Chi 3-4 triệu đồng mua quần áo, thuê trang điểm để tỏa sáng trong tiệc công ty cuối năm

Tô Diệp - Thiết kế: Mai Linh | 07-12-2022 - 00:00 AM

(Tổ Quốc) - Đầu tư dự tiệc cuối năm của công ty là một trong những khoản chi “mạnh tay” của dân văn phòng dịp lễ Tết.

Cuối năm là khoảng thời gian dân văn phòng chi tiêu nhiều hơn cho trang phục cho các bữa tiệc. Tuy nhiên, một số người cho rằng đây là khoản chi vô cùng lãng phí. Có thật là như vậy?

Đi thuê đồ dự tiệc nhưng giá ngang với mua

Tâm Anh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng vừa mới tham gia bữa tiệc cuối năm. Cô bạn định mua mới quần áo dự tiệc, song vì không tìm được mẫu ưng ý và phù hợp với dresscode (quy tắc phối hợp quần áo) của công ty nên đã đi thuê.

"So với những năm trước, mình đã chi nhiều hơn cho bữa tiệc cuối năm nay với công ty. Mọi năm, mình mua hoặc may mới, song giá tiền cũng ngang với năm nay vì mình thuê hàng thiết kế riêng. Song, mình thuê trang điểm, thuê cả túi xách nên chi phí cao hơn. Mình mua mới một số phụ kiện như lens mắt, khuyên tai. Tổng số tiền chi ra khoảng 1,6 triệu đồng". 

Tâm Anh chia sẻ rằng sau 2 năm dịch, công ty mới tổ chức tiệc cuối năm và lần này cô bạn lên nhận giải thưởng nên cũng chú trọng ngoại hình hơn. Vì là công ty nước ngoài, Tâm Anh còn dự tiệc Halloween và sắp tới là Giáng Sinh. Đợi Halloween vừa rồi, cô bạn cùng đồng nghiệp cũng thuê đồ hoá trang. 

Tâm Anh trong tiệc cuối năm và Halloween của công ty

Về câu chuyện chi nhiều tiền mua sắm để mặc trong 1 bữa tiệc cuối năm, Tâm Anh cho rằng cùng chi 3-4 triệu cho trang phục dự tiệc cuối năm của công ty, có người sẽ cảm thấy đắt và lãng phí. Tuy nhiên, với những người có thu nhập tốt hơn chẳng hạn, họ sẽ cảm thấy đây là khoản tiền đáng để chi ra. 

"Thu nhập của mình thuộc dạng trung bình, song mình cảm thấy hài lòng về khoản tiền đã bỏ ra cho đêm tiệc cuối năm. Ai cũng muốn mình xinh đẹp và thu hút trong mắt người khác. Mình thấy tự tin và vui vẻ hơn rất nhiều khi mình và đồng nghiệp đều toả sáng trong ngày hôm đó. Ngoài ra, vẻ ngoài được chăm chút cũng mang lại nhiều cơ hội trong công việc hơn".

Người tận dụng trang phục đi đám cưới, người tính toán mua mới hoàn toàn

Cũng giống như Tâm Anh, Thảo Phương (21 tuổi, nhân viên văn phòng) vừa dự tiệc cuối năm của công ty. Cô bạn không sắm đồ mới vì trước đó đã mua rất nhiều cho những lần đi đám cưới. Mỗi lần như vậy, cô bạn thường sẽ mua thêm đồ mới chẳng hạn như áo hoặc váy, trung bình hết khoảng 1 triệu cho những lần sắm sửa. 

"Gần đây, mình đi khoảng 5-7 đám cưới. Đến bây giờ, nhìn vào tủ quần áo, mình tự thấy sợ vì quá nhiều nên không dám mua mới nữa. Đi dự tiệc cuối năm, mình chủ yếu tận dụng lại những trang phục đó. Mình không thấy mua nhiều đồ như vậy lãng phí, vì mình đều sắm món đồ có tính ứng dụng cao, sử dụng được nhiều lần trong những dịp khác nhau". 

Cô bạn cũng chia sẻ rằng đây là năm đầu tiên đi làm, do vậy chi tiêu trong Tết này cũng khác hơn. Thay vì được bố tài trợ như năm ngoái, cô bạn sẽ phải tự lo mua sắm cho bản thân và gia đình, chi tiêu cần được kiểm soát hơn. 

Mặt khác, đối với Quỳnh Nga (26 tuổi, nhân viên triển khai phần mềm) dự tính chi tầm 3-4 triệu để mua đồ mới cho tiệc cuối năm sẽ tổ chức sau Tết dương của công ty. Cô bạn sẽ mua mới toàn bộ quần áo, giày dép, phụ kiện, làm tóc và móng tay cho bữa tiệc này. "Mình có thể kết hợp với những đồ đã mua trước rồi, song mình vẫn muốn mua mới để có sự mới mẻ và phù hợp hơn với dresscode của công ty. Mình muốn trở nên đẹp hơn trong bữa tiệc này nên không ngại chi tiền". 

Cũng giống như Thảo Phương, Quỳnh Nga cho rằng các món đồ này có thể tận dụng cho các dịp cần mặc đồ nghiêm túc và lộng lẫy hơn bình thường nên không cảm thấy đây là chi tiêu lãng phí. 

Chi 3-4 triệu mua quần áo, thuê trang điểm để tỏa sáng trong tiệc công ty cuối năm - Ảnh 1.

Quỳnh Nga

Không khí lễ hội khiến mọi người muốn chi tiêu nhiều hơn

Tâm Anh chia sẻ rằng hiện nay thu nhập trung bình đã cải thiện hơn lúc trước, do vậy, mọi người đã chăm chút hơn cho đời sống tinh thần. Ví dụ, bố mẹ cô bạn những năm gần đây đã bắt đầu đi chơi Giáng sinh cùng chị em Tâm Anh. Đối với Quỳnh Nga, lễ hội là dịp đặc biệt trong năm, nhiều người thích tận hưởng không khí này và mong muốn bản thân trở nên đẹp hơn, do vậy chi tiêu cũng nhiều hơn. 

"Dù vậy, mình nghĩ mọi người nên chi tiêu có kế hoạch, không bộc phát. Chẳng hạn, mình có một khoản thường cuối năm, hỗ trợ phần nào cho những khoản chi này và cũng giúp mình thật sự tận hưởng dịp Lễ hội", Quỳnh Nga chia sẻ.

Lời khuyên của Tâm Anh để không chi tiêu quá mức cho bữa tiệc cuối năm, trước khi tham gia, mọi người cần tìm hiểu về mục đích, quy mô, địa điểm, dresscode, các hoạt động trong bữa tiệc. Từ đó xác định được cần chuẩn bị những gì và trang phục sao cho phù hợp, tránh việc chi tiền xong lại lãng phí vì lên đồ "lạc quẻ". Nếu có món đồ nào có thể tái sử dụng lại thì cũng không cần mua mới. 

"Công ty mình, hội chị em hay cho mượn các phụ kiện nếu hợp với trang phục của nhau. Song, mình nghĩ trang điểm là khoản nên đầu tư. Nếu bạn không biết trang điểm, nên thuê thợ có chuyên môn để rạng rỡ hơn". 

 Ảnh: NVCC

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM