Chế tài nào dành cho USC Interco nếu việc đăng ký vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng chỉ là "chơi trội"?

Trương Lương | 26-02-2020 - 15:13 PM

(Tổ Quốc) - Sau 90 ngày kể từ ngày đăng ký thành lập, nếu các cổ đông không góp đủ thì doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại theo vốn thực góp.

Sau khi danh tính của doanh nghiệp thành lập mới vào ngày 17/1/2020 với vốn điều lệ đăng ký lên đến 144.000 tỷ đồng - cao thứ 3 cả nước chỉ sau PVN và EVN - được xác định là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) thì vấn đề được số đông quan tâm nhất là liệu các cổ đông của công ty có góp đủ như đăng ký?

Với việc các cổ đông của công ty, gồm 3 cá nhân là ông Trần Gia Phong, bà Kim Thị Phương và ông Nguyễn Hoàn Sơn đều là những cái tên hầu như chưa được biết đến trên thương trường thì khả năng mỗi người có trên dưới 2 tỷ USD dù là tiền mặt hay tài sản để góp đủ vốn là điều gần như bất khả thi.

Chế tài nào dành cho USC Interco nếu việc đăng ký vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng chỉ là chơi trội? - Ảnh 1.

Ngay cả những doanh nghiệp có quy mô hàng đầu đất nước, tổng tài sản hàng trăm nghìn tỷ đồng như Vingroup, Masan hay các ngân hàng tốp đầu hiện cũng chỉ có vốn điều lệ vài ba chục nghìn tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các cổ đông phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, cổ đông của công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

Trong trường hợp này, cổ đông phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.

Như vậy chậm nhất đến ngày 17/5 sẽ rõ liệu mức vốn không tưởng trên của USC Interco có trở thành hiện thực hay không.

Luật Doanh nghiệp cũng nghiêm cấm các hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị. Nghị định 50/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải khắc phục hậu quả, bằng cách đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn góp đối với hành vi vi phạm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Với Emirates: Du lịch cùng con chỉ còn là “chuyện nhỏ”

Du lịch cùng con nhỏ luôn là một hành trình vừa thú vị vừa thử thách. Làm sao để mọi người đều thoải mái? Làm sao để các bé luôn vui vẻ trong suốt chuyến bay? Đôi khi, chuyến đi giống như một “bài test” cho sự kiên nhẫn của cả gia đình.