Một trong số 10 kỹ năng công việc quan trọng nhất – kỹ năng được dự đoán sẽ cực hot vào năm 2022 – chính là trí tuệ cảm xúc.
Trí tuệ cảm xúc (EQ) đã cho thấy đây là yếu tố không thể thiếu trong môi trường kinh doanh, và cho đến nay nó là phẩm chất được ưa thích nhất cho mục đích phát triển bản thân và sự nghiệp.
Các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những ứng viên với nhiều kỹ năng thuộc não phải (như EQ) bởi họ biết những người này sẽ đóng góp được rất nhiều cho nơi họ làm việc ở nhiều cấp độ khác nhau.
Để đánh giá xem bạn nằm ở đâu trong thang bậc trí tuệ cảm xúc, một số câu hỏi "tự thẩm định bản thân" đã được đưa ra để giúp chúng ta xác định vị trí của mình.
Bạn hãy trả lời thật trung thực những câu hỏi dưới đây nhé:
6 câu hỏi đánh giá EQ
1. Bạn có thường xuyên nhận thức rõ về cảm xúc của mình và lý do tại sao bạn lại cảm thấy như vậy không?
2. Bạn có ý thức được về ưu điểm của bản thân, và cả những hạn chế cũng như khuyết điểm của bạn không?
3. Bạn có đủ khả năng kiểm soát tốt cảm xúc của mình, và có thể hồi phục nhanh chóng khi bị kích động, bối rối hoặc căng thẳng hay không?
4. Bạn có khả năng hiểu và cảm nhận được người khác đang cảm thấy như thế nào từ bên trong hệ quy chiếu (thế giới quan) của họ hay không?
5. Bạn có chọn cách sống tích cực mỗi ngày với cái nhìn lạc quan và yêu đời không?
6. Bạn có cảm thấy thoải mái với chính con người mình, bất kể người khác có khuấy đảo bản ngã của bạn dữ dội thế nào hay không?
Sau khi suy nghĩ kỹ, nếu không thể trả lời ‘Có’ với hầu hết các câu hỏi trên, thì việc suy ngẫm và đánh giá nội tại chính là bước tiếp theo mà bạn cần làm. Điều này sẽ rất tốt cho bạn vì chúng ta đang sống trong thời kỳ mà EQ đã trở thành chỉ dấu của thành công trong sự nghiệp, vượt qua cả khả năng chuyên môn và kỹ thuật.
Lợi ích của trí tuệ cảm xúc
Trong vô vàn các nghiên cứu, các nhân viên mẫu mực đều thể hiện trí tuệ cảm xúc dù ít hay nhiều, và giúp cho nơi làm việc của họ trở nên tốt hơn theo nhiều cách, bao gồm:
• Cải thiện tinh thần đồng đội. Những người có trí tuệ cảm xúc thường giao tiếp với đồng nghiệp tốt hơn so với những người bình thường khác.
• Tăng cường sáng tạo, đổi mới. Những người có EQ cao thường chia sẻ ý kiến và cởi mở với những ý tưởng mới.
• Khả năng thích nghi. Họ dễ dàng điều chỉnh trước những sự thay đổi và các hoàn cảnh khó khăn. Nhân viên có EQ cao sẽ biết cách đối phó với những khách hàng khó tính, những đồng nghiệp bất mãn hay những quản lý không hài lòng với công việc của họ.
• Tự chủ cảm xúc. Họ luôn bình tĩnh và suy nghĩ tích cực trong những tình huống khó khăn và cho thấy rõ ranh giới khi có bất đồng, xung đột hoặc những hành động kiên quyết khi cần thiết (nếu họ là quản lý).
• Tinh thần lạc quan. Những nhân viên có EQ cao thường có tư duy cởi mở và rất lạc quan; họ được tiếp thêm động lực từ chính tham vọng nội tại nhằm cải thiện bản thân, gặt hái thành công, mở đường cho những sáng kiến và nhanh chóng nắm bắt cơ hội.
Một người có trí tuệ cảm xúc cũng có khả năng tự ý thức và xu hướng nhìn toàn cảnh, chú ý vào nhiều mặt của một vấn đề. Đúng như điều mà Daniel Goleman, chuyên gia về EQ, từng nói:
"Nếu bạn không có khả năng tự ý thức, không kiểm soát nổi cảm xúc, không thể cảm thông và có được những mối quan hệ hiệu quả, thì dù bạn có thông minh đến đâu, bạn cũng không thể tiến xa được".