, tiết kiệm nhiều hơn và sống tối giản. Nhóm đang mở rộng nhanh chóng tự gọi mình là "những người chống lại chủ nghĩa tiêu dùng". Nghĩa là những người giữ một cái đầu tỉnh táo khi đối mặt với hàng loạt quảng cáo và luôn cảnh giác chống lại ham muốn vật chất.

Chủ nghĩa tiêu dùng tạo ra ham muốn bất tận, như 1 cô gái hiện đại phải có nhiều son và túi xách: Nhưng giới trẻ đang tỉnh táo hơn! - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Suy nghĩ hợp lý, thoát khỏi cảm giác khủng hoảng

Có một số trường hợp sẽ tiết kiệm đến cực đoan, chẳng hạn như cắt giảm luôn những nhu cầu thiết yếu. Song, hầu hết "những người chống lại chủ nghĩa tiêu dùng" cho biết họ không từ chối việc mua nhu yếu phẩm một cách vừa phải. Đồng thời, họ cố gắng tránh những mánh khoé khác nhau của người bán. Chẳng hạn, chiêu trò giảm giá, mua một tặng một, hoặc những lời rao bán hấp dẫn như "sản phẩm có thể mang lại cho bạn chất lượng cuộc sống tốt đến như thế nào".

Fan Jiahui mệt mỏi với những chiêu trò này. Ví dụ, lễ hội giảm giá là "rắc rối và đau đầu" đối với cô ấy, vì người mua phải tính toán rất nhiều và cố gắng rất nhiều để có được phiếu giảm giá với giá rẻ hơn.

"Đôi khi nó không thực sự rẻ hơn", Fan chia sẻ khi nhắc đến một chiếc bình sữa mà một người bạn của cô ấy đã mua với giá khoảng 530 nhân dân tệ (1,9 triệu đồng) trong ngày siêu sale 11/11. "Con số đó cao hơn 50 nhân dân tệ (175k) so với bình sữa mà tôi từng mua trước đây".

Tương tự như Fan, Li Xiang, 30 tuổi, cựu nhân viên truyền thông, cũng không bao giờ mua bất cứ thứ gì anh chàng cho là không cần thiết. Tuy sống ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất của Trung Quốc, Bắc Kinh, Li chỉ chi 200 nhân dân tệ (1 triệu đồng) để mua sắm mỗi tháng, "chủ yếu cho quần áo và sách". Li cho biết anh rất ít ham muốn vật chất, vì chi tiêu không thể mang lại cho anh sự hài lòng. "Và khi chuyển nhà, thật mệt mỏi khi phải đóng gói nhiều thứ".

Chủ nghĩa tiêu dùng tạo ra ham muốn bất tận, như 1 cô gái hiện đại phải có nhiều son và túi xách: Nhưng giới trẻ đang tỉnh táo hơn! - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy thế hệ trẻ Trung Quốc trong độ tuổi từ 18 đến 34 thích tiết kiệm tiền hơn bao giờ hết. Số tiền tiết kiệm trung bình hàng tháng của nhóm này là 1.624 nhân dân tệ (5,7 triệu đồng) trong 2021, cao nhất kể từ 2018, theo báo cáo khảo sát do Fidelity International.

Các nhà quan sát cho biết tỷ lệ tiết kiệm tăng cao phản ánh cảm giác khủng hoảng ngày càng gia tăng trong giới trẻ Trung Quốc, đặc biệt là sau khi đại dịch bùng phát. Yin Zhichao, trưởng khoa Tài chính tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết tiết kiệm tiền là để đối phó với những bất ổn trong tương lai, chẳng hạn như chi tiêu tiềm năng cho nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và trường hợp khẩn cấp. "Nói chung, các gia đình Trung Quốc vẫn phải đối mặt với mức độ bất ổn cao và do đó, tỷ lệ tiết kiệm vẫn ở mức cao".

Li tin rằng dù có đại dịch hay không thì nguy cơ bất ổn vẫn luôn hiện hữu. Đối với Li, chi tiêu ít hơn và tiết kiệm hơn mang lại cho anh ấy cảm giác an toàn hơn. "Đó là để chuẩn bị cho nguy hiểm trong thời điểm an toàn".

"Đừng chạy theo xu hướng chủ nghĩa tiêu dùng một cách mù quáng"

Đây là câu slogan trong hội nhóm "Đừng mua! Chủ nghĩa tiêu dùng", được thành lập cuối tháng 10 năm 2020 trên nền tảng MXH Trung Quốc Douban. Nhóm đã thu hút hơn 100.000 thành viên chỉ trong 3 tháng.

Nhóm thảo luận có chuyên mục "Không mua", nơi các thành viên đăng ví dụ về trải nghiệm mua sắm khó chịu của họ để giúp các thành viên khác trong nhóm tránh sai lầm và tiết kiệm tiền, cũng như giúp bản thân thoát khỏi lo lắng. Và trong diễn đàn thảo luận, nhiều thành viên chia sẻ một số quan sát về bẫy người tiêu dùng và cách xác định nhu cầu mua sắm hợp lý để giảm chi tiêu bốc đồng.

"Tôi bắt đầu nhóm này với ý định đi ngược lại xu hướng trước đợt mua sắm 11/11, để nói với mọi người rằng không nên mua gì", Suisuitie (tên tài khoản), người tạo ra nhóm "Đừng mua! Chủ nghĩa tiêu dùng" chia sẻ. Cô nàng 9x hiện đang là nhân viên ngành Internet ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.

Chủ nghĩa tiêu dùng tạo ra ham muốn bất tận, như 1 cô gái hiện đại phải có nhiều son và túi xách: Nhưng giới trẻ đang tỉnh táo hơn! - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Thị trường mua sắm phổ biến khắp nơi, từ livestream đến mua hàng online đang nở rộ gần đây khiến cho một bộ phận giới trẻ mang tâm trạng lo lắng và có cảm giác sợ hãi bị bỏ rơi khi không hòa nhập vào đám đông. Song, may thay, hiện nay mọi người đã nâng cao nhận thức và cảnh giác với chủ nghĩa tiêu dùng.

Theo quan sát của Suisuitie, trong số đông đảo những người chống đối chủ nghĩa tiêu dùng hiện nay, một số người ủng hộ sự tiết kiệm, thích chi tiêu ít hơn, mua các sản phẩm thay thế giá cả phải chăng hoặc cố gắng kiềm chế ham muốn tiêu dùng của họ. Đặc biệt, họ tránh bị "lời nói dối phủ đầy đường" của người người buôn bán "mê hoặc", đồng thời chống lại cám dỗ của việc tiêu thụ quá mức.

Suisuitie cho biết cô tôn trọng những quan điểm khác nhau về tiêu dùng. Song điều mà cô và những người "bạn cùng nhóm" coi trọng hơn cả là ý thức và khả năng sắp xếp nhu cầu của bản thân mà không chi tiêu bốc đồng và mua những thứ họ thực sự cần.

"Chủ nghĩa tiêu dùng tạo ra sự lo lắng và ham muốn bất tận cho người tiêu dùng, sử dụng các kỹ thuật tiếp thị để khiến mọi người cảm thấy rằng bạn cần thứ mà bạn không cần. Ví dụ, các khẩu hiệu tiếp tục nói với chúng ta rằng một cô gái hiện đại phải có nhiều thỏi son và vô vàn túi xách. Nhưng thật ra, bạn nên tự hỏi bản thân xem mình có cần những thứ này hay không." Suisuitie chia sẻ.

Trở lại giá trị thực

Ở Trung Quốc, những người chống lại chủ nghĩa tiêu dùng đã thu hút được sự chú ý và khen ngợi rộng rãi vì thói quen tiêu dùng hợp lý của họ. Thay vì chỉ đơn giản nói không với tiêu dùng, họ ủng hộ chủ nghĩa chi tiêu hợp lý, cố gắng khuyến khích mọi người làm theo nhu cầu thực tế của họ, phản ánh và kiểm tra hành vi mua sắm của họ. "Nó cho thấy sự chín chắn và hợp lý trong quan niệm tiêu dùng của một số bạn trẻ hiện nay".

Trở thành một người chống lại chủ nghĩa tiêu dùng không có nghĩa là chúng ta chống lại bất kỳ hoạt động tiêu thụ nào hoặc triệt tiêu hoàn toàn mong muốn chi tiêu và không cần phải tự kiểm điểm bản thân sau khi mua sắm bốc đồng. "Thay vào đó, chúng tôi có thể phân tích động cơ mua hàng và việc sử dụng các loại hàng hóa khác nhau một cách hợp lý và bình tĩnh hơn, đồng thời cố gắng đưa ra 'những quyết định sáng suốt' đó thường xuyên hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi", Suisuitie chia sẻ.

Chủ nghĩa tiêu dùng tạo ra ham muốn bất tận, như 1 cô gái hiện đại phải có nhiều son và túi xách: Nhưng giới trẻ đang tỉnh táo hơn! - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Một cuộc khảo sát về hành vi tiêu dùng của giới trẻ do CBNData thực hiện vào tháng 6/2021 cho biết: "Sự cần thiết trong cuộc sống" và "hiệu quả chi phí" là 2 yếu tố được người tiêu dùng trẻ cân nhắc khi xem xét xu hướng mua sắm. Khoảng 70% người tiêu dùng trẻ tiến hành nghiên cứu trước khi mua hàng.

Chủ nghĩa tiêu dùng hợp lý có thể mang lại lợi ích cho xã hội. Một mặt, chuyện coi trọng giá trị sản phẩm hơn số lượng có thể ngăn chặn sự lãng phí nguồn lực xã hội do tiêu dùng quá mức. Mặt khác, nó thúc đẩy nhà sản xuất liên tục cải thiện hiệu suất chi phí sản phẩm của họ thông qua đổi mới công nghệ, có lợi cho hoạt động của xã hội.

Theo Global Times

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,