Một nhà du hành, leo lên ngọn núi cao, hai mắt nhìn chằm chằm ngọn núi phía xa, trong lòng nghĩ rằng chắc chắn phải đến đó trước khi mặt trời lặn. Để thực hiện được mục tiêu đó, anh ta đi hết sức nhanh, không ngờ dưới chân lại vấp phải cục đá, ngã sưng đầu. Kết quả, anh ta không thể đến đích đúng giờ.
Nội tâm vì quá nóng lòng, luôn trách cứ rằng núi cao quá, đường dốc quá, nhiều đá quá, thời gian trôi nhanh quá, nhưng lại không thấy được nội tâm đang rất không bình tĩnh. Đây không phải là điều mà tất cả chúng ta thường gặp phải sao?
Thời đại này, con người ai ai cũng sống thật vội vàng, luôn mang theo một khuôn mặt đầy lo lắng. Sống nhanh chính là xu hướng của hiện đại. Nhưng sống nhanh, sống gấp chính là rào cản đầu tiên của thành công. Những người thực sự làm chủ cuộc đời hiểu được sự "ổn định" có tầm quan trọng đến thế nào. Họ thoát khỏi sự lo lắng, nóng vội về bình ổn giải quyết mọi vấn đề:
Cảm xúc ổn định, sống có trách nhiệm với bản thân
Trong cuốn sách “Dangerous Personalities” có câu: “Cảm xúc không ổn định được coi là một dạng tính cách nguy hiểm. Những người không ổn định về mặt cảm xúc thường thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc của chính bản thân, một chút kích thích cũng có thể làm cho cảm xúc chiếm đoạt con người họ. Chính vì vậy, những người có cảm xúc không ổn định thường có tính khí dễ thay đổi, nhạy cảm và cực đoan”.
Ai cũng hi vọng bản thân có một cuộc sống ổn định và hòa bình, không ai mong muốn mình ngày ngày phải sống trong sợ hãi. Sự phàn nàn và tức giận quá mức của một người sẽ chỉ khiến bạn bè càng ngày càng tránh xa, càng ngày càng dễ lâm vào đường cùng của cuộc sống. Cứ như vậy, một vòng luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại, cuộc sống cá nhân và công việc sẽ bị ảnh hưởng, và cuối cùng chính bạn là người tổn thương sâu sắc nhất.
Những người không ổn định về mặt cảm xúc thường rất dễ trút giận lên người thân của họ. Khi những cuộc cãi vã trở thành trạng thái bình thường của một gia đình, những cảm xúc tiêu cực chiếm giữ tâm hồn của tất cả các thành viên, bất luận là tình thân hay tình yêu đều sẽ bị biến chất thành những điều xấu xí làm tan nát hạnh phúc vốn có.
Thật ra, dù có gặp bao nhiêu khó khăn hay có đau khổ đến đâu, sống chết luôn là quy luật bất biến của cuộc sống, không bao giờ có thể phá vỡ. Những khó khăn mà chúng ta gặp phải là những trải nghiệm trong cuộc đời, giúp chúng ta càng ngày càng trưởng thành hơn.
Cảm xúc ổn định, chính là một phẩm chất mà người trưởng thành cần phải có. Nhìn xung quanh bạn có thể thấy rằng những người thực sự xuất sắc, những người cho bạn cảm giác an toàn, dựa dẫm, đáng tin cậy thường có cảm xúc rất ổn định. Họ bình tĩnh khi gặp khó khăn hay những việc xảy ra ngoài ý muốn. Đồng thời, họ cũng không vì khó khăn mà thoái lui hay bỏ cuộc. Đừng để nóng giận hay mất bình tĩnh là nguyên nhân cho sự thất bại.
Người xưa có câu: “Thái sơn có sụp trước mắt thì sắc mặt cũng không đổi” chính là để miêu tả những người như vậy.
Năng lực ổn định, giúp con đường sự nghiệp thuận lợi hơn
“Trong một ván cờ, không có điều kì diệu nào có thể xảy ra” – có nghĩa là trong một ván cờ, không bao giờ có chuyện may mắn mà chiến thắng. Tại sao lại như vậy? Trong cờ vua, cho dù bạn tận dụng lợi thế nửa bước cũng là điều giúp bạn giành chiến thắng trước đối thủ. Một kì thủ tài năng không bao giờ có ý nghĩ đánh nhanh thắng nhanh, chỉ cần chơi vài nước là chiến thắng đối thủ.
Những nước cờ quyết định giúp kì thủ giành chiến thắng thường được tư duy và xây dựng từng bước một trong một quá trình dài, chờ đợi sơ hở và tung ra cú đánh trí mạng quyết định thắng thua. Muốn đạt được trình độ như vậy, chắc chắn kì thủ phải kiên nhẫn luyện tập trong một thời gian dài.
Con người không thể sống dựa vào may mắn mãi được, mà năng lực ổn định được tích lũy theo năm tháng mới là điều quyết định thành bại của cả đời người. Cải thiện một chút mỗi ngày, và sau đó tiến thêm một bước. Tới một thời điểm nhất định, khi nhìn lại, bạn sẽ thấy được quãng đường dài mà mình đã đi qua.
Nội tâm ổn định, vững vàng trước biến cố
Trong lòng mỗi người lúc nào cũng tồn tại một tia cảm xúc lo lắng. Nó có thể là cảm giác bất lực, là tâm lý buông xuôi, là sự không chắc chắn của tương lai, cũng có thể là sự tự ti rằng bản thân chưa đủ ưu tú.
Khi còn nhỏ, tôi đặc biệt thích hội họa, nhưng khi những người xung quanh nói rằng, ngành này rất khó để có thể phát triển, thế là tôi liền từ bỏ. Một khoảng thời gian sau, tôi có hứng thú với việc chụp ảnh, nhưng chiếc máy ảnh quá đắt đỏ đã khiến tôi chùn bước. Đến khi học đại học, tôi thích viết lách, cũng đã cố gắng gửi bản thảo cho một vài nhà xuất bản nhưng sau nhiều lần bị trả lại, tôi cảm thấy mình chẳng có tí năng khiếu nào hết…
Thế là sau một thời gian dài, tôi bắt đầu bối rối, nghi ngờ và phủ nhận bản thân liên tục, cuộc sống trở thành một mớ hỗn độn mà bản thân không biết bắt đầu giải quyết từ đâu… Đây có lẽ là tình trạng chung của rất nhiều người trong chúng ta. Càng nỗ lực, càng gặp phải nhiều khó khăn, càng đấu tranh với cuộc sống, bản thân càng chìm sâu xuống đáy,…
Thực ra nguyên nhân rất đơn giản, là bạn không biết mình đang đi về đâu, càng bước thì chân càng không vững, chỉ một cơn gió nhẹ thổi qua cũng có thể làm bạn gục ngã. Bạn không thể thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, cũng càng ngày càng nóng lòng với việc đạt được một điều gì đó.
Có câu: “Hạnh phúc là một loại ổn định đến từ trong tâm trí”. Tâm trí ổn định trước hết là biết xác định phương hướng đúng đắn cho bản thân, không hấp tấp, không mù quáng trên con đường phía trước. Thứ hai, là nắm bắt được sự ổn định của cuộc sống. Điều này có nghĩa là, bạn biết được những gì bạn có thể thay đổi, chẳng hạn như thay đổi cái nhìn đối với bản thân, cái nhìn đối với thế giới, sau đó cố gắng để thay đổi nó; và biết được những gì mình không thể thay đổi, từ bỏ và để nó nhẹ nhàng trôi qua. Có nâng lên được thì đặt xuống được.
Một người chỉ sống một lần, chỉ có sự "ổn định" trong mọi việc mới có thể giúp bạn đạt được sự viên mãn, đạt được hạnh phúc, bình tĩnh đối mặt và vượt qua được khó khăn.
Theo Baidu