Trẻ em ngày nay, nhất là những bé sinh ra trong gia đình có điều kiện, thường được cha mẹ chiều chuộng và cung phụng đủ các yêu cầu từ đồ chơi, ăn uống, quần áo… Nhưng khi được chiều thái quá, trẻ dễ sinh ra thói đòi gì được nấy, lâu dần sẽ tạo thành tính xấu cho trẻ.
Thế nên, người lớn cần phải kiên quyết trước những thói vòi vĩnh vô lý của trẻ. Phải cho trẻ hiểu, không phải cứ đòi là được, không phải cứ thích gì là được nấy. Tuy nhiên, cách xử lý có phần cứng rắn như người dì dưới đây với cháu trai lại gây ra hai chiều ý kiến.
Mới đây, cộng đồng mạng Trung Quốc chia sẻ hình ảnh một cô gái trẻ tuổi đưa cháu trai tầm gần 2 tuổi đi chơi. Khi hai dì cháu đi qua chỗ bán bóng bay, cháu trai nhất quyết đứng lại và không chịu đi nữa, rồi đòi dì mua bóng.
Thuyết phục cháu mãi không được, người dì không bế mà nắm cổ áo cháu, xốc lên như cầm một chiếc túi xách, rồi đi thật nhanh qua chỗ bán bóng.
Nhiều cư dân mạng cho rằng cô gái xinh đẹp này đã cư xử hơi thô lỗ với cháu.
"Nhẽ ra cô gái nên bế cháu thay vì xách cổ nó như vậy".
"Không hiểu cô gái có bạn trai chưa, nếu có rồi, bạn trai nhìn thế này chắc cũng hơi khiếp".
"Khi nào có con, cô gái sẽ hiểu, không nên đối xử thô bạo thế với trẻ".
Vậy người lớn nên dạy thế nào để trẻ không vòi vĩnh mà không bị tổn thương?
Cân bằng giữa từ chối và cho phép
Đừng cái gì cũng cho con làm và ngược lại cái gì cũng từ chối vì sợ con mắc thói vòi vĩnh. Cha mẹ nên cân bằng giữa hai thái cực từ chối và cho phép để có biện pháp mềm dẻo khi giáo dục con.
Trước khi đồng ý hoặc từ chối một đòi hỏi gì của con, cha mẹ nên giải thích rõ ràng cho con hiểu lý do tại sao và từ đó dạy cho con phải biết xin phép người lớn trước khi muốn làm bất cứ việc gì.
Khi từ chối, đừng chỉ nói "Không" hoặc "Không được"
Khi con đòi thứ gì đó, nếu chỉ trả lời ngắn gọn "Không" hoặc "Không được", cha mẹ sẽ khiến con không tâm phục khẩu phục.
Khi không đồng ý cho con làm gì, hãy giải thích ngắn gọn cho con lý do tại sao. Ví dụ khi trẻ đòi mua một món đồ chơi nào đó, người lớn có thể nói: "Món đồ chơi này con đã có ở nhà rồi, mình sẽ không mua nữa. Vào một dịp đặc biệt như sinh nhật hay trung thu bố/mẹ sẽ mua cho con một món đồ chơi khác nhé!".
Nếu trẻ vẫn nhất quyết ăn vạ hãy để mặc trẻ
Khi cha mẹ đã dùng mọi lời giải thích rõ ràng nhưng vẫn một mực đòi cho bằng được và lăn ra ăn vạ, thì cách tốt nhất là hãy để mặc trẻ.
Đừng vì thấy con khóc mà xót ruột, động lòng, bởi làm vậy thì mọi công giáo dục trước đó của cha mẹ để con không ăn vạ thành công cốc. Cũng đừng vì stress với tiếng khóc mà quát, mắng con.
Tốt nhất lúc đó, cha/mẹ hãy giữ bình tĩnh trước màn khóc lóc, thậm chí giẫy giụa của con bởi lúc này mọi lời nói đều không còn ý nghĩa nữa. Cha mẹ hãy chấp nhận sự ồn ào khó chịu đó một lúc để bé hiểu rằng dù có làm cách nào, khi yêu cầu của con không đúng, sẽ không được chấp nhận.