Ông Abdu Sharkawy, một bác sĩ và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Toronto, Canada, hôm thứ 6 vừa qua đã bất ngờ gây chấn động mạng xã hội với bài chia sẻ về "nỗi sợ" thời dịch bệnh COVID-19, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 330.000 lượt thích và 837.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội Facebook.
Theo vị bác sĩ này, điều khiến ông cảm thấy sợ hãi không phải là dịch COVID-19, mà là những phản ứng thái quá của người dân có thể còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh.
Sau đây là nội dung lược dịch của bài đăng nói trên:
"Tôi là một bác sĩ và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm. Tôi đã công tác trong nghề hơn 20 năm, và mỗi ngày đều thăm khám bệnh nhân. Tôi đã từng làm việc trong những bệnh viện của thành phố, và ở cả những khu ổ chuột nghèo đói nhất châu Phi. Các bệnh nhân HIV-AIDS, viêm gan, lao, SARS, sởi, zona, ho gà, bạch hầu... tôi đều đã tiếp xúc qua. Và ngoại trừ dịch SARS, thì hầu như không có căn bệnh nào khiến tôi cảm thấy hoảng sợ hay choáng váng.
Tôi không sợ COVID-19. Tôi lo ngại về những ảnh hưởng của loại virus mới đang lây lan trên khắp thế giới. Tôi cũng rất lo ngại về phúc lợi của những người cao tuổi, những người có sức khỏe yếu hoặc những người bị tước quyền công dân - họ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, nặng nề nhất bởi tai họa mới này. Nhưng, tôi không sợ COVID-19.
Điều khiến tôi thấy sợ là tâm lý hoảng sợ đến mức mất đi lí trí, khiến cho nhiều người trong xã hội bị cuốn vào vòng xoáy hoảng loạn, tích trữ đủ các các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm để lấp đầy "hầm trú ẩn" trong một viễn cảnh hậu tận thế giả tưởng.
Điều khiến tôi sợ là những chiếc khẩu trang N95 bị đánh cắp từ trong bệnh viện và phòng cấp cứu - nơi các nhân viên y tế ở "tiền tuyến" thực sự cần đến chúng. Thay vào đó, người ta lại đeo loại khẩu trang này ở sân bay, trung tâm thương mại và các quán cà phê, khiến cho những người xung quanh càng thêm sợ hãi và nghi ngờ.
Điều khiến tôi sợ, là các bệnh viện của chúng ta trở nên quá tải vì những người có suy nghĩ rằng "có lẽ mình chẳng làm sao, nhưng cứ đi kiểm tra cho chắc chắn..."; và những người bị suy tim, khí thũng, viêm phổi và đột quỵ sẽ là những người trả giá khi các phòng chờ cấp cứu quá tải, trong khi lực lượng nhân viên y tế chỉ có hạn.
[...]
Điều khiến tôi sợ, là những nỗi lo về dịch bệnh sẽ khiến thương mại hạn chế, gây tổn hại cho những mối quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh doanh, và cuối cùng sẽ dẫn tới đỉnh điểm là suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhưng điều khiến tôi thấy sợ nhất là điều các vị phụ huynh, ông bà nói với con, cháu mình khi chúng ta đối mặt với một mối đe dọa. Thay vì lý trí, lẽ phải, sự cởi mở và lòng vị tha, chúng ta lại nói với những đứa trẻ rằng đây là lúc hoảng loạn, sợ hãi, nghi ngờ và ích kỷ.
Dịch COVID-19 chưa hề có dấu hiệu kết thúc. Nó có thể xuất hiện ở một thành phố, bệnh viện, một người bạn hoặc người thân của bạn vào một lúc nào đó, Hãy sẵn sàng đối mặt với điều đó, và đừng hoảng hốt nếu điều đó xảy ra. Thực tế là virus có thể không nguy hiểm bằng hành vi và thái độ "bản thân là trên hết" của chính chúng ta. Thái độ đó có thể gây ra thảm họa.
Vì thế, tôi khẩn nài các bạn hãy xoa dịu nỗi sợ bằng lý trí, xoa dịu sự hoảng loạn bằng kiên nhẫn và xoa dịu sự bất an bằng kiến thức. Chúng ta có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về sức khỏe, vệ sinh cá nhân và cách hạn chế sự lây lan của vô số bệnh truyền nhiễm trong xã hội. Chúng ta hãy cùng nhau vượt qua thử thách này với lòng trắc ẩn, sự kiên nhẫn với những người xung quanh, và trên hết là nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm sự thật và kiến thức, thay vì những phỏng đoán và suy luận mò.
Đừng hoảng loạn, hãy tin vào sự thật. Hãy rửa tay sạch sẽ và giữ trái tim mình rộng mở.
Con cháu chúng ta sẽ biết ơn chúng ta vì điều đó."
Câu chuyện không chỉ của riêng một quốc gia
Thông điệp của bác sĩ Sharkawy đã nhắc tới tình trạng tích trữ đồ tại nhiều quốc gia như Mỹ và Anh, do người dân lo lắng về dịch COVID-19. Nhiều mặt hàng như giấy vệ sinh và nước rửa tay được ghi nhận cháy hàng ở nhiều nơi.
Thậm chí, cảnh sát Australia hôm 7/3 vừa qua còn phải nhắc nhở người dân rằng tình hình hiện nay "không phải phim Mad Max" (ám chỉ viễn cảnh tận thế trong phim viễn tưởng), sau khi những đoạn video cho thấy người dân nước này ẩu đả chỉ vì giấy vệ sinh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Hôm thứ 6 (6/3) vừa qua, Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Andrew Cuomo đã xác nhận có tình trạng khẩu trang y tế chuyên dụng của bệnh viện bị đánh cắp, và đã yêu cầu cảnh sát vào cuộc điều tra.
Cảnh tranh giành, ẩu đả chỉ vì... giấy vệ sinh tại một siêu thị ở Australia