Năm 1839 được xem là cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành nhiếp ảnh nói riêng và nhân loại nói chung khi lần đầu tiên con người được biết đến khái niệm "máy chụp ảnh". Đó là lúc "Daguerreotype" - quy trình ghi lại hình ảnh thực tiễn đơn sắc được ra đời và đặt tên theo người phát minh là Louis-Jacques-Mandé Daguerre, một nghệ sĩ, nhà vật lý học người Pháp (1787-1851).
Daguerreotype là phương tiện ghi lại hình ảnh trên một miếng gỗ phẳng có thoa chất i ốt bạc sau đó đưa ra ánh sáng từ 15 tới 20 phút để đợi thành phẩm rõ nét. Sau đó ít năm, có nhiều cải tiến được đưa ra giúp việc chụp hình được thuận tiện và nhanh chóng hơn. Ngay lập tức, Daguerreotype trở nên phổ biến ở khắp mọi nơi và rõ ràng đó là một trong những phát kiến có giá trị nhất trong lịch sử xã hội loài người.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi phát minh này được ra đời, công chúng trở nên dễ dàng nhàm chán với những bức ảnh đen trắng đơn thuần. Bởi vì với hầu hết chúng ta, màu sắc thực sự của cuộc sống vô cùng đa dạng, và chắc chắn nhiều hơn con số 2. Dòng chảy của khoa học chưa bao giờ ngừng lại, cuộc đua nghiên cứu tìm ra phương thức chụp ảnh có màu lại được các nhà khoa học ngay lập tức bắt tay vào thực hiện.
Lúc đó, vấn đề khó khăn nhất mà những người nghiên cứu gặp phải nằm ở tính phi thực tế, thời gian phơi sáng lâu, thuốc nhuộm dễ bị lan ra không cần thiết và chi phí. Nhưng sau 20 năm liên tục thử nghiệm nhiều quy trình xử lý màu khác nhau, cuối cùng họ cũng tìm ra được đáp án cho bước tiến quan trọng hàng đầu của ngành nhiếp ảnh thế giới.
Năm 1861, một nhà vật lý người Scotland tên là James Clerk Maxwell đã khám phá ra rằng bằng cách trộn ánh sáng đỏ, lục và lam chúng ta có thể tạo ra được bất kì màu gì. Phát kiến này chính là khái niệm hiện tại chúng ta gọi là quy tắc ba màu. Áp dụng nguyên lý trên để "tô màu" cho các bức ảnh, Maxwell đã nhờ nhiếp ảnh gia Thomas Sutton chụp ba shot hình với một dải ruy băng màu tartan. Ông đã sử dụng các bộ lọc cho những màu sắc này và chụp ảnh dưới ánh sáng mặt trời.
Ruy băng Tartan, bức ảnh được chụp bởi James Clerk Maxwell vào năm 1861.
Mặc dù không phải là nhiếp ảnh gia, tuy nhiên James Clerk Maxwell chính là người đã mở cánh cửa đầu tiên cho kỉ nguyên ảnh màu sau này. Kết quả thí nghiệm của ông - 3 bức ảnh chụp dải ruy băng được xem là bức ảnh màu đầu tiên trên thế giới và hiện tại vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Truyền thống quốc gia ở Bradford.
Dù vậy, phát kiến của James vẫn mới chỉ là cốt lõi của vấn đề chứ chưa thực sự hoàn chỉnh để việc chụp ảnh màu được ứng dụng vào thực tiễn. Rất nhiều lần các thí nghiệm khác nhau đã thành công cho ra một bức ảnh có màu tuy nhiên màu sắc sẽ gần như phai ngay lập tức khi tiếp xúc với ánh sáng.
Một bức ảnh của Mohammed Alim Khan (1880-1944), Quốc vương vương quốc Bukhara, được chụp vào năm 1911. Ba bức ảnh đen trắng được chụp qua các bộ lọc màu đỏ, xanh lá cây và xanh dương. Ba hình ảnh thu được được chiếu qua các bộ lọc tương tự. Kết hợp trên màn hình chiếu, họ đã tạo ra một hình ảnh đầy màu sắc.
Liên tục những cải tiến mới được cho ra mắt tuy nhiên, nổi bật nhất chính là thủ thuật có tên Autochrome được cấp bằng sáng chế vào năm 1903. Phương pháp của 2 nhà khoa học cũng là anh em ruột Auguste và Louis người Pháp có tính ưu việt ở chỗ, dù trong điều kiện ánh sáng kém nhất thì thời gian phơi sáng cũng chỉ ở ngưỡng 30 giây, ngắn hơn rất nhiều so với con số hàng giờ đồng hồ ở những kĩ thuật trước đó.
Và chờ đợi hơn 30 năm sau nữa, vào năm 1936, công chúng cuối cùng mới có được những bức ảnh màu hoàn chỉnh nhất nhờ nhãn hàng Kodachrome tung ra thị trường sản phẩm phim màu, tương tự phim các nhiếp ảnh gia vẫn còn sử dụng gần đây, trước khi chụp ảnh kĩ thuật số xuất hiện và thay đổi cục diện ngành nghệ thuật này.
Chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng những bức ảnh màu đầu tiên cực có giá trị được chụp trên thế giới nhé! Chắc chắn bạn sẽ vẫn cảm nhận được vẻ đẹp vô cùng cuốn hút của nghệ thuật dù thời đó công nghệ chưa được phát triển như bây giờ. Tất cả những bức hình này được chụp vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
(Theo All That Interesting)