Bạo lực gia đình đối với phụ nữ là một vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều nỗi đau và hậu quả nghiêm trọng. Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực gia đình năm 2019, tại Việt Nam có đến 63% phụ nữ bị bạo lực trong đời. Và đối tượng chính gây ra các vụ bạo lực gia đình có đến 84% là nam giới. Như vậy, đối tượng bị ảnh hưởng bởi bạo lực nhiều nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em.
Sau mỗi lần chịu đòn roi, bị hành hạ về cả thể xác và tinh thần, người phụ nữ trở về bên những người thân, bạn bè để tìm kiếm bình yên và nhất là những lời khuyên có thể đưa họ ra khỏi bóng tối của bạo lực gia đình.
Vậy, những lời khuyên nào người phụ nữ thường được nghe trong hoàn cảnh này? Gương mặt bầm tím vì bị chồng đánh, hai hàng nước mắt lã chã rơi, ấy vậy mà khi vừa về đến nhà, người phụ nữ lại nhận được câu nói từ mẹ mình"Phận làm đàn bà, dù chồng có cư xử thế nào thì cũng ráng chịu đựng mà sống". Tất cả sự bực tức, phản kháng trong phút chốc trở về con số 0, người phụ nữ chỉ biết lặng lẽ cuối đầu bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ, phụ nữ luôn phải nghe và phục tùng mệnh lệnh từ chồng. Càng có tuổi thì càng phải hiểu rõ đạo lý đó mà câm nín!
"Tuổi này rồi đừng hở chút là cãi chồng"
Cứ như vậy, người chồng càng được thế lấn tới, sự xúc phạm, chửi rủa gia tăng theo năm tháng.
"Tuổi này rồi, còn không hiểu vợ chồng hục hặc là chuyện thường" – Đây cũng là một lời khuyên mà phụ nữ thường được nghe. Vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" dẫn tới chồng chửi bới, tát vài bạt tai là việc gây gổ bình thường khi sống chung một mái nhà. Mọi người không cho đó là bạo hành gia đình. Thế nhưng, đâu phải cãi nhau chỉ xảy ra 1 hoặc 2 lần mà thực tế rất nhiều lần. Và lần nào cũng được người trong cuộc xem là bình thường, cứ như vậy người phụ nữ lần sau luôn bị chồng đánh nhiều và nặng hơn lần trước.
Trong nhiều trường hợp, phụ nữ đã nghĩ đến việc tự giải thoát cho bản thân, tránh xa kẻ đã hành hạ mình bằng cách ly hôn. Thế nhưng, ly hôn không phải là chuyện nhỏ. Và quyết định này được khá nhiều người đều không tán thành. "Tuổi này rồi, đừng nghĩ đến chuyện ly hôn", ly hôn như một điều gì to lớn mà chúng ta không thể nghĩ đến nó, chạm tay vào nó. Nhất là những phụ nữ sau 40 tuổi, quyết định ly hôn là một việc thật sự khó khăn. Khi tuổi đã lớn, sự nghiệp ổn định, con cái đề huề làm cho phụ nữ chùng tay trước quyết định lớn nhất cuộc đời. Ngoài ra, sau ly hôn cho dù ở độ tuổi nào, người đàn ông cũng dễ dàng xây dựng lại hạnh phúc. Còn phụ nữ thì ít hay nhiều cũng khó khăn hơn. Và kết quả thì ai cũng biết trước được, đó là người phụ nữ cam chịu sống bên chồng, để yên cho chồng đánh đập đến hết đời.
"Tuổi này rồi đừng nghĩ đến chuyện bỏ chồng"
Không ít bậc cha mẹ dù biết con gái bị hành hạ nhưng vẫn khuyên con về với chồng để "gìn giữ hạnh phúc gia đình". Ngoài ra, cũng vì tính sĩ diện, sợ nghe câu "nhà này có đứa con gái bỏ chồng" mà cha mẹ nỡ ép con mình kéo dài cuộc hôn nhân bất hạnh.
Trong vô vàn những lời khuyên mà phụ nữ nhận được từ người thân, có một lời khuyên luôn làm phụ nữ phải nhẫn nhịn sống chung với bạo hành đó là "Tuổi này rồi, hãy nghĩ tới con cái một chút". Thật sự từ "một chút" đó đã được đánh đổi bằng cả "một đời" của người phụ nữ. Lúc này, người phụ nữ không còn màng đến hạnh phúc riêng tư trong lòng họ chỉ còn mỗi đứa con. Tình yêu dành cho con vượt lên cả tình chồng vợ nên vì con, phụ nữ cam tâm sống bên chồng dù cho tình cảm cạn kiệt. Lo cho con không có được gia đình trọn vẹn, bị cười nhạo vì cha mẹ ly hôn và nhất là ảnh hưởng tới tương lai sau này. Cứ như vậy, người phụ nữ lầm lũi sống trong một mái nhà đầy đòn roi và nước mắt.
"Tuổi này rồi, hãy nghĩ tới con cái một chút"
Vì tình thương con, phụ nữ đành nhắm mắt đưa chân vào vũng lầy bạo lực gia đình.
Phụ nữ là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, sau mỗi giông bão cuộc đời họ cần tìm nơi chốn bình yên cho bản thân và tâm hồn. Lời khuyên của gia đình và bạn bè lúc này là cứu cánh của họ. Thế nhưng, những lời khuyên vừa nghe qua tưởng chừng hữu ích, ấy vậy mà trong phút chốc lại trở thành những lời khuyên vô tâm. Những lời khuyên không mang lại lối thoát mà càng làm cho con đường đi đến hạnh phúc bị ngắn lại. Bởi lời khuyên này đến từ những người mẹ, người vợ, những người cũng đang chịu cảnh bạo lực gia đình. Trong hoàn cảnh như thế, dù phụ nữ muốn vùng lên cũng ít nhiều bị dao động, không tìm được nơi bấu víu, nương tựa nên đa số phải từ bỏ ý định thoát khỏi cuộc hôn nhân bế tắc. Tất cả lời khuyên đưa ra chỉ mong một gia đình êm ấm, thế nhưng đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài, một sự bình yên giả tạo, bên trong nó là ngàn lớp sóng ngầm chỉ chực chờ cướp đi mạng sống, hạnh phúc của người phụ nữ và những đứa trẻ ngây thơ.
Vậy phụ nữ sẽ chọn nghe theo những lời khuyên như thế nào? Buông xuôi theo số phận hay mạnh mẽ vùng lên đấu tranh tự giải thoát cho chính bản thân và những đứa con của mình. Mau chóng đưa những đứa trẻ thoát khỏi môi trường bạo lực để chúng không phải ngày ngày nhìn thấy cha mẹ cãi vã, đánh nhau, cơm chan nước mắt. Để những đứa con ngây thơ không phải chịu sang chấn tâm lý suốt đời, những đứa bé trai không phải lặp lại "vòng lặp bạo lực" cho người bạn đời như cha mình đã hành hạ mẹ năm xưa, những đứa bé gái không phải tiếp tục nhẫn nhục chịu sự hành hạ từ chồng như mẹ mình đã chịu đựng.
Đoạn phim ngắn dưới đây do Enat phối hợp cùng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam thực hiện
Ai cũng chỉ sống một lần trong đời, hãy sống sao cho xứng đáng. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, mình có hạnh phúc thì mới cho con cái được hạnh phúc. Phụ nữ hãy phá bỏ sự im lặng, tìm kiếm sự trợ giúp thông qua hotline 1900.969.680 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kết hợp cùng nhãn hàng ENAT đồng hành – nơi luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ phụ nữ khi cần.
ENAT không chỉ biết đến là nhãn hàng quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của Phụ nữ mà còn thấu hiểu và ủng hộ phụ nữ được sống đúng với mục đích sống của đời họ, vì phụ nữ luôn xứng đáng được trân trọng và yêu thương.