"Chiêu lạ" của thầy Park
Kỳ tích Thường Châu của U23 Việt Nam năm 2018 gắn liền với cặp tiền vệ Xuân Trường-Đức Huy. Trong suốt giai đoạn đầu dẫn dắt U23 và ĐTQG Việt Nam, HLV Park Hang-seo thường hướng tới một bộ đôi tiền vệ bổ sung cho nhau, 1 người đánh chặn và 1 người đảm nhận vai trò phân phối bóng.
Tới Asiad 2018, thầy Park khiến tất cả bất ngờ khi kéo Quang Hải từ vị trí tiền đạo cánh về thi đấu nơi hàng tiền vệ. Không ít người lo ngại một cầu thủ thua thiệt về mặt thể hình như Quang Hải liệu có thể chơi tốt ở khu vực giữa sân, nơi liên tục phải tranh chấp tay đôi với đối phương.
Nhưng cuối cùng Quang Hải đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiền vệ người Hà Nội trở thành một ngòi nổ lợi hại nơi tuyến giữa U23 Việt Nam nhờ khả năng kéo bóng cùng những đường chuyền vượt tuyến có độ chính xác cao. Các tình huống âm thầm xâm nhập vòng cấm của Quang Hải cũng được mài giũa thành một vũ khí sắc bén.
Trong hàng loạt giải đấu tiếp theo, Quang Hải tiếp tục thi đấu nơi hàng tiền vệ. Dù là hệ thống 3-4-3 hay sau này chuyển sang 3-5-2, vị trí của anh vẫn không có nhiều thay đổi.
Với Quang Hải là hạt nhân đặc biệt trong lối chơi, HLV Park Hang-seo đã cùng bóng đá Việt Nam tạo nên rất nhiều chiến lịch sử như á quân U23 châu Á, hạng tư Asiad, vô địch AFF Cup và lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Gợi ý cho HLV Troussier
Trong trận giao hữu gần nhất của U22 Việt Nam, HLV Troussier đã kéo Khuất Văn Khang – cầu thủ sở trường chạy cánh – vào chơi ở trung tâm hàng tiền vệ trong sơ đồ 3-4-3.
Không phải ngẫu nhiên nhà cầm quân người Pháp thử nghiệm phương án như vậy. Bởi trong đội hình U22 Việt Nam lúc này, Khuất Văn Khang là cầu thủ được đánh giá cao ở khả năng kéo bóng và chuyền xuyên tuyến.
Trước đó trong màu áo U20 Việt Nam do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt, tiền vệ thuộc biên chế CLB Viettel cũng từng chơi ở tuyến giữa. Trận đấu gặp U20 Qatar tại giải U20 châu Á, Văn Khang đá cặp tiền vệ trung tâm với Đức Phú và góp phần quan trọng giúp U20 Việt Nam giành chiến thắng 2-1.
Ngoài những tình huống hỗ trợ tấn công vốn là điểm mạnh, Văn Khang còn gây ấn tượng với 10 lần thu hồi bóng thành công. Biểu đồ nhiệt cho thấy anh đã di chuyển khắp mặt sân và liên tục có mặt tại các điểm nóng.
Thực tế ở những trận đấu đã qua của U22 Việt Nam dưới thời HLV Troussier, Huỳnh Công Đến dù rất cố gắng song chưa thể đảm đương trọn vẹn vai trò tiền vệ trung tâm. Nếu có một cầu thủ sở hữu kỹ năng tốt như Văn Khang chia lửa, tuyến giữa sẽ có thể vận hành một cách linh hoạt hơn.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, U22 Việt Nam có lịch thi đấu theo kiểu "bậc thang" tại vòng bảng SEA Games 32 với các trận đấu tăng dần về độ khó. Điều này cho HLV Troussier thêm cơ hội để thực hiện một số thử nghiệm trước khi bước vào những màn so tài quyết định tấm vé đi tiếp.
Biết đâu trong những thử nghiệm ấy, Khuất Văn Khang sẽ là nhân tố then chốt giúp U22 Việt Nam tạo nên sự khác biệt.