Thổ Nhĩ Kỳ đưa hỏa lực từng "ghi điểm" ở Idlib, Syria tới Libya
Sáng 20/7, tờ Asharq al-Awsat đưa tin Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã đưa Pháo phản lực phóng loạt (MLRS) T-122 Sakarya tới Libya để hỗ trợ đồng minh Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) trong hoạt động quân sự dự kiến sẽ diễn ra ở "lằn ranh đỏ" Sirte và al-Jufra.
Theo một số nguồn tin, trên cơ sở pháo phản lực BM-21 Grad của Liên Xô/Nga, Công ty ROCKETSAN Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển hệ thống pháo phản lực dành riêng cho TAF và được đặt trên là T-122 Sakarya vào những năm 1990.
T-122 Sakarya bao gồm hai cụm ống phóng (mỗi cụm 20 ống) rocket 122 mm kết nối với hệ thống nâng thủy lực và được đặt trên xe tải 6x6 (6 bánh - dẫn động cả 6 bánh) hoặc 8x8 (MAN 26.281 hoặc MAN 26.372).
So với BM-21 Grad, T-122 được nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực BORA-2100 được nhà sản xuất tuyên bố có thể theo dõi và ngắm bắn cùng lúc 20 mục tiêu.
Hình ảnh chưa được xác thực về một hệ thống MLRS T-122 Sakarya được cho là tại Libya và hiện đang được lan truyền trên mạng xã hội Twitter.
T-122 đã từng "ghi điểm" trong chiến sự ở tây bắc Syria vào đầu năm 2020 bằng cách góp phần làm chậm đà tiến quân của Quân đội Arab Syria (SAA) và hỗ trợ phiến quân tái chiếm một loạt khu dân cư tại mặt trận Saraqeb vào tháng 2/2020.
Theo Avia.Pro, vào ngày 13/2/2020, ít nhất 3 hệ thống Sakarya đã bị Không quân Vũ trụ Nga (VKS) phá hủy khi tìm cách tiếp cận và khai hỏa vào căn cứ không quân Khmeimim của Nga tại Syria - núp dưới danh nghĩa các cuộc tấn công của khủng bố.
Theo tờ Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ, MLRS T-122 Sakarya và đạn dược được vận chuyển bằng đường hàng không tới Libya bằng các chuyến bay của vận tải cơ C-130 và A-400 tới các căn cứ không quân al-Watiya và Misrata của Libya.
Milliyet tiết lộ thêm rằng các hệ thống T-122 với tầm bắn 40 km đã được triển khai gần thành phố cảng Sirte nhằm chuẩn bị cho một đợt tấn công mới dự kiến sẽ sớm diễn ra.
Pháo phản lực T-122 Sakarya của Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ phiến quân Syria phản công tại Aleppo ngày 12/2/2020.
3 kịch bản chiến sự tại "lằn ranh đỏ" ở Libya
Chiến sự Libya mùa hè năm 2020 đã "đảo chiều" theo hướng có lợi cho Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) tại Tripoli.
Cuộc can thiệp "mạnh tay" với công thức lính đánh thuê Syria hỏa lực Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến ưu thế quân sự mà Quân đội Quốc gia Libya (LNA) sở hữu trong nhiều năm sụp đổ chỉ trong vài tuần giao tranh.
Đứng trước nguy cơ "đối thủ" tiến vào miền đông Libya, Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah el-Sisi đã đưa ra một lời cảnh cáo "sắc lạnh" về khả năng Cairo sẽ tiến hành can thiệp nếu "lằn ranh đỏ" là thành phố cảng Sirte và căn cứ quân sự al-Jufra bị công chiếm.
Trong một bài phân tích được xuất bản gần đây, Viện nghiên cứu Chính sách Quốc tế (FPRI) có trụ sở tại Mỹ cho rằng "đe dọa can thiệp quân sự (vào Libya) của Cairo nhiều khả năng chỉ mang tính "biểu tượng".
FPRI cũng nhấn mạnh vào một điểm yếu của Ai Cập là "nếu Cairo quyết định tiến về phía Sirte và al-Jufra, đây sẽ là thách thức lớn về hậu cần cho hoạt động quân sự của Quân đội Ai Cập và lực lượng không quân có tầm bay ngắn của họ".
Nhiều khả năng việc lực lượng GNA và Thổ Nhĩ Kỳ tập hợp thành các cụm quân lớn nhằm chuẩn bị công kích Sirte và al-Jufra hoàn toàn không phải là một động thái "nghi binh".
Binh sĩ và xe cơ giới của GNA tại một trong những bàn đạp để tấn công thành phố cảng Sirte hôm 19/7.
Bình luận về các kịch bản quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến hành tại "lằn ranh đỏ" ở Libya, các nhà phân tích của middleeastwatch.net cho rằng có tới 3 kịch bản có thể xảy ra trong trận chiến sắp tới ở Libya:
Kịch bản 1: Dân quân thân GNA và lính đánh thuê Syria sẽ chia thành 3 hướng tấn công đồng thời cả thành phố Sirte, căn cứ quân sự al-Jufra và thành phố Sabha bất chấp không kích của đối phương.
Hỏa lực pháo binh và UAV của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chủ yếu tập trung vào al-Jufra để ngăn các tiêm kích MiG-29, cường kích Su-24 và có thể là cả trực thăng vũ trang Mi-35 cất cánh.
Mặc dù tồn tại khả năng bị thương vong nặng khi tiến hành cách thức tấn công "vỗ mặt" nói trên (như những gì đã diễn ra ở Sirte vào đầu tháng 6/2020) tuy nhiên thiệt hại nói trên được cho là sẽ nhanh chóng được Thổ Nhĩ Kỳ bù đắp bởi hàng nghìn lính đánh thuê Syria tiếp viện.
Tuy nhiên kịch bản này được đánh giá là "hạ sách" vì tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ngờ bị "máy bay lạ" hoặc Không quân Ai Cập tập kích do giao chiến giữa hai phía sẽ diễn ra trong nhiều ngày dọc theo "lằn ranh đỏ".
Kịch bản 2: Dưới hỏa lực của máy bay không người lái (UAV) và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ, các đoàn xe cơ giới gắn hỏa lực của GNA sẽ tấn công vào thành phố Sirte từ nhiều hướng.
Điều kiện cần là Ankara sẽ phải triển khai "ô phòng không" bằng tên lửa phòng không RIM-162 ESSM trên các khinh hạm Thổ Nhĩ Kỳ gần bờ biển Libya hoặc các hệ thống MIM-23 Hawk hoặc S-125 triển khai gần mặt trận để chế áp các máy bay đối phương từ al-Jufra hoặc Ai Cập.
Kịch bản này được đánh giá là "trung sách" do năng lực phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ có những hạn chế nhất định (đã bộc lộ trong vụ bị máy bay chưa xác định không kích tại căn cứ không quân al-Watiya đầu tháng 7/2020).
Kịch bản 3: Kịch bản cuối cùng này có lẽ là "thượng sách" đối với Thổ Nhĩ Kỳ. GNA sẽ tung một nhóm quân lớn tiến chiếm thành phố Sabha ở phía nam, mở rộng về hướng "lưỡi liềm dầu" ở miền trung Libya
Việc khu vực "lưỡi liềm dầu" bị uy hiếp đồng nghĩa với vai trò "cánh cửa" của Sirte và al-Jufra không còn nữa. LNA và các đồng minh sẽ phải rút bớt lực lượng từ Sirte và al-Jufra tới tái chiếm Sabha.
Điều này sẽ gián tiếp làm giảm khả năng phòng thủ của Sirte và al-Jufra để cho các nhóm quân GNA - Thổ gần đó công kích.
Một bản đồ miêu tả các hướng tấn công của GNA và phản công của LNA dọc theo "lằn ranh đỏ" Sirte - al-Jufra và Sabha.