Chiến cơ tàng hình X-44 MANTA: Viên 'kim cương' của Mỹ với màn tái xuất kỳ lạ ở Trung Quốc

Vy Lam | 18-07-2022 - 19:34 PM

(Tổ Quốc) - X-44 MANTA được đánh giá là một thiết kế tuyệt vời với những tính năng tích cực nhưng quân đội Mỹ đã bỏ lỡ nó. Trong khi ấy, Trung Quốc dường như rất biết tận dụng cơ hội này.

Nhìn lướt qua thì ý tưởng của Lockheed Martin đối với X-44 MANTA sẽ là một chiếc máy bay trông giống tiêm kích tàng hình F-22 Raptor nhưng phần đuôi bị cắt bỏ. Nó có phần cánh tam giác kéo dài nhưng không có bất cứ bề mặt đuôi nào. Thiết kế này đôi lúc được ví von là thiết kế hình "kim cương".

Nguồn gốc của X-44 MANTA

Vào những năm 1980, Không quân Mỹ đã khởi động chương trình Máy bay chiến đấu chiến thuật tiên tiến (ATF) nhằm cho ra đời một mẫu chiến đấu cơ tiền tuyến mới cho Không quân. 

Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh giữa Lockheed Martin YF-22 và Northrop Grumman YF-23. Về sau, YF-22 đã chiến thắng và được giới thiệu với tên gọi F-22 Raptor vào tháng 12/2005, trở thành tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên trên thế giới.

Chiến cơ tàng hình X-44 MANTA: Viên kim cương của Mỹ với màn tái xuất kỳ lạ ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Nguyên mẫu YF-22 của Lockheed Martin. Ảnh: Wiki

Tuy nhiên, ngay cả khi YF-22 đã trong quá trình phát triển, một biến thể với những sửa đổi đáng kể vẫn được đề xuất.

Như đã nói ở trên, về cơ bản đó là một chiếc F-22 Raptor không có đuôi. Nó được xem là mẫu phẩm trình diễn công nghệ để kiểm tra xem có thể triển khai một mẫu máy bay chiến đấu không có thiết kế đuôi truyền thống hay không. Ngoài ra, cấu tạo của nó cũng nhằm chứng minh tính khả thi của việc máy bay chiến đấu có thể được điều khiển chỉ với mình vector lực đẩy.

X-44 cũng mang lại một số lợi thế khác, như giúp giảm tín hiệu radar do không có đuôi và bộ ổn định dọc. Nó có dung tích nhiên liệu lớn hơn F-22 do thiết kế cánh lớn hơn và giảm được độ phức tạp về mặt cơ khí, đồng thời mang được tải trọng vũ khí lớn hơn.

Do X-44 không có đuôi nên phi công sẽ phải dựa vào lực đẩy vector để điều chỉnh một số tính năng hoạt động của máy bay. Thiết kế này có thể mang tới một chiếc máy bay cực kỳ cơ động nhưng cũng có thể là một chiếc phi cơ khó điều khiển. Chỉ có những phi công Không quân giàu kinh nghiệm nhất mới có cơ hội ngồi vào vị trí lái.

Rất tiếc, chương trình MANTA chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, ngay cả khi NASA và Không quân Mỹ đều nhận thấy những hứa hẹn nhất định đối với thiết kế mới này. Đến năm 2000, chương trình đã kết thúc hoàn toàn và chỉ có một nguyên mẫu duy nhất được chế tạo.

Chiến cơ tàng hình X-44 MANTA: Viên kim cương của Mỹ với màn tái xuất kỳ lạ ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Hình ảnh đồ họa về X-44 MANTA của Mỹ. Ảnh: 19fortyfive

Cảm hứng cho máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Mỹ

X-44 MANTA được đánh giá là một thiết kế tuyệt vời với những tính năng tích cực. Mặc dù nó chưa bao giờ vượt qua được quá xa giai đoạn khái niệm thiết kế nhưng tuổi đời ngắn ngủi của chương trình này đã có tác động nhất định tới các thiết kế tàng hình. Giới chuyên gia dự đoán ý tưởng của X-44 có thể được chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 6 (NGAD) của Mỹ tiếp nhận.

NGAD được dự đoán sẽ có thiết kế không đuổi để giảm tín hiệu phản xạ radar. Không quân Mỹ dường như đã chế tạo một mẫu thử nghiệm của NGAD và đưa nó đi bay thử nghiệm. Hải quân Mỹ cũng có chương trình NGAD của riêng mình để thay thế các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet, nó đang tạm được gọi là F/A-XX. Nguồn vốn cho dự án này đã được phân bổ trong đề xuất ngân sách mới nhất của Lầu Năm Góc.

Hiện vẫn còn cần thời gian để xem liệu phiên bản NGAD của Không quân và Hải quân Mỹ có tiếp thu thiết kế của X-44 hay không. Tuy nhiên, cho dù có ứng dụng thì NGAD vẫn sẽ là sự phát triển vượt bậc và cải tiến của X-44 bởi trên thực tế mẫu thiết kế này đã ra đời từ hơn 2 thập kỷ trước.

Phiên bản X-44 MANTA của Trung Quốc?

Mặc dù không có gì xảy ra với mẫu X-44 MANTA ‘hàng thật’ nhưng mùa thu năm ngoái, đã có các báo cáo về một mẫu máy bay trông tương tự như vậy tại cơ sở thử nghiệm của Tập đoàn máy bay Thành Đô (Trung Quốc).

Theo trang tin The Drive, khung máy bay bí ẩn trên đã xuất hiện lần đầu tiên trong khoảng thời gian từ đầu năm cho tới giữa năm 2021.

Xuất hiện mẫu máy bay được cho là giống X-44 MANTA ở cơ sở thử nghiệm của Tập đoàn máy bay Thành Đô (Trung Quốc). Nguồn: The Drive

Không có thêm nhiều chi tiết được hé lộ từ sau những báo cáo đó nhưng theo trang tin 19fortyfive, Trung Quốc vốn được biết đến là một "chuyên gia sao chép". Họ đã copy và khai thác triệt để thiết kế của các tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 để ứng dụng chương trình phát triển máy bay nội địa J-20 và FC-31.

Giới phân tích phương Tây suy đoán, có thể Trung Quốc đã lấy được một số thông tin từ chương trình X-44 MANTA để xác định xem Không quân Mỹ và NASA có bỏ lỡ thứ gì hay không. Nếu tận dụng được thiết kế của X-44, Trung Quốc cũng có thể cho ra đời một mẫu máy bay độc đáo với những tính năng hứa hẹn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM