Chủ quan gây ra cái kết buồn
Năm 2016, Long Nhật Vũ (Thiệu Dương, Hồ Nam) trúng tuyển vào ĐH Khoa học Địa chất Trung Quốc. Với thành tích học tập xuất sắc, năm nào, chàng trai này cũng nhận được học bổng của trường. Năm 2020 sau khi hoàn thành chương trình học đại học, anh tiếp tục học lên thạc sĩ.
Vốn là người yêu thích thể thao, chàng trai trẻ này là thành viên chủ lực trong đội tuyển bóng chuyền của trường. Anh từng đóng góp cho đội tuyển của trường ở nhiều giải đấu.
Đối với Nhật Vũ, bóng chuyền là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Song chính bộ môn này đã khiến chàng trai phải qua đời khi mới bước sang tuổi 24.
Vào 15/3 vừa qua, anh đã hẹn bạn cùng lớp đến sân để chơi một trận bóng chuyền. Trong một lần nhảy lên để đánh bóng, anh đã không giữ được thăng bằng và vô tình ngã xuống khiến đầu gối bị bong gân.
Cảm thấy không quá đau, anh chỉ dừng tham gia trận đấu và trở về nhà như mọi ngày. Tuy nhiên, càng về đêm, cơn đau càng trở nên dữ dội. Anh buộc phải vào bệnh viện cấp cứu.
Sau khi thăm khám, bác sĩ khuyên anh không được xem nhẹ vết thương này, tốt nhất nên nằm viện để theo dõi. Tuy nhiên vì vướng công việc và bận lịch học, anh xin phép không nằm viện.
Trước yêu cầu này, bác sĩ khuyên anh không nên vận động nhiều. Anh cần đeo nẹp cố định đầu gối để ổn định và giúp vết thương nhanh lành. Tuy nhiên sau khi hỏi nghe mức giá của vật dụng này lên đến 1.000 NDT (khoảng 3 triệu đồng), Nhật Vũ đã từ chối mua. Anh nghĩ rằng chấn thương này đơn giản không phải cầu kỳ đến mức độ đó.
Chỉ là cú ngã bình thường song do không được cố định đúng cách, vết thương không những không thuyên giảm mà còn sưng tấy nhiều ngày sau đó. Đến lúc này, Nhật Vũ vẫn chủ quan và cho rằng đây là triệu chứng thông thường.
Vào ngày 30/3, anh bị hôn mê sâu và rơi vào trạng thái co giật. Bạn cùng phòng đã đưa anh cấp cứu ngay sau đó. Khi đến bệnh viện, anh được chẩn đoán bị ngừng hô hấp do thuyên tắc động mạch phổi.
Nói một cách đơn giản, vết thương bong gân đầu gối của Nhật Vũ không được điều trị kịp thời khiến các tĩnh mạch bị tắc nghẽn tạo thành cục máu đông. Các cục máu này đi vào động mạch trong phổi gây tắc nghẽn và đe dọa đến tính mạng.
Chi phí để điều trị ca bệnh này đòi hỏi một số tiền khá lớn. Không đủ để chi trả tiền viện phí, các bạn học của Nhật Vũ phải kêu gọi sự ủng hộ tại trường đại học. Tuy nhiên đến tối ngày 23/5, anh vẫn không qua khỏi.
Sự ra đi của Nhật Vũ đã để lại lời cảnh tỉnh cho nhiều người về thói quen chủ quan với những chấn thương tưởng chừng đơn giản. Song nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Các cục máu đông hình thành như thế nào?
Cơ thể con người có nhiều mạch máu. Nếu tất cả các mạch máu trong cơ thể con người được kết nối với nhau thì sẽ tạo thành chiều dài 95.000km, có thể bao quanh đường xích đạo của trái đất hơn hai lần.
Huyết khối, nói một cách đơn giả là một "cục máu đông" hình thành trong mạch máu. Trong những trường hợp bình thường, các cục máu đông trong cơ thể sẽ tự nhiên bị phá vỡ. Nhưng cùng với tuổi tác, con người ít vận động và những căng thẳng trong cuộc sống, khả năng phá vỡ cục máu đông của cơ thể bị chậm lại.
Huyết khối không được phá vỡ kịp thời sẽ bám chặt vào thành mạch máu. Trên thực tế, cục huyết khối không nhất thiết phải cố định một chỗ, nó có thể chạy theo dòng máu. Khi cục máu đông di chuyển, nó có thể gây ra một số trường hợp nguy hiểm khi tắc nghẽn mạch máu.
Theo số liệu điều tra dịch tễ học của Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch (VTE) đang tăng lên hàng năm và trở thành một căn bệnh đe dọa sức khỏe toàn cầu, là kẻ giết người lớn thứ ba về tim mạch.
Ở các nước phương Tây, số người tử vong vì huyết khối lên tới hơn 800.000 người mỗi năm, nhiều hơn cả bệnh AIDS, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và tai nạn đường cao tốc cộng lại.
Ngay từ thế kỷ 19, bác sĩ và nhà nghiên cứu bệnh học người Đức Rudolf Virchow đã đưa ra lý thuyết hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch bao gồm yếu tố tăng đông, sự lưu thông tĩnh mạch bị chậm lại, và tổn thương mạch máu. Lý thuyết này được biết dưới tên tam giác Virchow.
Sự hình thành của các cục máu đông
Trong cuộc sống hàng ngày, những tình huống dưới đây cũng có thể khiến chúng ta rơi vào "tam giác" nguy hiểm này:
- Ngồi yên và nằm trong thời gian dài, chẳng hạn như khi đi máy bay, tàu hỏa đường dài;
- Uống thuốc tránh thai cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau sinh;
- Nằm bất động trên giường do bệnh hoặc chấn thương trong thời gian dài;
- Các trường hợp tuổi cao, béo phì, tiền sử gia đình,... cũng dễ bị huyết khối.
Theo CNN, cứ mỗi giờ ngồi, nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch tăng 10%. Ngồi trong 90 phút làm giảm lưu thông máu ở khớp gối tới 50%. Huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới có thể dẫn đến thuyên tắc phổi, gây rối loạn chức năng tim phổi cấp, khó thở, đau ngực, ho ra máu, ngất, thậm chí đột tử.
4 bước để tiêu diệt huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
1. Bổ sung nước kịp thời: Ở trong môi trường máy lạnh lâu, việc đầu tiên và quan trọng nhất là bổ sung nước, tốt nhất nên bổ sung 200ml nước mỗi giờ để tránh tình trạng máu bị nhớt.
2. Tập thể dục chân thường xuyên: Thực hiện 3-5 phút tập thể dục chân mỗi giờ, bao gồm cả ngón chân, bắp chân và đầu gối để thúc đẩy máu lưu thông trở lại.
3. Không ngồi lâu, thường xuyên vận động: Không nên chỉ ngồi yên một chỗ rồi, nên thường xuyên đứng dậy vận động để tránh gây áp lực lên mạch máu và thúc đẩy tĩnh mạch chi dưới hoạt động trở lại.
4. Khám sức khỏe thường xuyên: Ngoài việc tự đề phòng các yếu tố dễ gây huyết khối, chúng ta cũng nên chú ý đến tình trạng chức năng cơ thể thông qua các xét nghiệm máu và khám chẩn đoán hình ảnh đơn giản. Từ đó có thể giúp phát hiện hoặc loại trừ huyết khối tĩnh mạch sâu bên dưới.