Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình khi hàng loạt cụm rạp phải tạm đóng cửa, đẩy nhiều dự án vào trạng thái đóng băng vô thời hạn. Tuy nhiên, anh chàng Justin Ehrenhofer vẫn có cách để tạo ra 1 tác phẩm ăn khách với chủ đề liên quan đến tiền mã hóa (cryptocurrency), với vốn đầu tư chẳng đáng là bao nếu so với các bom tấn hàng đầu thế giới khác.
Dự án của Justin có tên Monero Means Money. Đây thực chất là 1 bộ phim tài liệu có thời lượng 88 phút nhằm tổng hợp lại những đặc điểm và mức độ bảo mật của tiền mã hóa. Tính đến cuối tuần ngày 10/4 vừa qua, bộ phim này đã lọt vào top 2 doanh thu những bộ phim mới ra mắt tại Mỹ (theo thống kê của the-numbers).
Trailer đầu tiên của Monero Means Money, bộ phim tài liệu liên quan đến đồng tiền mã hóa Moreno.
Chia sẻ với VICE, Justin cho biết: “Sau khi xem báo cáo doanh thu phòng vé vào cuối tuần ngày 20/3, tôi thực sự tò mò không biết các cụm rạp tại Mỹ sẽ xoay sở thế nào trong tình trạng phải tạm đóng cửa như hiện nay. Tìm hiểu một chút, tôi phát hiện ra những bộ phim đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu trong giai đoạn này là nhờ họ hợp tác với các rạp phim và phát hành bản digital trên nhiều nền tảng khác nhau. Điều đó khiến tôi nảy ra ý tưởng tự sản xuất 1 bộ phim của riêng mình với tham vọng chiếm vị trí đầu bảng doanh thu tại Mỹ”.
“Ban đầu, tôi muốn tự thân vận động, nhưng rồi sớm nhận ra tôi sẽ chẳng thể thành công nếu cứ thực hiện 1 mình như vậy. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn xây dựng kịch bản liên quan đến Monero (1 loại tiền mã hóa) - niềm đam mê của tôi. Sau khi tham khảo ý kiến từ những người mà tôi tin tưởng, nhận được phản hồi tích cực về ý tưởng của mình, tôi mới bắt tay và thực hiện”.
Justin thành lập 1 đội ngũ bao gồm khoảng 15 thành viên, một số người thậm chí còn không để lộ tên thật mà chỉ hoạt động với nghệ danh của họ. Trong đó, “vai chính” được giao cho giáo sư Daniel Kim, người thuyết giảng phần lớn thời lượng bộ phim tài liệu này. Trước đó, giáo sư Kim cũng từng thuyết giảng về đồng Monero tại CDC vào cuối năm 2019 vừa qua.
Bộ phim này giống như 1 bài giảng của Giáo sư Daniel Kim về đồng Monero.
Sau khi quá trình sản xuất hoàn tất, Justin liên hệ với rất nhiều rạp phim để phát sóng tác phẩm của mình. Anh cho rằng điều này cũng sẽ đóng góp cho nền điện ảnh nói chung trong bối cảnh đang chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh. Các cụm rạp địa phương như Laemmle Theatres tại Los Angeles hay Tampa Theatre tại Tampa đã lần lượt công chiếu Monero Means Money trên Internet. Thậm chí Parkway Theatre tại Pennsylvania còn phát sóng bộ phim này trong 1 phòng chiếu không khán giả.
Khán giả có thể mua vé ảo thông qua thẻ tín dụng hoặc tiền mã hóa (bao gồm của đồng Moreno). Những cụm rạp hỗ trợ Justin đều nhận được hoa hồng với nhiều mức độ: Có thể là 100% doanh thu tiền vé, tiền thuê địa điểm chiếu hoặc 200 USD dành cho những rạp phát sóng trong phòng không có khán giả. Justin cho biết: “Trong lúc mơ mộng về việc tự thành lập một rạp chiếu phim ảo của riêng mình, chúng tôi nhận ra mình cần phải hỗ trợ cho những cụm rạp khác để cùng vượt qua cơn khủng hoảng mang tên Covid-19 này”.
Sau khi công chiếu, Justin gửi toàn bộ báo cáo, thống kê doanh thu cho các website uy tín, bao gồm những tên tuổi như the-numbers.com và Boxofficemojo. Tuy nhiên, Boxofficemojo đã từ chối tiếp nhận cũng như phản hồi về dự án của Justin. Còn theo số liệu của the-numbers cho biết Monero Means Money đã thu được 3.430 USD trong tuần công chiếu đầu tiên, biến nó thành bộ phim ăn khách nhất nước Mỹ trong tuần đó (theo Decrypt). Tuy nhiên, sau khi bảng xếp hạng này được cập nhật với sự xuất hiện của Phoenix, Oregon - những bộ phim độc lập có doanh thu đạt mức 11.849 USD, dự án của Justin đành phải tụt xuống vị trí thứ 2.
Dự án phim của Justin sẽ giúp nâng cao nhận thức của khán giả về đồng Monero cũng như các loại tiền mã hóa nói chung.
Thế nhưng, Justin vẫn rất hài lòng với kết quả này. Anh cho biết: “Chúng tôi cho rằng Monero Means Money đã đạt được mục đích quan trọng nhất: Nâng cao nhận thức cho khán giả về Monero, các quyền lợi riêng tư của người dùng, và đồng thời phản ánh tình trạng khó khăn mà các rạp chiếu phim đang phải đối mặt”. Justin cũng chia sẻ rằng tính đến nay, bộ phim này mới “ngốn” của anh khoảng 1.000 USD, trong đó vẫn còn khoản phí chưa thanh toán với rạp Tampa Theatre. Đội ngũ sản xuất cũng không thu được 1 đồng tiền lãi nào cả. Toàn bộ số tiền đó đều được tài trợ cho các cụm rạp kể trên.
Cuối cùng, Justin nhận định: “Đây giống như là 1 thử thách về quy trình sản xuất phim vậy. Chúng tôi cần phải nhìn ra được cơ hội trong thời kì khó khăn, tập hợp tình nguyện viên, tìm hiểu quy trình thống kê doanh thu phòng vé, làm việc với các cụm rạp và sản xuất 1 bộ phim trong vòng 1 - 3 tuần mà vẫn đủ hấp dẫn khán giả. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn trong 1 khoảng thời gian cực ngắn. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi vẫn còn khỏe mạnh và có 1 công việc ổn định trong giai đoạn này”.
Theo VICE