Đám cưới được tổ chức sau đám giỗ
Để nên duyên được với ông Đính, bà Kim Anh đã phải rất dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, trắc trở, đặc biệt là sự cấm cản từ phía ba của bà. Nguyên nhân ba của bà Kim Anh phản đối hôn sự này cũng dễ hiểu, bởi ngày đó ông Đính nghèo, không có người thân bên cạnh, không có nhà và không có việc làm ổn định. Nhưng bà Kim Anh khi ấy đã thương rồi, thương không thể bỏ được nên những khuyết điểm của ông Đính cũng trở thành cái cớ để bà bằng lòng ở bên cạnh ông.
Quay trở lại quãng thời gian cách đây hơn 27 năm, bà Kim Anh còn là cô bán bánh bột lọc ở gần Cầu Muối (Tp. Hồ Chí Minh). Ngày ngày, người đàn ông tên Đính trên đường đi làm về đều tạt vào quán ăn bánh bột lọc. Và dù không ăn, ông cũng sẽ cố vào mua một hộp mang đi để lấy cớ nói chuyện, làm quen cô bán hàng.
Còn bà Kim Anh lúc ấy chẳng có ấn tượng gì với ông Đính, bị ghẹo hoài nên thành ra ghét ông. Ấy thế mà thời gian dần trôi qua, chỉ vắng "tiếng ghẹo" một hôm mà bà đã nhớ, đã lo lắng. Bà tìm tới tận nơi ông Đính ở, thấy ông ốm đau, nằm một mình chẳng ai chăm nom, bà thương. Tình thương lớn dần rồi bà chấp nhận sẽ theo ông cả đời.
Ông Đính, bà Kim Anh xuất hiện trong chương trình Tình Trăm Năm.
Ngày về ra mắt gia đình bà Kim Anh, ông Đính thành thật nói với ba của bà: "Giờ chúng con thương nhau. Mà con nghèo lắm, không có tiền làm đám cưới, xin phép làm 1 – 2 bàn cỗ để ra mắt họ hàng".
Ba của bà Kim Anh một mực phản đối, rồi lấy tạm lý do bà đã lớn tuổi, không cần lấy chồng. Nhưng do các thành viên trong nhà đồng lòng ủng hộ hôn sự, nên ông cũng nhắm mắt gật đầu, chấp nhận một đám cưới. Gọi là đám cưới nhưng thực chất chỉ là một buổi ra mắt sau khi đám giỗ trong gia đình diễn ra.
Vợ chồng ông Đính ở bên nhau chỉ có tình yêu, bởi họ nghèo tới mức từng có thời gian phải nằm bờ ngủ bụi vì không đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà, không có tiền mua gạo để ăn. Không chỉ vậy, bà Kim Anh còn không thể mang thai, đau ốm liên miên, phải đi viện. Bước vào đường cùng, ông Đính còn từng đi bán máu đổi lấy tiền chi trả phí sinh hoạt, giúp vợ vượt qua bệnh tật.
Hơn 40 năm chưa tìm lại về gia đình và cuộc hội ngộ xúc động
Hơn 20 năm bên nhau là từng đó thời gian đôi vợ chồng già đi thuê nhà, họ thay đổi địa chỉ liên tục để phù hợp với hoàn cảnh sống. Giờ thì bà Kim Anh ở nhà làm nội trợ, chăm nom từng bữa ăn cho chồng. Còn ông Đính cũng luân chuyển qua nhiều nghề từ phụ hồ, bán bánh mì, bánh chuối nướng rồi bán vé số. Thế nhưng do bệnh dạ dày cùng cao huyết áp, sức lao động của ông cũng giảm dần theo thời gian.
Ông Phạm Văn Đính vốn là người xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội), gia đình có 6 anh em; 4 trai, 2 gái. Năm 18 tuổi, ông Đính vào TP. Hồ Chí Minh đi bộ đội, nhưng vì sức khỏe yếu nên ông xin xuất ngũ, đi biển rồi chuyển qua làm thợ hồ. Chính quãng thời gian làm thợ hồ, ông đã gặp và cảm mến bà Kim Anh.
Vì quá khó khăn, ông Đính từng có lúc đi bán máu để đổi lấy tiền chữa bệnh cho vợ.
Rời xa gia đình, quê hương từ năm 1980, ông Đính chưa một lần liên lạc với người thân. Thời gian đầu là để ổn định cuộc sống, về sau thì vì hoàn cảnh quá nghèo, ông lại sợ bản thân sẽ ảnh hưởng tới gia đình.
42 năm rồi, ông đau đáu nỗi nhớ quê hương và thầm nghĩ, có lẽ người thân cũng chẳng rõ ông còn sống hay đã chết. Đến cái tuổi gần đất xa trời, ước mong lớn nhất của ông chính là trở về quê hương và tìm lại người thân.
Thế rồi điều kỳ diệu đã đến, sau khi chương trình "Tình trăm năm" với sự góp mặt của ông Đính, bà Kim Anh lên sóng, gia đình ở Hà Nội đã biết được thông tin và tìm cách liên hệ. Sau cuộc hội ngộ "mừng mừng tủi tủi" với người thân ở TP. Hồ Chí Minh, vợ chồng ông bà đã bay ra Hà Nội.
Liên lạc với bà Kim Anh, bà xúc động cho biết hiện hai vợ chồng đang ở nhà ba mẹ ông Đính. Ba mẹ ông Đính đã qua đời, gia đình có 6 anh em thì 3 người cũng đã mất. Hai vợ chồng ông bà không định quay lại Sài Gòn nữa mà sẽ ở lại Hà Nội, bên cạnh người thân.
Anh em họ hàng trong Nam, ngoài Bắc sau khi biết thông tin thì vô cùng vui mừng, liên tục gọi điện hỏi han ông bà. Cả hai đang sống trong những ngày tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời.
Nguồn: Tình trăm năm