Chở nước về rừng Tà Sanh chạm địch...
Đầu tháng 3 năm 1979, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 trên chiến trường K sau khi chiếm cửa khẩu Pailin giao lại cho Sư đoàn 5, Quân khu 7, rồi vòng về truy quét xuống hướng nam đường 10.
Tại đây tình hình trở nên khác thường khi bộ binh và xe tăng địch liên tục phản kích, gây cho ta nhiều khó khăn. Trinh sát của Quân đoàn đã luồn sâu sau hậu phương địch, phát hiện Tà Sanh là một căn cứ lớn của chúng nằm trong dãy núi Kravanh hiểm trở, cách biên giới Thái Lan độ 20 km.
Xác định đây là nơi có nhiều cơ quan trung ương của chính phủ Khmer Đỏ đóng cùng nhiều kho tàng phương tiện kỹ thuật.
Trung đoàn 866, Sư đoàn 31 chúng tôi đang truy quyét địch ở khu vực núi Hồng tỉnh Xiêm riệp nhanh chóng được điều lên Bát Tam Bang nhận nhiệm vụ đánh Tà Sanh.
Tác giả Lê Tài - Nguyên Đại đội phó C7, D2, E866, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam.
Ngày 19/03/1979 xe chở trung đoàn đổ quân tập kết tại Căng Hót bên bờ sông Kompongko, theo bản đồ cách Tà Sanh độ 40km.
Tại đây Đại đội 7 chúng tôi gom giữ một toán dân từ Tà sanh vượt ra, dẫn về giao cho dân vận cấp trên. Trong số dân có chị Sôphi cho biết từ Căng hót vào Tà Sanh chỉ là rừng khộp, suối cạn không có nước và tình nguyện dẫn đường.
Xế chiều ngày 24/3 các đơn vị theo trinh sát hành quân luồn sâu. Đại đội 7 đi đầu, kế đến là chỉ huy tiểu đoàn. Lần này lính mang vác khá nặng. Ngoài 2 cơ số đạn lương thực thực phẩm đủ dùng 10 ngày, lính còn mang theo nhiều nước đựng trong các bình tông 5 - 10 lít. Trung đoàn cũng chuẩn bị 5 xe ô tô chở 100 phuy nước đi sau tiếp ứng.
Đi vài cây số, bất ngờ chúng tôi gặp chốt địch, lực lượng khoảng một đại đội tăng cường. Chờ cho quân ta đến gần, khẩu 12,7 ly và các loại hỏa lực của chúng bắn điên loạn. Loạt đạn đầu, 4 trinh sát trúng đạn đổ gục. Lệ, Trung đội trưởng trung đội 7 bị thương vào bụng.
Một số anh khác dính mảnh B41 chạy lui. Số còn lại nằm tại chỗ bắn trả. Đại đội trưởng Thao lệnh cho tôi dẫn một trung đội vòng phải. Tôi chồm dậy dẫn trung đội 8 lùi lại một quãng rồi vòng lên đánh tạt sườn chốt địch.
Lúc này cối đại đội và tiểu đoàn đã bắn cấp tập. Tôi cùng Huỳnh liên lạc tiến được quãng 30 - 40 mét, dừng lại sau ụ mối quan sát. Vinh xạ thủ B40 cũng dừng ở ụ mối bên cạnh. Bất ngờ khẩu đại liên của địch cách khỏang hơn trăm mét quét ràn rạt.
Vinh trúng đạn vào tay trái gục xuống kêu. Nghe Vinh kêu, tôi bảo Huỳnh chạy sang băng. Huỳnh đang ngập ngừng vì khẩu đại liên vẫn bắn, Công y tá chạy tới kéo Vinh vào sau ụ mối băng bó, dìu chạy về sau.
Thấy đường đạn của khẩu đại liên không đổi, trèo lên đỉnh ụ mối vạch cây quan sát vẫn không phát hiện được địch, tôi vẫy Tường trung đội trưởng cho anh em vận động tiếp.
Chuyền qua 2 ụ mối, chuẩn bị đến ụ thứ 3 tôi giật mình khựng lại thấy cách khoảng 5 - 6m, một tên địch đang quỳ sau bụi cây chĩa khẩu AK về hướng bọn Tường. Tôi không bắn, chĩa súng hô "Lơc đay lơn " (Giơ tay lên)!
Tên địch hoảng hồn ngoảnh lại buông súng, giơ tay lên trời. Tôi hô Huỳnh vào trói. Huỳnh xông vào không trói mà lại cầm cổ áo hắn lôi xềnh xệch, quên cả nhặt súng. Cả ba chạy về sau ụ mối to an toàn, tôi bảo Huỳnh dẫn tù binh về tiểu đoàn. Huỳnh chối, vì đi một mình sợ.
Tôi bảo mày kéo hắn chạy trước tao chạy sau bảo vệ cho nhanh. Đưa tên tù binh về giao trực tiếp cho anh Côi tiểu đoàn trưởng. Tôi quay lại chỗ cũ. Lúc này trời đã nhập choạng. Cả hai bên im lặng, chỉ có khẩu 82 của tiểu đoàn thi thoảng bắn cầm canh. Chúng tôi dừng tại chỗ. Trung đoàn lệnh vòng tránh chốt địch, tiếp tục luồn sâu.
... và bắt sống 2 lính nữ Polpot: Điều không thể ngờ!
Trời tối hẳn, khẩu 12,7 ly của tiểu đoàn bắn mấy loạt dài, địch không phản ứng. Phúc người Quảng bình bỏ súng B40 bò lên lần lượt vác tử sỹ về giao cho vận tải. Giải quyết thương binh tử sỹ xong. Tiểu đoàn thu quân, bỏ lối cũ quay lại tìm đường mới.
Đại đội 7 vẫn tiếp tục dẫn đầu đội hình. Đêm tối mù mịt chúng tôi mò mẫm đi trong rừng khộp. Vì đi theo góc phương vị mới, và rừng bằng phẳng, không có điểm chuẩn nên trinh sát lúng túng. Nhiều lần họ dừng khá lâu để nghiên cứu bản đồ. Anh Côi đi sau phải xác định góc phương vị, truyền lên cho trinh sát soi đường.
Gần sáng trăng hạ tuần mới lên tỏa ánh sáng lành lạnh mờ ảo. Đang đi bỗng phía trước nghe tiếng chạy huỳnh huỵch, cây bị xô ràn rạt. Lính nằm dạt xuống. Ai đó đã nhanh tay bắn một quả B40, tiếp đó cối C8 cũng bắn hú họa mấy quả.
Nằm mãi không thấy địch phản ứng, trinh sát truyền xuống: đó là đàn bò, không phải địch. Mọi người thở phào.
Quân tình nguyện Việt Nam truy kích lính Pol Pot trên chiến trường K bảo vệ Biên giới Tây Nam. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/TTXVN)
Đến khoảng 6 giờ sáng, sương đã loãng, chúng tôi đi qua một bãi nghi dân ở, dấu vết vẫn nóng. Thấp thoáng phía trước mấy người quần áo đen vừa chạy vừa quay lại bắn vào quân ta. Trinh sát nổ súng bắn trả, lính Đại đội 7 cũng bắn theo nhưng không trúng.
Rừng khộp mùa khô xơ xác, tầm nhìn mấy trăm mét không vướng, tốc độ hành quân nhanh hơn. Khoảng 8 giờ, tiểu đoàn triển khai đội hình áp sát phum Sô nô.
Lúc này trung đoàn đã điều tiểu đoàn 3 có tăng cường thiết giáp đánh chiếm chốt địch mà chiều qua chúng chặn đường bọn tôi, diệt nhiều tên. Mở thông đường cho khối xe trung đoàn hành tiến.
Tiểu đoàn nhanh chóng chiếm Sô nô. Tiểu đoàn 3 chiếm xong mục tiêu cũng hành quân về đây. Mệt và đói lính lăn ra ngủ. Ăn cơm trưa xong, tiểu đoàn 2 được tăng cường 4 chiếc M113, tiếp tục hành quân về hướng Tây Nam.
Đang đi, một con hoẵng chạy ngang giữa đội hình Đại đội 7 đến sát đường, đứng nhìn ngơ ngác. Không dám bắn vì phía dưới là lính Đại đội 6. Con hoẵng vùng chạy xuyên qua đại đội 6 vào rừng.
Đi được gần chục cây số chúng tôi thấy phía trước bụi mù. Đại phó Lê Dũng vẫy lính tản ra. Có mấy chiếc xe bò đang tiến đến, theo sau lố nhố người. Khi cách chưa đến 200 mét, tốp đi đầu phát hiện ra ta, dừng lại nổ súng.
Anh Thao hô "địch, địch, bắn đi"! Cả đại đội đồng loạt bắn. Những quả B40, B41 nổ dưới đất, trên cây trùm đội hình địch, nhưng cũng có quả bay vọt lên trời đi hút tầm nổ.
Địch hoảng loạn bỏ chạy vào rừng theo hướng núi cao trước mặt. Quân ta đuổi theo vừa chạy vừa bắn. Mấy chiếc M113 tăng tốc vừa chạy vừa quét 12,7 ly bỏ đường càn vào rừng, đuổi địch vào tận núi rồi quay ra.
Tôi đi về chỗ tập trung nơi lính Đại đội 7 đang vây quanh hai lính nữ địch bên cạnh xe thiết giáp. Hai tên lính nữ Polpot này bị xe M113 đuổi kịp, bị Phúc trung đội phó và Quảng tiểu đội trưởng bắt sống.
Theo phiên dịch, một đứa là đại đội phó, còn đứa kia là y tá. Một anh lính chĩa súng dọa, ai ngờ đại đội phó địch mở toang cúc áo, phanh ngực thách bắn. Lính ta cười ầm lên quay lại trêu chọc nhau. Hai tên tù binh được giao cho tiểu đoàn.
Đơn vị tiếp tục hành quân theo đường lớn. Ở khu vực này có vẻ đã có những cơn mưa trái mùa trút xuống. Rừng nhìn tươi tỉnh hơn. Dưới mặt đất đã bắt đầu có màu xanh của những mầm le lau và cỏ.
Ở đoạn có dãy núi bên trái, dấu bánh xe ô tô địch chạy vào đó dày đặc. Đi thẳng thêm mấy km nữa, gặp một con suối nhỏ nước róc rách chảy vào một cái ao lớn đầy bèo. Bên kia là một phum nhỏ bỏ hoang. Mấy chiếc M113 phía sau chạy lên bắn 12,7 ly và cả ĐKZ vào những bụi cây bên kia suối. Trinh sát vượt sang, báo về không có địch.
Tiểu đoàn dừng lại. Hậu cần triển khai nấu cơm. Hai tên tù binh nữ không hiểu dọc đường dân vận tỉ tê thế nào, thấy cười toe toét xắn tay cùng nấu ăn với anh nuôi của tiểu đoàn bộ.
Hai đứa đã quên thân phận tù binh, vô tư trở lại với công việc thường ngày của người phụ nữ. Mới cách đó hơn tiếng đồng hồ, hai bên đang là kẻ thù nã súng vào nhau, giờ lại thân thiện như bạn bè.
Đặc biệt hơn, sáng hôm sau tôi lại thấy chúng khiêng hai can nước to tướng, vừa đi vừa cười đùa với lính tiểu đoàn bộ trong đội hình hành quân, như thể đã được biên chế vào quân ta vậy. Một sự thay đổi nhanh chóng, lạ lùng khó tin.
Sẩm tối, đoàn xe chở nước của trung đoàn bộ cũng vừa tới nơi. Chỉ huy phát lệnh cho lính lấy nước tắm. Thực tế một trăm thùng phi nước không cần dùng vì vùng này rất nhiều nước, không khô hạn như bà Sophi nói.
Tắm là thứ xa xỉ trên chiến trường K nên không cần bận tâm, bọn tôi trải nilon nằm nghỉ chờ cơm.