"Kỳ cách ly tập trung là những ngày thực hiện trách nhiệm với cộng đồng".
Ngay sau khi thông tin, N.H.N (26 tuổi) - bệnh nhân thứ 17 được xác định dương tính với COVID - 19, Cơ quan chức năng TP Hà Nội đã lập rào chắn phong toả từ ngã tư Trúc Bạch - Ngũ Xã đến điểm giao với phố Châu Long, từ số nhà 79 đến 139, trên đoạn đường dài hơn năm trăm mét. 66 hộ dân, 189 nhân khẩu nằm trong diện cách ly tập trung 14 ngày.
Trong số những người dân ở phố Trúc Bạch chấp hành việc đi cách ly tập trung ấy có anh Phạm Quang Long (quản lý một quán rượu vang tại Hà Nội). Bởi vì sống ở số 119 Trúc Bạch, ngay sau nhà "bệnh nhân 17" nên ngay trong đêm 6/3 anh Long đã nhận được thông báo đưa đi cách ly tập trung tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 (huyện Đông Anh).
Anh Phạm Quang Long (quản lý một quán rượu vang tại Hà Nội)
Theo chia sẻ của anh Long, khi nhận được thông báo đề nghị đi cách ly tập trung ban đầu anh hơi lo lắng, thậm chí anh đã nghĩ đến việc "né" cách ly. Tuy nhiên, sau một hồi suy nghĩ lại thì anh Long lại cho rằng, "kỳ cách ly tập trung là những ngày thực hiện trách nhiệm với cộng đồng".
"Lúc đầu, khi nghe tin báo là có công an quây ở nhà, phản xạ tự nhiên là trốn chạy, né sợ tập trung. Một vài người bạn điện thoại cũng kêu hỏi thăm rồi nói "ông té đi". Em cũng gọi cho thằng em trai mới về nhà là xem "biến" được thì "biến" luôn đi, tuy nhiên sau khi bình tĩnh lại suy nghĩ và cũng ngay sau đó chừng 30 phút, là tầm 9h30 tối, thì đã có người của quận điện thoại hỏi em ở đâu, nói tình hình và mời về đi cách ly. Em nói là giải quyết xong việc sẽ về, và yên tâm là sẽ làm đúng theo những gì được yêu cầu, vì đây là trách nhiệm cá nhân với cộng đồng", anh Long chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Tuy nhiên, trước khi khăn gói đến khu tập trung, anh Long cũng đã tranh thủ vài tiếng để sắp xếp công việc còn dang dở của mình. "Xác định câu kéo được thêm vài tiếng, sắp xếp công việc cho nhân viên yên tâm và cũng giải thích với các bạn là vì nhà gần chỗ đó nên phải cách ly, chứ cơ hội em dính với con đó (COVID-19) là dưới 0.1% vì ngày nào cũng 3h sáng mới về và buổi trưa là đi, không tiếp xúc nói chuyện với ai ở đó".
Anh Long chuẩn bị sẵn đồ đạc cho 14 ngày cách ly tập trung
Sau những phút hoảng loạn qua đi, anh Long đã lấy lại bình tĩnh để chuẩn bị đồ dùng, nhu yếu phẩm là lên dây cót tinh thần cho 14 ngày cách ly. "Trong đầu nghĩ, 14 ngày nằm đó thì cái sợ nhất là buồn nên xách theo cái đàn guitar. Về nhét đồ vào vali, tắm rửa sạch sẽ rồi 2h gọi cho bên phường tôi đã sẵn sàng. 10 phút sau là có xe 115 đến đón cùng với 1 đồng chí gần đó, lên đường qua Đông Anh. Trên đường đi, cứ lo ngại là không biết có bị hạn chế thông tin, tịch thu điện thoại không...".
Anh Long cũng cho biết, sáng sớm ngày hôm sau (7/3), sau khi đến khu cách ly tập trung anh đã được các bác sĩ đo nhiệt độ, lấy dịch họng để xét nghiệm COVID-19. "Khi tới nơi là 3h sáng, lấy thông tin cá nhân, tôi được lên tầng 8 và nằm 1 mình 1 phòng. Ổ điện 1 đống, wifi free, căng đét. Phòng sạch sẽ, toilet trắng phau. Ổn rồi. Cũng điện thoại nhắn tin cho gia đình là ok. Rồi ngủ. 5h30 sáng, 1 y tá hay bác sỹ tôi không biết vì ai cũng khẩu trang n95 kín mặt, đeo kính và mặc áo y tế xanh lét vào lấy xét nghiệm thọc que vào họng và mũi".
Được biết, sau khi có kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính với COVID-19, anh Long đã được chuyển xuống phòng 4 người bao gồm em trai anh và 2 người hàng xóm gần nhà. "Phòng chừng 40m2, điều hòa có nhưng yêu cầu không dùng mà mở quạt và mở cửa sổ cho thoáng. Có cả 1 khu nhỏ để hút thuốc với phơi đồ trong phòng. Nói chung là điều kiện y như đi nghỉ dưỡng", anh Long miêu tả về khu cách ly.
Những bữa ăn trong bệnh viện khiến anh Long khá bất ngờ về độ ngon
Bên cạnh đó, ấn tượng của anh Long với khu cách ly tập trung còn là những bữa ăn đầy ắp, đủ món mà phía y bác sĩ, bệnh viện đã chuẩn bị. "Đồ ăn sáng là 1 tô bún mọc, bún và mọc được để cẩn thận trong túi nilon, nước thì đã nguội là đương nhiên. Đổ bún ra lùa bát bún nguội, không đến nỗi tệ. Cơm trưa được đưa đến lúc 11h15. Nói thật là bất ngờ vì độ ngon của cơm. Tôi cam đoan ngon hơn tất cả cơm bụi vỉa hè, cơm nóng được bọc trong giấy bạc để giữ nhiệt. 1 món xào, 2 món mặn với canh.".
Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Long cho biết, "Tâm lý chung của mọi người khi bị gọi tên đi cách ly thì ai cũng hoang mang lo lắng hết. Tôi không chỉ lo lắng việc gò bó mà còn lo trong đó không có mạng, không online được thế nhưng mọi chuyện đã được giải quyết. Dù đi cách ly nhưng tôi vẫn xử lí, điều hành công việc online được".
"Đừng nhìn chúng tôi như những vật thể bị cách ly"
Theo anh Long, trước đó anh cũng chia sẻ câu chuyện cách ly của mình trong một hội nhóm nhỏ và hoàn toàn không muốn công khai. Tuy nhiên sau đó bạn bè đều muốn chia sẻ lại câu chuyện của mình đến cộng đồng nên anh đã đồng ý. "Mình quyết định chia sẻ câu chuyện cách ly của bản thân để mọi người đỡ lo lắng và hiểu hơn về việc "cách ly tập trung".
Sau khi nhận kết quả âm tính ban đầu, anh Long được phát thêm một chiếc nhiệt kế để tự đo thân nhiệt nếu có bất thường. Trải qua hai ngày đi cách ly tập trung, ngoài những lúc tự đo thân nhiệt và lấy mẫu xét nghiệm, ban ngày anh ngủ đến tận trưa và đêm thức đến gần 4h hôm sau để trả lời tin nhắn hỏi han từ bạn bè. Việc điều hành nhà hàng chủ yếu qua điện thoại. Nhiều khách hàng nhắn tin hỏi "Có làm sao không?". anh Long nói mình vẫn ổn, quyết định công khai việc đi cách ly dù biết có thể khiến khách hàng sợ.
"Mà thật ra ngay từ đầu mình cũng rất ngần ngại chia sẻ thông tin mình ở đây do sợ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh. Mình nhận ra tất cả nằm ở 2 từ: "cách ly". Hai từ cách ly thật sự nặng nề với những người trong này. Nó như kiểu là một thứ gì đó xấu xa, phải cách ly với xã hội. Như là những người bệnh, phải dấu mình đi sợ xã hội đấu tố, khinh khi hay xa lánh.
Bản thân tôi trước khi công khai bài viết cũng rất sợ những thông tin mình bị cách ly ảnh hưởng tới công việc kinh doanh mà ngành nhà hàng dịch vụ của mình thì quá nhạy cảm. Liên tục các bạn bè hỏi thăm, khách hàng lo lắng inbox hỏi tình hình và lo ngại mặc dù không dám nói thẳng. Đó là điều đáng sợ nhất và là nguyên nhân lớn nhất cản trở thông tin giữa những người nơi đây và bên ngoài".
Đồng thời, anh Long cũng bày tỏ mong muốn mọi người nhìn nhận việc các ly theo hướng tích cực hơn. "Rất mong sự ủng hộ của những người ở ngoài nhìn nhận tích cực với những người như chúng tôi, để mọi người cởi mở thông tin hơn vì có ai bị cấm cản gì đâu. Đừng nhìn chúng tôi như những vật thể bị cách ly. Hãy lan tỏa những thái độ tích cực tới những người còn hoang mang, niềm tin và thái độ tích cực là vũ khí quan trọng nhất để chúng ta vượt qua dịch bệnh vào lúc này", anh Long chia sẻ.