Với thành tích học tập 12 năm liền học sinh giỏi, có thể dễ dàng chọn học một ngành học bất kỳ nào song cô gái nhỏ Lê Gia Hân - học sinh lớp 12A3 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) quyết định đăng ký ngành Kỹ thuật Hàng không - một ngành học mới của Trường Đại học Văn Lang để theo đuổi sở thích của mình.
Từ khi lên cấp 3, vì là học sinh ban B nên gia đình nghĩ tương lai Gia Hân chắc chắn sẽ theo học khối ngành sức khỏe rồi trở thành bác sĩ. Thực tế, Gia Hân cũng đã đăng ký xét tuyển và trúng tuyển sớm vào ngành Răng Hàm Mặt của Trường Đại học Văn Lang. Cứ tưởng mọi thứ sẽ diễn ra theo lộ trình cho đến khi bạn biết tin Trường Đại học Văn Lang mở thêm ngành Kỹ thuật Hàng không trong năm tuyển sinh 2023. Trước ngưỡng cửa đại học, Gia Hân quyết định thêm một lựa chọn để theo đuổi đam mê của mình.
Khi được hỏi em có nhận ý kiến trái chiều từ người thân khi thay đổi nguyện vọng so với định hướng gia đình không, Gia Hân thành thật trả lời: "Thật ra, em chưa nói quyết định này cho gia đình, em muốn khi có kết quả chính thức rồi sẽ báo tin vui cho ba mẹ; nhưng em nghĩ sẽ được ba mẹ ủng hộ hết mình, vì ngay từ bé chính mẹ và anh hai là người thường giải đáp cho em 1001 câu hỏi "Vì sao máy bay có thể bay vào bầu trời?". Mẹ em từng là học sinh giỏi khối tự nhiên nên khi nghe em hỏi về ngành nghề nào thuộc lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, mẹ đều rất hào hứng chia sẻ với em, đôi khi còn cùng em tìm hiểu mọi thông tin về các lĩnh vực yêu thích. Em nghĩ thời đại 4.0 rồi nên mình thích ngành nào thì mình chọn ngành đó để theo đuổi thôi."
Có nền tảng tốt ở tất cả các môn học từ thời phổ thông, nhưng Gia Hân đặc biệt đam mê tìm tòi nghiên cứu nguyên lý hoạt động của các đồ vật, của chiếc xe, tên lửa,.... Gia Hân tâm sự: "Hồi nhỏ, em thích nghiên cứu, tìm tòi nên từ lần đầu được đi máy bay, em đã thắc mắc bên trong các động cơ của máy bay có gì, có những linh kiện như thế nào, làm sao có thể hoạt động mạnh như vậy, cách thức hoạt động ra sao mà có thể chở hàng trăm người bay trên bầu trời như vậy. Lớn lên, em bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về ngành Kỹ thuật Hàng không ở các trường, em biết đây là ngành học mang tính khoa học có triển vọng trong tương lai cao."
Quyết định đăng ký nguyện vọng ngành Kỹ thuật Hàng không cũng là lúc Gia Hân đào sâu hơn vào chương trình học, càng cảm thấy đây là một ngành học thú vị giúp mình có thể phân tích và giải quyết các vấn đề chuyên môn liên quan đến khí động lực học, kết cấu và vật liệu hàng không, cơ học bay và điều khiển, động cơ lực đẩy máy bay và thiết kế kỹ thuật hàng không, hoặc quản lý vận hành, bảo dưỡng các thiết bị bay, bộ phận, các hệ thống của máy bay.
Do yêu cầu chất lượng đào tạo nghiêm ngặt, hiện nay có rất ít trường đại học Việt Nam được cấp phép đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không. Tại miền Nam, chỉ có 02 trường đại học công lập là Đại học Bách khoa TP.HCM và Học viện Hàng không Việt Nam được cấp phép đào tạo. Gần đây nhất, ngành Kỹ thuật Hàng không đã mở rộng cánh cửa cho người học có đam mê khi Trường Đại học Văn Lang chính thức công bố tuyển sinh khóa đầu tiên với 02 chương trình: Kỹ sư Kỹ thuật Hàng không và Cử nhân Kỹ thuật Hàng không.
Ngành Kỹ thuật Hàng không tại Trường Đại học Văn Lang có 02 lựa chọn chương trình đào tạo: chương trình kỹ sư theo hướng Khoa học hàng không, chương trình cử nhân chuyên sâu về Khoa học hàng không và Bảo dưỡng hàng không.
Như các bạn trẻ cùng trang lứa khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, Gia Hân cũng đến các trường đại học để tham gia chương trình trải nghiệm học tập, tìm ngôi trường phù hợp với mình. Tháng 3/2023, đã có lần trực tiếp đến Trường Đại học Văn Lang tham gia chương trình Open day do trường tổ chức nên bạn quyết định đăng ký xét tuyển đại học mà không cần phải lo lắng về chất lượng cơ sở vật chất cũng như chính sách chăm sóc người học của Trường.
Gia Hân (phải) chia sẻ: "Em tìm hiểu và biết cơ sở vật chất của trường đang ở top đầu các trường đại học; em còn có anh trai là cựu sinh viên của Trường nên hoàn toàn yên tâm về mức độ đầu tư dành cho các ngành."
Về tiềm năng của ngành Kỹ thuật Hàng không tại Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về Kỹ thuật Hàng không, cũng là người mở đường mở ngành tại Trường Đại học Văn Lang cho biết: hiện nay cả nước mới có khoảng 3000 kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hàng không, đây là lực lượng chủ lực trong ngành hàng không dân dụng, tham gia bảo dưỡng và điều hành các hoạt động kỹ thuật ở các sân bay. Trong tương lai Việt Nam có thể trở thành trung tâm trung chuyển và trung tâm bảo dưỡng hàng không của khu vực, đòi hỏi số lượng lớn các kỹ thuật viên, phi công được đào tạo bài bản, chuyên sâu, đảm nhận các vai trò trong dây chuyền sản xuất và cung ứng dịch vụ.
"Trong 30 năm vừa qua, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành hàng không và chân dung nghề nghiệp đã tạo ra một hình ảnh ngành hàng không không hẹp như người ta tưởng. Tuy nhiên, đây là một ngành rất khó, phải tuyển được những sinh viên có đam mê về kỹ thuật hàng không, có năng lực về khoa học và mong muốn học đến nơi đến chốn. Thế nên tôi cùng với các đồng nghiệp trong nhóm xây dựng chương trình tại Trường Đại học Văn Lang đã đặt mục tiêu là chương trình phải rất tốt, vừa phải có nền tảng khoa học kỹ thuật rộng, vừa phải chuyên sâu về kỹ thuật hàng không. Chương trình được xây dựng theo tiêu chuẩn ABET, đào tạo cho sinh viên năng lực về thiết kế sáng tạo, phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề thiết kế theo nhu cầu và sáng tạo sản phẩm mới hay cải tiến kỹ thuật." - PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho biết.
Cùng với nhiều bạn trẻ đang đăng ký xét tuyển ngành Kỹ thuật Hàng không và hướng tới các vị trí việc làm hấp dẫn cùng mức lương đáng mơ ước trong ngành, Gia Hân chia sẻ mong muốn sau này có thể trở thành chuyên viên bảo dưỡng máy bay, được làm việc ở các sân bay trong nước và quốc tế.