Bridget McGuire là nhà văn kiêm diễn viên hài độc thoại sống tại Chicago. Ở tuổi 35, người phụ nữ này đã đạt được không ít thành công trong sự nghiệp. Ngoài hài kịch, cô còn thích tham gia các hoạt động ngoài trời, đi chơi với người nhà và nuôi một chú chó đáng yêu. Tuy nhiên, ít người biết tới Bridget đã phải đối mặt với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) trong suốt 15 năm qua.
Tình trạng rối loạn về tâm lý này gây ra những suy nghĩ lặp đi lặp lại, ám ảnh, thúc giục thực hiện một hành động nào đó quá mức hoặc phi lý để giảm bớt căng thẳng. Dù biết điều đó không có ý nghĩa, người mắc rối loạn tâm lý này vẫn sẽ thực hiện và không thể ngăn cản bản thân làm những điều vô ích. Các triệu chứng thường xuất hiện trong thời thơ ấu, tuổi thiếu niên và thanh niên. Trên thực tế, theo Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm lý Hoa Kỳ (NAMI), nam giới thường mắc OCD ở độ tuổi trẻ hơn phụ nữ và 1,2% người trưởng thành Mỹ phải đối mặt với tình trạng này mỗi năm.
Bridget chia sẻ: “Trong nhiều năm, tôi đã liên tục kiểm tra khóa cửa, rút phích cắm các thiết bị điện trong nhà vì lo lắng mình sẽ bỏ sót một điều gì đó và gây ra hậu quả khủng khiếp như hỏa hoạn hoặc trộm cắp. Dù biết đây là một vấn đề về tâm lý, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ, không muốn thừa nhận mình mắc bệnh này và ngừng tới gặp bác sĩ trị liệu”. Dưới đây là chia sẻ của người phụ nữ này về hành trình chiến đấu với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế trong thời gian dài:
Tác động tới cuộc sống
Các triệu chứng OCD đã ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi từ cấp một. Hồi nhỏ, tôi là một đứa trẻ hướng ngoại. Dù vậy, tôi đã không tham gia cách hoạt động của trường vì sợ mẹ quên đến đón. Những suy nghĩ gây lo lắng liên tục ám ảnh tôi. Vào năm lớp 5, khi chân của một người đàn ông vô tình cọ vào người, tôi đã nghĩ mình có thai. Trong một thời gian làm người trông trẻ, tôi thường nghĩ bọn trẻ sẽ chết khi đang ngủ và phải kiểm tra vài phút một lần để đảm bảo mọi thứ vẫn bình thường.
OCD ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi tôi lớn lên. Tôi chụp ảnh tất cả các thiết bị điện trong nhà bằng điện thoại trước khi rời đi để chắc chắn không xảy ra hỏa hoạn. Tôi lái xe vòng lại các dãy nhà nhiều lần nhằm đảm bảo mình không đâm vào xe của bất kỳ ai. Mọi thứ còn trở nên nghiêm trọng hơn khi vào tháng 2/2020, tôi thậm chí đã phung phí 300 đô-la để mua thuốc chống HIV.
Những người xung quanh không hề hay biết tôi đang phải vật lộn với điều này. Tôi sở hữu một căn hộ riêng và có một công việc tuyệt vời. Những buổi lên sân khấu của tôi vẫn nhận được nhiều người yêu thích. Tôi diễn hài kịch và kể những câu chuyện cười về nỗi lo âu của mình.
Quyết định hành động
Sau khi uống thuốc chống HIV một cách không cần thiết, tôi biết đã đến lúc phải thay đổi. Tôi lên lịch hẹn bác sĩ trị liệu về OCD và tự hứa với bản thân sẽ kể tất cả sự thật. Trên thực tế, dù đã đi khám trong nhiều năm, tôi thường nói dối về tình trạng của mình.
Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp và có thể bắt nguồn từ nhiều lý do. Kelley Kitley, nhà tâm lý trị liệu kiêm chuyên gia về sức khỏe phụ nữ tại Hoa Kỳ cho biết, khi mắc OCD, nhiều người khó thể nói ra suy nghĩ của mình vì cảm thấy xấu hổ và bị cô lập. Tuy nhiên, một khi bạn chịu bộc lộ tất cả, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Theo chuyên gia Kelley, nói dối là một “cơ chế bảo vệ” có thể cản trở quá trình trị liệu. Một số người chưa sẵn sàng thay đổi và không muốn chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Sau khi chia sẻ tất cả với với bác sĩ trị liệu mới, tôi cảm thấy thật tự do. Cuối cùng, cả hai quyết định gặp nhau hai lần một tuần, một buổi điều trị OCD chuyên sâu và một buổi để thực hiện liệu pháp trò chuyện.
Thay đổi nhanh chóng
Mọi thứ bắt đầu suôn sẻ cho đến khi dịch bệnh bùng phát. Bác sĩ trị liệu và tôi không còn gặp mặt trực tiếp nữa và phải chuyển sang gọi điện hàng tuần trong tháng 4/2020. Vào thời điểm đó, OCD ít gây ảnh hưởng tới cuộc sống vì tôi không ra khỏi nhà, lái xe, hẹn hò hay đi chơi với bạn bè. Tôi cảm thấy mình có thể kiểm soát được tình trạng này.
Vào tháng 6, những suy nghĩ lo âu bắt đầu trở lại và khiến tôi mệt mỏi. Tôi đã gửi email cho bác sĩ phụ khoa rất nhiều lần chỉ để hỏi về các triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tôi nói điều này với bác sĩ và cô ấy đề nghị thực hiện điều trị ngoại trú chuyên sâu, kéo dài ba giờ mỗi tối, bốn ngày mỗi tuần thông qua Zoom.
Vượt qua nỗi sợ
Cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi kết thúc điều trị. Các triệu chứng OCD vẫn xuất hiện nhưng tôi đã biết cách kiểm soát chúng. Dịch bệnh thực sự đã giúp tôi có đủ tự tin để đối mặt với vấn đề sức khỏe này.
Nếu bạn cũng đang gặp phải tình trạng tương tự, đừng ngại ngần tìm kiếm sự trợ giúp và sẵn sàng chia sẻ với chuyên gia y tế. Tôi đã lãng phí nhiều năm tháng chỉ để chịu đựng OCD một cách âm thầm. Dù không thể lấy lại thời gian đó, tôi vẫn tự hào về những gì đã làm và vui mừng khi tình trạng này không thể kiểm soát được tương lai của mình.
(Nguồn: Pre)