Với sự phổ biến ngày càng gia tăng của ChatGPT, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại nhiều ngành nghề có thể bị ảnh hưởng, thậm chí biến mất vì sự 'đa tài' của chatbot AI từ công ty OpenAI, trong đó có nghề lập trình viên.
Theo đó, ChatGPT là một chatbot dùng trí thông minh nhân tạo có thể làm những việc như viết code, tạo trang web hay thậm chí là lập trình game cơ bản với bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào mà người dùng yêu cầu.
Mặc dù vẫn có lỗi và chưa thực sự hoàn hảo, nhưng với tốc độ tự học hỏi và ngày càng hoàn thiện, cùng với nguồn lực khổng lồ từ sự chống lưng của Microsoft, nhiều lập trình viên lo ngại sẽ có ngày họ mất việc vì ChatGPT.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về mối 'nguy cơ' này. Một số người cho rằng, kĩ năng của ChatGPT có thể đang bị thổi phồng.
Để kiểm chứng điều này, CFTE – một trung tâm đào tạo về tài chính kỹ thuật số và Fintech đã quyết định thử nghiệm điều đó bằng cách cho ChatGPT tham gia các bài tập kiểm tra kĩ năng lập trình. Mục tiêu chính của thử nghiệm này là đánh giá mức độ lập trình của ChatGPT đối với con người.
Ở đây, bài kiểm tra được thực hiện bằng tính năng Đánh giá Kỹ năng của LinkedIn. Đây chỉ là một trong số nhiều công cụ có thể được sử dụng để đánh giá trình độ kĩ năng lập trình của một người.Vì đây là một bài kiểm tra dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn trả lời, tư duy phản biện là không cần thiết trong bài kiểm tra dạng này.
Cụ thể, ChatGPT sẽ được thử thách trong bài đánh giá kĩ năng lập trình Python của Linkedln. Bài đánh giá bao gồm 15 câu hỏi MCQ về khái niệm và cú pháp ngôn ngữ Python, mỗi câu hỏi có giới hạn thời gian là 90 giây. Việc đánh giá được thực hiện trong thời gian thực, với ChatGPT đóng vai trò đưa ra đáp án sau khi cả câu hỏi và các tùy chọn trả lời đều được nhập toàn bộ vào hộp trò chuyện của ChatGPT.
Khá ngạc nhiên, không chỉ hoàn thành và vượt qua tất cả các câu hỏi trong bài đánh giá trong thời hạn cho phép, ChatGPT còn đạt được số điểm cao hơn 85%, trong số tổng cộng 3,9 triệu lập trình viên (là con người) từng tham gia bài đánh giá của Linkedln.
Điều này có nghĩa, ChatGPT đã chứng tỏ khả năng hiểu và viết code ở cấp độ cơ bản, đồng thời vượt qua các bài đánh giá cơ bản được sử dụng để đánh giá kỹ năng lập trình của ứng viên.
Trong bối cảnh các kĩ năng cứng của ứng viên thường được coi là tiêu chí hàng đầu để được lựa chọn khi ứng tuyển một công việc nào đó, màn thể hiện của ChatGPT đã thay đổi quan niệm này. Giờ đây, việc chỉ xem xét các kĩ năng cứng sẽ không còn nhiều ý nghĩa, nếu một chatbot AI như ChatGPT có thể làm tốt hơn 85% của 3,9 triệu người.
Trước đó, ChatGPT được cho là đủ giỏi để vào làm việc tại Google ở vị trí kĩ sư phần mềm bậc 3, sau khi chatbot AI này vượt qua mọi câu hỏi phỏng vấn cho mảng lập trình viên. Đây là thông tin vừa được tiết lộ từ tài liệu nội bộ của Google, khi công ty này thực hiện việc so sánh ChatGPT và LaMDA - một dự án AI đang được Google phát triển.
Được biết, quy trình phỏng vấn kỹ sư phần mềm của Google chủ yếu dựa vào các câu hỏi về mặt kỹ thuật mà ChatGPT đã vượt qua. Mặc dù cuộc phỏng vấn bao gồm một vài câu hỏi về hành vi ("Hãy cho tôi biết về thời gian..."), Facebook, Amazon và những công ty công nghệ khác cũng thường sử dụng những bộ câu hỏi kiểu này để tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là cho vị trí lãnh đạo.
Mặc dù bậc 3 được coi là vị trí cấp thấp tại nhóm kĩ sư phần mềm của Google, vốn thường chỉ dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp và chưa có quá nhiều kinh nghiệm, tổng thu nhập trung bình cho vị trí này rơi vào khoảng 183.000 USD (khoảng 4,3 tỷ đồng). Để so sánh, thu nhập trung bình của các lập trình viên chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc mới vào nghề tại Mỹ chỉ rơi vào khoảng 85.293 USD, theo thống kê của Salary.com. Điều này có nghĩa, tiêu chuẩn đầu vào dù ở vị trí cấp thấp của Google cũng tương đối khó khăn so với các vị trí cùng cấp độ ở các công ty khác.
Tất nhiên, việc ChatGPT có thể dễ dàng vượt qua các câu hỏi về mặt kĩ thuật cho vị trí lập trình viên cũng đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề tuyển dụng nhân sự là con người. Trong bối cảnh ChatGPT dù còn đang khá sơ khai nhưng đã đủ giỏi để vượt qua kỳ tuyển dụng, điều gì sẽ xảy ra trong 5, hoặc 20 năm nữa, khi ChatGPT và các công cụ AI liên tục được hoàn thiện về mặt sức mạnh.
Vào năm 2017, Tim Cook đã nói "Nếu tôi là một học sinh 10 tuổi tại Pháp, tôi nghĩ việc học lập trình sẽ quan trọng hơn đối với tôi so với việc học tiếng Anh". Tuy nhiên, câu nói này ở thời điểm này nhiều khả năng không còn mang tính thời sự như thời điểm 6 năm trước.
Gần đây nhất, chính 'cha đẻ' của ChatGPT là OpenAI đã tuyển dụng hàng loạt cộng tác viên để huấn luyện khả năng lập trình cho chatbot AI này – một động thái có thể khiến các công việc lập trình cấp thấp biến mất. Nói các khác, nếu trình độ không đủ giỏi, việc một ai đó trong ngành lập trình bị thay thế bởi AI là cái kết đã được báo trước.
Tổng hợp