Chỉ đau đầu, buồn nôn thoáng qua không ngờ là dấu hiệu cảnh báo khối u

Ngọc Minh | 06-03-2020 - 14:52 PM

(Tổ Quốc) - Thỉnh thoảng có dấu hiệu đau đầu và buồn nôn, bệnh nhân không ngờ có khối u màng não.

Bỏ qua dấu hiệu báo hiệu bệnh

Trường hợp chị N.T.H (31 tuổi, tại Hà Nam) đi khám sức khỏe đã phát hiện ra căn bệnh u màng não. Trước đó chị H thi thoảng xuất hiện triệu chứng đau đầu. Do chị vốn có tiền sử thiếu máu, công việc làm việc nhiều áp lực nên nghĩ đau đầu là bình thường. Khi bị đau đầu như vậy nhưng chị H thường uống thuốc giảm đau là hết.

Tuy nhiên thời gian gần đây, triệu chứng đau đầu của chị H thường xuyên hơn và có kèm theo buồn nôn uống thuốc không đỡ. Chị H đã quyết định đi khám sức khoẻ, kết quả chẩn đoán chị bị u màng não.

Chỉ đau đầu, buồn nôn thoáng qua không ngờ là dấu hiệu cảnh báo khối u - Ảnh 1.

PGS Hệ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, u màng não là khối u phát triển từ lớp màng nhện của màng não, chiếm 15% trong số các loại u não.

Đây là bệnh lý ở mọi lứa tuổi giới tính, tuy nhiên tỉ lệ u xuất hiện ở người lớn nhiều hơn trẻ em, nữ nhiều hơn nam.

U màng não đa số tiến triển chậm, biểu hiện lâm sàng xuất hiện khi u phát triển kích thước đủ lớn chèn ép vào cấu trúc não hoặc dây thần kinh sọ: đau đầu, nôn hoặc buồn, nôn, giảm thị lực.

Dấu hiệu tổn thương thần kinh sọ: mất ngửi, nhìn mờ, mất thị lực 1 phần hoặc toàn bộ, nhìn đôi, lác, ù tai, giảm thính lực, điếc, tê bì mặt, yếu hoặc liệt tăng dần, co giật.

Người bệnh còn có thể có thêm các biểu hiện như: thay đổi tính cách, hành vi, giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ.

Chỉ định phẫu thuật

Theo PGS Hệ, chụp Cộng hưởng từ sọ não là chỉ định được khuyến cáo cho các trường hợp có biểu hiện lâm sàng gợi ý trên. Phương pháp này giúp chẩn đoán xác định u não. Đa số khối u màng não đều có chỉ định phẫu thuật với mục đích cắt bỏ khối u (toàn bộ, gần toàn bộ hoặc sinh thiết một phần u) và làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý.

Tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước khối u, bác sĩ lựa chọn các kỹ thuật mổ như: Phẫu thuật mở nắp sọ kinh điển, phẫu thuật ít xâm lấn mở nắp sọ lỗ khoá, phẫu thuật nội soi qua xoang bướm hoặc qua não thất.

Các phương pháp tia xạ sử dụng: xạ trị phân liều, xạ trị định vị, xạ trị bằng chùm proton, dao gamma (sử dụng chùm mảnh photon gamma) mục đích nhằm giảm nguy cơ tái phát u, u tồn dư sau mổ.

Theo dõi là một lựa chọn điều trị với một số trường hợp:

- Khối u màng não nhỏ không có biểu hiện lâm sàng, tình cờ phát hiện

- U nằm ở vị trí vùng chức năng quan trọng như: vùng vận động, quanh mạch máu lớn như động mạch cảnh trong, xoang tĩnh mạch lớn

- Khối u được theo dõi trong một thời gian tái khám nhiều lần tăng kích thước không đáng kể

- Khối u đã phẫu thuật nhưng còn 1 phần tồn dư hoặc tái phát ở các vị trí khó phẫu thuật.

- Tuổi cao và bệnh lý kèm theo là yếu tố cân nhắc có phẫu thuật được hay không. Chỉ định sau mổ với khối u có giải phẫu bệnh lý độ 2 trở lên hoặc khối u kích thước nhỏ dưới 3cm với các trường hợp không phẫu thuật được.

* Đọc bài cùng tác giả Ngọc Minh tại đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM