Mùa thu đến cũng là mùa thu hoạch củ niễng. Đây là một loại thực phẩm có hàm lượng kali cao và ít natri. Nó chứa 209 mg kali, cũng như canxi, phốt pho, magie, kẽm, đồng và các khoáng chất khác. Nó cũng đã được nhiều nhà khoa học chứng minh rất giàu protein, lipid, carbohydrate, cholesterol xơ thực phẩm và một số muối khoáng (canxi, sắt, photpho, kali, natri, đồng, magne, kẽm, selen); các vitamin A, B1, B2, B6, C, D, E, K, carotene, folacin, pantothenic acid, niacin rất cần thiết cho cơ thể con người… Không chỉ được dùng như một loại thực phẩm chế biến thành các món ngon mà củ niễng còn được dùng để chữa bệnh trong Đông y với các bệnh về tim, xơ gan, động mạch hay tiểu đường, kiết lỵ, táo bón. Niễng còn có tác dụng thông sữa cho phụ nữ đang nuôi con bú, làm sáng da… Đưa củ niễng vào chế độ ăn uống vừa giúp bổ sung dinh dưỡng lại hỗ trợ duy trì cân bằng kiềm trong cơ thể. Chất xơ trong củ niễng cũng rất phong phú có tác dụng giữ ẩm và giải độc cho hệ tiêu hóa.
Tảo bẹ chứa các thành phần chống oxy hóa tự nhiên bao gồm carotenoid, flavonoid và alkaloid có thể giúp dọn sạch các gốc tự do gây tổn thương tế bào và mô. Các chất chống oxy hóa như vitamin C và các khoáng chất như mangan và kẽm giúp giảm các stress oxy hóa và có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Đậu nành Nhật (đậu nành lông) với hàm lượng chất xơ cao, giúp giảm cân đáng kể và tránh tích tụ mỡ. Các loại vitamin và khoáng chất trong loại hạt này bao gồm vitamin C, B1, B2, E, A, K, cũng như kẽm, canxi, folate, đồng, magiê và mangan... giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và tăng cường khả năng miễn dịch. Đậu nành Nhật cũng rất giàu isoflavone, nên giúp xương chắc khỏe, chống lại các triệu chứng đổ mồ hôi ban đêm, bốc hỏa, thay đổi tâm trạng và rối loạn giấc ngủ ở thời kì mãn kinh đồng thời chống lại một số bệnh ung thư như: ung thư vú...
Kết hợp 3 nguyên liệu chính này để nấu canh vừa giúp nước canh tươi ngon, ngọt thanh, sảng khoái lại rất tốt cho sức khỏe.
Nguyên liệu để nấu món canh tảo bẹ, củ niễng và đậu nành
400g củ niễng, 200g hạt đậu nành Nhật tươi, 80g tảo bẹ khô, gốc hành baro (hoặc 1-2 cây hành lá), một nắm tép biển khô, 150g thịt ba chỉ, lượng dầu ăn thích hợp, bột nêm vị nấm tươi, một chút muối.
Cách nấu món canh tảo bẹ, củ niễng và đậu nành
Bước 1: Củ niễng bạn mua về bóc bỏ bẹ già bên ngoài. Sau đó rửa sạch rồi tùy thuộc vào kích thước của củ niễng mà cắt thành các miếng vừa ăn.
Bước 2: Rửa sạch tảo bẹ rồi ngâm vào nước ấm cho mềm. Sau đó cắt thành từng đoạn ngắn. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng tảo bẹ tươi nếu mua được nguyên liệu này. Tép biển rửa thật kỹ dưới vòi nước chảy cho sạch cát và tạp chất rồi để ráo. Thịt ba chỉ rửa sạch rồi cắt thành các miếng mỏng. Nếu có thịt ba chỉ xông khói thì bạn cũng có thể dùng nguyên liệu này để nấu canh. Gốc hành baro bạn rửa sạch và thái nhỏ.
Bước 3: Đậu nành Nhật tươi bạn bóc bỏ vỏ, rửa sạch. Bạn cũng có thể mua đậu nành Nhật đã được bóc vỏ được bán tại các siêu thị.
Bước 4: Đầu tiên, bạn cho nước vào nồi, đun sôi. Sau đó bạn cho củ niễng đã cắt vào nấu trong khoảng 2 phút. Mục đích của bước này là để loại bỏ axit oxalic tự nhiên có trong củ niễng. Sau đó bạn vớt ra rồi để ráo nước.
Bước 5: Làm nóng chảo, cho một ít dầu ăn vào, xào thịt ba chỉ (hoặc thịt ba chỉ xông khói) cho đến khi vàng sém cạnh. Tiếp đó cho gốc hành baro xắt nhỏ và tép biển vào xào thơm. Sau đó bạn cho đậu nành vào xào cho đến khi thấy mùi thơm tươi mát của đậu đậu tỏa ra.
Bước 6: Tiếp đó bạn cho lượng nước vừa phải vào nồi, đun sôi ở lửa lớn. Lúc này hãy cho củ niễng và tảo bẹ thái nhỏ vào. Sau khi đun sôi một lúc thì bắt đầu nêm gia vị, bột nêm. Tiếp tục đun nhỏ lửa thêm khoảng 7 phút thì tắt bếp. Lấy canh ra tô, rắc thêm chút hành lá xắt nhỏ lên là có thể thưởng thức.
Thành phẩm món canh tảo bẹ, củ niễng và đậu nành
Như vậy là món canh tươi mát, ngọt ngon, sảng khoái đã hoàn thành. Món canh này có nước dùng ngọt thanh từ tảo bẹ và tép biển rất ngon miệng, đậu nành càng nhai càng thấy bùi thơm... Các nguyên liệu kết hợp với nhau rất đồng điệu và không hề tạo cảm giác ngán ngấy.