Chiến sự Azerbaijan-Armenia: Rất đáng tiếc, tên lửa S-300 triển khai cẩu thả, hậu quả lớn?

Bảo Lam | 05-11-2020 - 18:56 PM

(Tổ Quốc) - Trong chiến sự Azerbaijan-Armenia, tên lửa S-300 Armenia được cho là triển khai một cách khá cẩu thả. Thực tế cho thấy UAV tự sát cỡ nhỏ đang là mối đe dọa hết sức nghiêm trọng.

Trong bài viết mang tựa đề: "Чего добилась система С-300 в Нагорном Карабахе - Hệ thống S-300 đã đạt được gì tại Nagorny Karabakh?" chuyên gia người Nga Alexey Ramm đã đưa ra bình luận khá xác đáng về hiệu suất chiến đấu của tổ hợp tên lửa phòng không S-300 trong chiến sự Azerbaijan-Armenia.

Trong chiến sự Azerbaijan-Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh, không chỉ những tổ hợp pháo phản lực bắn loạt "Smerch" được sử dụng thường xuyên, mà cả các tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật Tochka (OTR-21) hay R-17 Elbrus (Scud) cũng tham chiến.

Đáng tiếc, dường như đã có những nạn nhân của các cuộc pháo kích lại là thường dân. Cụ thể, vào rạng sáng ngày 11/10, thành phố Gyandja của Azerbaijan đã nằm trong làn đạn.

Ba-cu khẳng định, cuộc pháo kích được thực hiện bởi tổ hợp tên lửa chiến dịch - chiến thuật Tochka. 7 người được cho là đã thiệt mạng, ngoài ra còn có thêm 30 người nữa bị thương ở các cấp độ khác nhau.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã công bố trên kênh Youtube chính thức của mình video ghi hình quá trình đánh chặn và tiêu diệt một mục tiêu trên không nào đó.. Công việc diễn ra trong buồng điều khiển hệ thống phòng không giấu tên này.

Trong đoạn video có thể thấy rõ các màn hình, bao gồm cả hình ảnh quá trình đánh chặn. Theo khẳng định, đây là "thời điểm chiếc UAV của Armenia bị các đơn vị phòng không Azerbaijan tiêu diệt…".

Thực ra, mục tiêu trong đoạn băng ghi hình không giống với chiếc UAV. Nó di chuyển với vận tốc lớn và để lại dấu vết khả điển hình.

Có thể phỏng đoán rằng binh lính Azerbaijan đã trình chiếu quá trình đánh chặn tên lửa được phóng ra của tổ hợp "Tochka" hoặc "Elbrus".

Ba-cu đã thông báo vài lần về việc sử dụng những tổ hợp này để pháo kích Mingechaur (Azerbaijan). Từ hôm 04/10, Trợ lý Tổng thống Azerbaijan Khikmet Gadjiev đã viết trên Twitter rằng Các lực lượng vũ trang Armenia đã thực hiện những cuộc pháo kích bằng tên lửa:

"Vài phút trước, Các lực lượng vũ trang Armenia đã thực hiện những cuộc pháo kích bằng tên lửa nhằm vào thành phố công nghiệp Mingechaur. Tại đây có hồ chứa nước và nhà máy điện lớn".

Nhưng hệ thống nào đã đánh chặn mục tiêu? Ban đầu, xuất hiện giả thiết cho rằng đó là S-300PMU-2. Thực ra, việc phân tích vị trí đặt hệ thống, cũng như các đèn tín hiệu và màn hình hiển thị đã mang tới câu trả lời duy nhất. Đáng tiếc, đó không phải là tên lửa S-300, mà là S-125 được nâng cấp lên chuẩn Pechora-2TM.

Về phần mình, Erevan đã vài lần tuyên bố rằng từng sử dụng những tổ hợp tên lửa S-300 của mình để chống lại các UAV của Azerbaijan. Từ hôm 01/10, phía Armenia đã thông báo rằng họ đã sử dụng S-300 để đánh chặn một số mục tiêu trên không.

Thực ra, Bộ Quốc phòng Armenia không cung cấp bất cứ bằng chứng hình ảnh nào cho thấy các hệ thống tên lửa phòng không S-300 đã thực sự hoạt động.

Tuy nhiên, hôm 10/10, một trong những trang tin tức của Azerbaijan đã công bố đoạn video với hình ảnh triển khai chiến đấu của một chiếc UAV tự sát (theo phỏng đoán đó là chiếc UAV HAROP do Israel chế tạo).

Những "nạn nhân" là hai trạm radar cảnh giới nhìn vòng ST-68 (khó xác định được biến thể qua đoạn video), cũng như xe bệ phóng 5P58S của hệ thống tên lửa phòng không S-300 Armenia.

Radar cảnh giới nhìn vòng ST-68U của tổ hợp tên lửa S-300 Armenia bị UAV Azerbaijan tiêu diệt

Đó là sự việc được xác nhận đầu tiên liên quan tới các cấu phần của hệ thống tên lửa S-300 bị tiêu diệt. Còn nếu tính tới việc không một bên nào của cuộc xung đột chứng minh đã sử dụng thành công tên lửa S-300, thì một số câu hỏi hoàn toàn không hề dễ chịu chút nào sẽ được đặt ra.

Các tổ hợp tên lửa S-300 đã thực sự đạt được điều gì trong cuộc xung đột ở Nagorno - Karabakh? Có đúng là những UAV tự sát nguy hiểm chết người đối với các hệ thống này hay không? Và việc đánh giá cao S-300 có phải chỉ là ảo tưởng hay không?

Lịch sử quá trình ứng dụng

Cuộc chiến tại Nagorno - Karabakh đã trở thành cuộc đụng độ vũ trang đầu tiên của các nước được trang bị những hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất. Azerbaijan đang sở hữu một trong những biến thể S-300 hiện đại bậc nhất - đó là PMU-2. Có thống kê cho rằng từ đầu những năm 2010, Ba-cu đã tiếp nhận 3 tổ hợp.

Armenia không sở hữu phiên bản tên lửa S-300 hiện đại như thế. Theo dữ liệu của Military Balance-2020, đó là những tổ hợp của họ thuộc phiên bản S-300PS và PT. Mặc dù những hệ thống này được xuất xưởng vào thập niên 80, nhưng chưa thể gọi chúng là lỗi thời.

S-300PS vẫn tiếp tục có mặt trong biên chế Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga. Cụ thể, chúng được trang bị cho Lữ đoàn tên lửa phòng không số 25, cũng như Trung đoàn số 414.

Trước cuộc xung đột, Azerbaijan bố trí tên lửa S-300 của mình cách không xa thủ đô Ba-cu. Nhiệm vụ của những tổ hợp này là bảo vệ thủ đô, các cơ sở công nghiệp dầu mỏ, cũng như những căn cứ quân sự.

Nằm dưới mái vòm phòng không của hệ thống này là đơn vị được trang bị "hỏa lực sát thủ" của các lực lượng vũ trang Azerbaijan - những tổ hợp tên lửa đất đối đất tầm xa Polonez và LORA.

Không rõ số lượng chính xác những đơn vị tên lửa S-300 trong thành phần các lực lượng phòng không Armenia. Nhưng trong nhiều tài liệu đã chỉ ra rằng có tới 5 tổ hợp. Ngoài thủ đô Ba-cu, tên lửa S-300 đã được triển khai ngay sát biên giới với Nagorno - Karabakh. Ở đó có một căn cứ tuy không lớn, nhưng đủ thuận tiện để triển khai toàn bộ hệ thống.

Những tuyên bố đầu tiên về việc tên lửa S-300 bị tiêu diệt xuất hiện ngay đầu cuộc xung đột. Hôm 27/9, những thông tin này được trang tin quân sự Armiya.az công bố. Ngay trong ngày 28/9, đã có đoạn video ghi lại một chiếc xe nào đó bị UAV tấn công. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào đó mà đoạn video đã bị cắt cúp rất nhiều.

Chiến sự Azerbaijan-Armenia: Rất đáng tiếc, tên lửa S-300 triển khai cẩu thả, hậu quả lớn? - Ảnh 4.

Một xe thành phần của tổ hợp tên lửa S-300 Armenia được cho là đã bị UAV tự sát của Azerbaijan tiêu diệt.

Bởi vậy, bản thân việc bắn trúng mục tiêu không được ghi nhận. Có thể đưa ra duy nhất một kết luận: "Nạn nhân" của chiếc UAV là một sản phẩm nào đó được lắp đặt trên khung gầm khá giống với chiếc xe vận tải quân sự MAZ-543.

Có thể đoạn video đã được ghi tại những vị trí cách không xa thành phố Stepanakert (thủ đô của Nagorno - Karabakh). Theo trang WikiMApia, ở đó có đơn vị được trang bị các tổ hợp tên lửa S-125 Pechora.

Đoạn video của Azerbaijan kèm theo dòng chữ: "Thời khắc trước khi "Harop" tiêu diệt trung tâm đầu não của hệ thống S-300 phía Armenia". Nhiều khả năng, đó là chiếc xe radar chiếu xạ 5N63 (hay còn gọi là 30N6).

Mỗi chiếc xe như thế đều là trái tim của đơn vị tên lửa phòng không S-300. Nhìn bề ngoài, radar chiếu xạ 5N63 (hay còn gọi là 30N6) rất dễ nhận biết so với các xe khác trong thành phần của hệ thống tên lửa phòng không.

Nó được đặt trên khung gầm xe vận tải việt dã MAZ-543M tích hợp máy phát điện, các màn hình hiển thị thông số của radar, cũng như các vị trí của điều khiển. 5N63 là một chiếc xe có kích thước khá ấn tượng.

Đáng tiếc, đoạn video của Azerbaijan không giúp xác định được chính xác chiếc UAV Harop đã bắn trúng thứ gì. Trong đoạn video này chỉ có thể phân biệt được buồng lái giống của MAZ-543.

Ngoài tên lửa S-300, còn có tới vài chục mẫu vũ khí và khí tài quân sự được bố trí trên khung gầm xe này. Đó hoàn toàn có thể là hệ thống pháo phản lực bắn loạt "Smerch".

Hơn nữa, giới quân sự Azerbaijan từng vài lần tuyên bố về việc họ đã bắn trúng những tổ hợp pháo phản lực bắn loạt đặt trên khung gầm xe vận tải quân sự tương tự loại có trong trang bị của các lực lượng vũ trang Armenia.

Chiến sự Azerbaijan-Armenia: Rất đáng tiếc, tên lửa S-300 triển khai cẩu thả, hậu quả lớn? - Ảnh 5.

Tên lửa S-300 của Armenia.

Miếng đánh không sai sót

Còn trong trường hợp liên quan tới đoạn video được đăng tải hôm 10/10, không có bất cứ nghi ngờ nào - "nạn nhân" của UAV tự sát đúng là bệ phóng 5P58S. Có thể nhận dạng nó qua vị trí điển hình bố trí ống phóng kiêm ống bảo quả tên lửa.

Điều đáng nói là đoạn video này cũng bị cắt cúp. Nhưng lần này, giới quân sự Azerbaijan đã giữ lại những hình ảnh khi chiếc UAV hạ độ cao để tiếp cận mục tiêu. Bởi vậy, những tình tiết của sự việc có thể được phân biệt khá rõ.

Bệ phóng đã bị bắn trúng tại căn cứ cách không xa khu dân cư ở phía nam Armenia, sát biên giới với Nagorno - Karabakh. Căn cứ này có thể dễ dàng được nhận ra qua những căn nhà điển hình, cũng như qua các vị trí của những xe chiến đấu trong hệ thống S-300.

Theo những bức ảnh chụp căn cứ này từ vệ tinh vào thời bình, tức là trước khi xung đột nổ ra, ở đó có 3-4 bệ phóng vào thời bình. Còn chiếc xe chiếu xạ 5N63 chưa một lần lọt vào ống kính.

Điều đáng nói là vào thời điểm bị bắn trúng, xe bệ phóng tự hành 5P58S của tên lửa S-300 không ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Vì lý do nào đó mà các hộp chứa những quả đạn tên lửa lại nằm trên xe vận chuyển, có nghĩa là ở trong tư thế nằm ngang.

Mặc dù theo ảnh chụp vệ tinh của căn cứ này, những bệ phóng ở đó luôn trong trạng thái chiến đấu.

Ngoài 5P58S, trạm radar nhìn vòng ST-68 tại căn cứ này cũng bị tấn công. Theo những tài liệu chính thức, đó là hệ thống radar trinh sát nhìn vòng 3 toạ độ (3D) để phát hiện và theo dõi các mục tiêu tầm thấp trong điều kiện nhiễu chủ động và thụ động khi có các phản xạ mạnh từ mặt đất và trong những điều kiện thời tiết phức tạp.

ST-68 không phải là trạm radar thế hệ mới. Nó được nghiên cứu chế tạo hồi cuối thập niên 70, và bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào thập niên 80 và vẫn tiếp tục được xuất xưởng cho tới tận đầu thập niên 90. Nhưng không loại trừ biến thể nâng cấp của trạm radar này là ST-68U hoặc ST-68UM bị bắn trúng.

Hiện nay, những trạm radar nhìn vòng thế hệ mới bắt đầu được biên chế để thay thế cho ST-68U/UM trong lực lượng Không quân-vũ trụ Nga. Mặc dù chúng vẫn mang ký hiệu ST-68, nhưng đó hoàn toàn là những sản phẩm mới.

Về hình thức, ST-68 không thuộc thành phần của hệ thống tên lửa phòng không S-300. Nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra trong trường hợp cần thiết. Có thể chính trạm radar ST-68 đã truy lùng những UAV của Azerbaijan, nhưng bản thân nó lại biến thành mục tiêu.

Chiến sự Azerbaijan-Armenia: Rất đáng tiếc, tên lửa S-300 triển khai cẩu thả, hậu quả lớn? - Ảnh 6.

Hình ảnh được cho là trạm radar ST-68 của Armenia bị tiêu diệt.

Những lần phóng và những lần thất bại

Thêm một câu hỏi quan trọng: Những hệ thống S-300 được các bên sử dụng rộng rãi tới mức nào trong những trận chiến? Armenia đã đưa ra tuyên bố về việc sẽ sử dụng tên lửa S-300 để giáng trả những cuộc tấn công của các UAV bên phía Azerbaijan, "luôn và ngay" từ thời điểm các trận giao tranh vừa bắt đầu.

Bộ Quốc phòng Armenia đã tuyên bố rằng tối ngày 01/10, hệ thống phòng không đã kích hoạt ở ngoại ô thủ đô Erevan. Các tên lửa từ những tổ hợp S-300 đã được phóng lên không trung và bắn trúng vài mục tiêu.

Tối thiểu có một UAV bị bắn rơi. Đồng thời, những người dân ở thủ đô của Armenia đã nhìn thấy những đốm sáng loé lên trên bầu trời.

Bộ Quốc phòng Armenia không đăng tải đoạn video xác nhận tuyên bố của mình. Nhưng sau đó trên các mạng xã hội, những người dân Armenia đã đăng tải đoạn video. Trong đó có thể thấy rõ một vật thể phát ra ánh sáng chói đang di chuyển trên bầu trời ban đêm.

Căn cứ vào quỹ đạo và độ sáng phát ra, nhiều khả năng đó chính là quả đạn của tổ hợp tên lửa S-300. Thực ra, hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy quả tên lửa phòng không đó có bắn trúng mục tiêu hay không.

Khác với Erevan, Ba-cu không tuyên bố rằng đã tung các S-300 của mình vào tham chiến. Nhưng cuối tuần trước, trên các trang mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những bức ảnh của một sản phẩm nào đó bị Không quân Nga bắn rơi ở Dagestan.

Khi xem cụ thể những tài liệu này mới thấy rằng các mảnh vỡ nhiều khả năng là của quả đạn thuộc hệ thống S-300.

Người ta khẳng định rằng quả tên lửa S-300 của Azerbaijan vì lý do nào đó đã đi vào không phận của Nga. Nó đã bị lực lượng Không quân-vũ trụ Nga bắn rơi chỉ cách biên giới Nga-Azerbaijan vài chục km.

Như vậy, đó là một sự thật đáng buồn. Các hệ thống tên lửa phòng không S-300 trong những trận giao chiến tại Nagorny Karabakh lần đầu tiên đã gặp phải những tổn thất. Nhưng không nên bỏ quên một điều quan trọng - chiến tranh đang diễn ra, mà trong chiến tranh thì phải có tổn thất.

Hơn nữa, đối thủ của Armenia đã làm tốt "bài tập về nhà" và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến. Có thể phỏng đoán rằng trước khi nổ ra các trận giao chiến, giới quân sự Azerbaijan đã kiểm tra chi tiết các hệ thống S-300 của mình và phát hiện ra những điểm yếu của chúng.

Kinh nghiệm có được đã sử dụng cho những cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống tên lửa phòng không của Armenia.

Giới quân sự Armenia được cho là đã tiếp cận việc triển khai tên lửa S-300 một cách khá cẩu thả. Kinh nghiệm của giới quân sự Nga cho thấy rằng các UAV tấn công kích cỡ không lớn là một vấn đề nghiêm trọng đối với các lực lượng phòng không.

Phương tiện để đánh trả tốt nhất mối đe doạ này đó là những tổ hợp phòng không tầm ngắn, như Tor và Pantsir-S1.

Chiến sự Azerbaijan-Armenia: Rất đáng tiếc, tên lửa S-300 triển khai cẩu thả, hậu quả lớn? - Ảnh 8.

Bộ đôi tên lửa phòng không tầm ngắn Tor và Pantsir-S1 của Nga bảo vệ căn cứ không quân Khmeimim ở Syria.

Bởi vậy, hiện nay trong thành phần tất cả các trung đoàn tên lửa phòng không của lực lượng Không quân-vũ trụ Nga có cả các đơn vị pháo-tên lửa phòng không riêng. Còn trong trường hợp liên quan tới căn cứ không quân Khmeimim, các tổ hợp Tor còn hỗ trợ cả Pantsir-S1 để chống lại UAV.

Sắp tới, các lữ đoàn phòng không của Lục quân Nga được trang bị những hệ thống S-300V sẽ có các tổ hợp pháo-tên lửa phòng không "cận vệ" riêng lắp đặt trên khung gầm xe bánh xích. Các tên lửa mới chuyên chống UAV tự sát khó bị phát hiện cũng đang được đẩy nhanh tốc độ chế tạo.

Trong khi đó, giới quân sự Armenia thậm chí còn không thấy cần thiết phải nguỵ trang các tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần S-300 của mình trong bối cảnh chiến tranh.

Không nên quên rằng Armenia có những tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2KM hiện đại - biến thể lắp đặt trên khung gầm xe tải 4 cầu chủ động Kamaz (8x8) thay vì xe bánh xích. Chúng được mua từ hồi năm ngoái, dựa vào đúng kinh nghiệm từ các trận chiến ở Nagorno - Karabakh.

Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pashinyan đã viết trên trang Twitter của mình về hợp đồng cung cấp tên lửa Tor-M2KM: "Các lực lượng vũ trang Armenia đã bổ sung thêm những tổ hợp phòng không và phòng thủ chống tên lửa Tor-M2KM siêu hiện đại". Sau đó, còn xuất hiện cả video và ảnh chụp quá trình bốc dỡ những tổ hợp vũ khí này.

Cũng không thể quên lưu ý về sự yếu kém của các hệ thống radar định vị đang biên chế trong lực lượng phòng không Armenia. ST-68, dù là biến thể U/UM, vẫn là những sản phẩm lỗi thời. Điều đáng nói rằng Erevan đã có kinh nghiệm không tốt trong cuộc chiến chống lại những UAV của Azerbaijan 4 năm trước.

Nhưng không hề có những kết luận đúng đắn nào được đưa ra, và các khí tài trinh sát bắt thấp chuyên nhiệm không hề có trong lực lượng phòng không của quốc gia này.

Chiến thắng hay chiến bại?

Mức độ thiệt hại không xác định được bên nào đã chiến thắng trong giao chiến. Bởi vậy, cần phải hiểu tên lửa S-300 đã thực hiện những nhiệm vụ được giao trong thời gian xảy ra giao tranh tại Nagorno - Karabakh một cách hiệu quả tới mức nào.

Bắt đầu từ việc trong suốt thời gian đụng độ, không một phe nào dám sử dụng lực lượng không quân. Azerbaijan thỉnh thoảng chỉ dám sử dụng các trực thăng, cũng như những máy bay An-2 được hoán cải thành máy bay không người lái.

Phải thừa nhận rằng việc thiếu vắng lực lượng không quân đã tác động khá tiêu cực lên diễn biến chiến sự. Azerbaijan nhẽ ra đã có thể sử dụng các máy bay cường kích Su-25 để tấn công vào những vị trí của quân đội Armenia, cũng như tích cực sử dụng chúng để săn diệt các đoàn xe tiếp viện.

Các máy bay Su cũng đã có thể trở thành phương tiện hiệu quả chống lại những cuộc phản công của các lực lượng vũ trang Armenia.

Trong khí đó, Erevan dường như đã tung con át chủ bài của mình tham chiến - đó là các máy bay tiêm kích Su-30SM. Chúng có thể được sử dụng để tấn công nhằm vào các sở chỉ huy, trạm điều khiển UAV của Azerbaijan và thậm chí để chống lại các tổ hợp tên lửa tầm xa Spike-ER và NLOS.

Cũng cần phải thừa nhận một điều quan trọng. Đúng, giới quân sự Azerbaijan đã bắn hạ được các radar và thậm chí cả một bệ phóng của hệ thống tên lửa phòng không S-300. Nhưng nhìn chung, họ vẫn không thể tiêu diệt hoàn toàn được các hệ thống S-300 và biến bầu trời trở nên an toàn đối với các máy bay của mình.

Bởi vậy, bất chấp những tổn thất, hệ thống S-300 đã làm tốt những nhiệm vụ đặt ra, và rất hiệu quả. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng nhờ chúng, cả Azerbaijan lẫn Armenia đã không cho lực lượng không quân của đối phương tiến vào vùng trời của Karabakh.

Và đó chính là chiến lợi phẩm không thể nghi ngờ của hệ thống phòng không Nga.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM