Chơi "canh bạc tất tay" với B-21, cái giá mà Không quân Mỹ phải trả đắt đến mức nào?

Trà Khánh | 16-03-2020 - 13:06 PM

(Tổ Quốc) - Theo tướng Michael Loh, với yêu cầu cắt giảm ngân sách trong năm 2021 của lực lượng không quân, phi đội máy bay ném của nước Mỹ sẽ chỉ còn khoảng hơn 140 chiếc.

Mất hơn một nửa phi đội máy bay ném bom chỉ sau 30 năm

Trong một phân tích mới đây trên tờ Defense News, John Michael Loh - Tướng bốn sao đã nghỉ hưu của Không quân Mỹ cho rằng, lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có khi quy mô của phi đội này ngày càng bị thu hẹp, và lý do thiếu ngân sách mà Lầu Năm Góc đưa ra thật khó mà chấp nhận được.

Tướng Michael Loh cho biết, Không quân Mỹ từng có lực lượng máy bay ném bom chiến lược tầm xa hơn 400 chiếc gồm B-1 Lancer, B-2 Spirit và B-52 Stratofortress vào cuối Chiến tranh Lạnh (1989) và trước Chiến tranh vùng Vịnh (1990).

"Với yêu cầu cắt giảm ngân sách trong năm 2012 của lực lượng không quân, phi đội máy bay ném của nước Mỹ sẽ chỉ còn khoảng hơn 140 chiếc", tướng Michael Loh nhấn mạnh.

Cựu chỉ huy Không quân Mỹ cũng cho rằng, ở thời điểm hiện tại máy bay ném bom vẫn là một trong những vũ khí ưu việt cho các nhiệm vụ tấn công tầm xa ở mức chiến thuật lẫn chiến lược, bởi tầm hoạt động xa và khả năng mang theo số lượng lớn vũ khí của nó.

Cũng theo tướng Michael Loh việc cắt giảm phi đội máy bay ném bom chiến lược hiện tại trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố trước đó của Không quân Mỹ về việc mở rộng lực lượng máy bay ném bom lên mức 200 chiếc từ đây cho tới năm 2030. Trong số đó sẽ có khoảng 145 chiếc B-21 Raider - máy bay ném bom thế hệ mới của Không quân Mỹ.

Chơi canh bạc tất tay với B-21, cái giá mà Không quân Mỹ phải trả đắt đến mức nào? - Ảnh 2.

Máy bay ném bom B-52H của Không quân Mỹ trong một nhiệm vụ trên không. Ảnh: Sputnik.

Tướng Michael Loh còn lo ngại rằng trong số 140 máy bay ném bom còn hoạt động của Không quân Mỹ thì chỉ có khoảng 20 chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2, đây là "nắm đấm thép" duy nhất của Lầu Năm Góc có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại để tấn công các mục tiêu quan trọng của kẻ thù.

Khá trớ trêu là phi đội B-2 của Mỹ đang đứng trước nguy cơ nghỉ hưu sớm nếu Không quân Mỹ bị cắt giảm ngân sách trong năm 2021, bởi B-2 phải được hiện đại hóa và nâng cấp toàn diện sau gần 30 năm hoạt động. Việc ngừng hiện đại hóa B-2 có thể dẫn tới nguy cơ Không quân Mỹ mất đi chỗ dựa vững chắc duy nhất trên không.

Dồc hết vốn liếng cho "canh bạc" B-21

Trong cuối bài phân tích của mình, tướng Michael Loh kết luận rằng, lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ sẽ bị thu hẹp quy mô xuống mức thấp nhất trong lịch sử của nó trong 10 năm tới. Trong khi đó, yêu cầu ngân sách quá lớn cho việc phát triển máy bay ném bom B-21 đang làm suy yếu lực lượng này từ bên trong.

Chơi canh bạc tất tay với B-21, cái giá mà Không quân Mỹ phải trả đắt đến mức nào? - Ảnh 3.

Thiết kế đồ họa của B-21 Raider - máy bay ném bom thế hệ mới của Không quân Mỹ. Ảnh: Sputnik.

Điều đáng nói là dù đổ nhiều tiền vào chương trình phát triển B-21 nhưng Không quân Mỹ lại không thể sử dụng máy bay ném bom này ngay lập tức vì phải đến năm 2021 - B-21 mới thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.

Từ mốc thời gian trên cho đến khi nó được đưa vào trang bị phải mất thêm ít nhất 5 năm nữa, vậy trong 10 năm tới Không quân Mỹ sẽ tác chiến tầm xa ra sao nếu không có đủ máy bay ném bom? Đã đến lúc Không quân Mỹ nhận ra mức độ nghiêm trọng của việc cắt giảm lực lượng máy bay ném bom chiến lược.

"Một "kế hoạch B" tốt sẽ không tồn tại nếu Mỹ không có lực lượng máy bay ném bom đủ mạnh", tướng Michael Loh nhận định.

Được biết, bài phân tích trên được tướng Michael Loh đưa ra sau khi trang tin quân sự Defense Blog trích dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein về kế hoạch cắt giảm phi đội máy bay ném bom B-1B Lancer để tiết kiệm ngân sách cũng như bổ sung thêm tài chính cho chương trình phát triển B-21.

Máy bay ném bom B-52H của Không quân Mỹ trong một nhiệm vụ ném bom gần đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM