Hụi, còn có tên khác là họ, hội, biêu, phường, huê, là một thình thức một nhóm bạn, thân hữu hỗ trợ nhau, để huy động vốn lẫn nhau.
Hiện nay hụi phát triển khá mạnh và có rất nhiều hình thức huy động, trả lãi khác nhau. Bên cạnh những hụi có tính chất hỗ trợ nhau thật sự, cũng có những hụi mang tính chất tín dụng cho vay lãi cao.
Bài này sẽ bàn về khía cạnh tài chính, lãi suất và rủi ro của hình thức hụi.
Hình thức đầu tiên là hụi không phí không lãi
Người tổ chức gọi là chủ hụi, mời mọi người, vốn là bạn bè, thân hữu đã biết nhau, cùng chơi hụi.
Ví dụ có 12 người, mỗi tháng mỗi người góp 10 triệu. Tổng cộng là 120 triệu.
Mỗi tháng sẽ có một người được nhận khoản tiền này để dùng làm vốn hay chi tiêu.
Mỗi hụi sẽ có cách để xác định người được nhận tiền trong tháng đó,thường là bằng hình thức rút thăm, hoặc xác định ai cần tiền khẩn cấp hơn.
Người nhận tiền trong tháng đó, còn lại là người hốt hụi sẽ trả 1 khoản tiền cho việc họp mặt. Và lần lượt ai cũng có được hốt hụi.
Hình thức hụi này, chỉ tồn tại trong những nhóm bạn rất thân nhau.
Hình thức thứ hai có phí (còn gọi là thảo) cho chủ hụi. Số tiền thảo bằng từ 5%-20% số tiền hụi hàng tháng của một hội viên.
Bậy giờ chúng ta hãy cùng xem xét bài toán hiệu quả, của việc tham gia hụi theo ví dụ sau:
"Hụi gồm 12 người, kể cả chủ hụi. Mỗi người về cơ bản sẽ đóng góp 1 triệu/ hàng tháng. Ai muốn rút phải kêu giá. Và người nào kêu giá cao nhất sẽ được hốt hụi. Người đó phải trả cho phải trả 200.000 đồng cho chủ hụi là người có công tổ chức"
Giả sử người trúng tháng 1 kêu giá 110.000, tức là trong tháng 1, những hội viên khác chỉ phải đóng = 1.000.000 – 110.000 = 890.000 đồng. Tức là người trúng tháng 1 sẽ từ 11 hội viên còn lại số tiền hụi là = 11*890.000. Người hốt hụi còn phải chi trả 200.000 cho chủ hụi, nên số tiền của người tháng 1 sẽ nhận là = 11*890.000 – 200.000 = 9.590.000. Sau khi đã hốt hụi tháng 1, thì kể từ tháng 2, người này phải đóng tiền hụi với số tiền: 1.000.000 đồng / tháng.
Giả sử rằng số tiền kêu hụi vào các tháng lần lượt là 100.000 đồng (tháng 2), 90.000 đồng (tháng 3), 80.000 đồng (tháng 4), cho đến 10.000 đồng (tháng 11), và 0 đồng vào tháng 12.
Chúng ta hãy phân tích dòng tiền người rút tháng 3:
Vào tháng 1: Do anh tháng 1 kêu giá 110.000 nên anh tháng 3 chỉ đóng 890.000 đồng trong tháng 1.
Vào tháng 2: Do anh tháng 2 kêu giá 100.000 nên anh tháng 3 chỉ đóng 900.000 đồng trong tháng 2.
Vào tháng 3: anh này rút được: 2 phần 1 triệu của anh tháng 1, anh tháng 2, và 9 phần * 910.000 đồng (tháng 3 tiền hụi là 9,000 đồng), trừ 200.000 phí. Tổng cộng anh trong tháng 3 = 2 * 1.000.000 9 * 910.000 – 200.000 = 9.990.,000
- Từ tháng 4 đến tháng 12: mỗi tháng anh này đóng tiền hụi chết: 1.000.000 đồng.
- Áp dụng công thức IRR, chúng ta sẽ tính được lãi suất của dòng tiền này là: 2,04%/tháng.
** Khi chơi hụi có tính tương trợ thì người nào cần tiền tháng nào thì hốt hụi vào tháng đó. Đây chính là hiệu quả lớn nhất của việc chơi hụi.
Tuy vậy, chúng ta cùng cần phải phân tích Tỷ suất sinh lợi vào từng tháng, để xem tháng nào là rút hụi là lợi nhất. Hình minh họa là bảng tính Excel, cài đặt công thức, đưa về dòng tiền và tính lãi suất bằng công thức IRR.
** Sáu người hốt hụi trong 6 tháng đầu, nhận hụi sớm và có số tiền nhận về nhỏ hơn tổng số tiền họ đóng ra, nên được xem là người vay tiền.
- Người hốt hụi tháng 1, chịu lãi suất vay: 2,36%/tháng
- Người hốt hụi tháng 2, chịu lãi suất vay: 2,20%/tháng
- Người hốt hụi tháng 3, chịu lãi suất vay: 2,04%/tháng
- Người hốt hụi tháng 4, chịu lãi suất vay: 1,90%/tháng
- Người hốt hụi tháng 5, chịu lãi suất vay: 1,78%/tháng
- Người hốt hụi tháng 6, chịu lãi suất vay: 9,7%/tháng. Người này chịu lãi cao nhất, Lý do: người này nhận cục tiền dương trễ nhất trong số 6 người vay.
** Sáu người hốt hụi trong 6 tháng sau, nhận hụi trễ và có số tiền nhận về lớn hơn tổng số tiền họ đóng ra, nên được xem là người cho vay tiền.
- Người hốt hụi tháng 7, hưởng lãi suất cho vay: 1,24%/tháng. Người này là người cho vay với lãi suất cao nhất, sau chủ hụi. Lý do: người này được nhận cục tiền dương sớm nhất trong số 6 người cho vay.
- Người hốt hụi tháng 8, hưởng lãi suất cho vay: 1,22%/tháng
- Người hốt hụi tháng 9, hưởng lãi suất cho vay: 1,11%/tháng
- Người hốt hụi tháng 10, hưởng lãi suất cho vay: 0,99%/tháng
- Người hốt hụi tháng 10, hưởng lãi suất cho vay: 0,99%/tháng
- Người hốt hụi tháng 11, hưởng lãi suất cho vay: 0,86%/tháng
- Người hốt hụi tháng 12, nếu kg phải là chủ hụi, hưởng lãi suất: 1,05%/tháng.
Nếu người này kiêm luôn là chủ hụi, tức là được nhận phí 200.000 đồng tháng, nên sẽ hưởng lãi suất cho vay rất cao: 5,05%/tháng.
Hình thức thứ ba, Hụi có số tiền thảo bằng hoặc hơn 50% số tiền hụi hàng tháng của một hội viên
Ví dụ: "Hụi gồm 12 người, kể cả chụ hụi. Mỗi người về cơ bản sẽ đóng góp 1 triệu/ hàng tháng. Ai muốn rút phải kêu giá. Và người nào kêu giá cao nhất sẽ được hốt hụi. Người đó phải trả cho phải trả 500.000 đồng cho chủ hụi là người có công tổ chức và chịu trách nhiệm về rủi ro khi bể hụi".
Giả sử số tiền thắng hụi: 140.000 đồng (tháng 1), 130.000 đồng (tháng 2), 120.000 đồng (tháng 3)…
Và người thắng hụi phải trả cho chủ 500.000 đồng,
Tính tương tự như trên, chúng ta có:
- Lãi suất vay trung bình của 5 người hốt sớm: 3,5% - 5%/tháng
- Lãi suất cho vay của 5 người hốt sau: 0,6%-0,9%/tháng
- Lãi suất cho vay của người hốt tháng 12 là 1,59%/tháng
Nếu người này kiêm chủ hụi, được nhận phí 500.000 đồng, thì sẽ được lãi suất cho vay là: 14,85%/tháng.
Nếu chủ hụi liên tục tổ chức việc này thì TSSL theo năm là: 426,60%/năm. Cao khủng khiếp.
Dĩ nhiên chủ hụi phải chịu rủi ro đối với các hội viên còn lại về những hội viên giật hụi, không đóng hụi chết. Và cũng vì có những rủi ro giựt hụi này nên chủ hụi phải lấy phí cao để có lãi bù lại cho rủi ro. Mà cũng có rất nhiều trường hợp, chủ hụi là người chủ động giựt hụi, xù hụi.
Hiện nay có Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP... liên quan đến hụi, hò. Tuy vậy nhà nước hầu như chưa có chế tài nào đối với các dây hụi có phí, lãi cao. Chúng ta phải tư bảo vệ mình, tránh khỏi các rủi ro từ các những dây hụi có phí, thảo cao, vì trước sau gì thì những dây hụi này cũng bị bể, hay bị giật.
Bài viết nằm trong series "Quản trị tài chính cá nhân" thể hiện quan điểm của tác giả Lâm Minh Chánh - Giám đốc Trường Quản Trị Kinh Doanh BizUni.