Khởi nghiệp, mở công ty, trở thành CEO hay làm chủ dường như là lựa chọn của rất nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp. Phần lớn lý do mà họ đưa ra khi dấn thân vào con đường này chính là muốn được làm chủ cuộc sống và công việc của bản thân, không cảm thấy phù hợp với môi trường gò bó văn phòng ngoài kia.
Song không phải cứ có tiền, giỏi chuyên môn là có thể điều hành công ty. Nhiều người đã và đang có trải nghiệm tương tự đều khẳng định, trở thành CEO cần nhiều hơn thế ngoài một danh xưng.
Tốn 3 triệu đăng ký kinh doanh và nhận ra mình là một CEO rất kém
Đó là câu chuyện thật của KTS Trần Anh Tùng (sinh năm 1993) - Founder công ty Modulor Design.
Thời điểm còn là sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trần Anh Tùng đã được giảng viên đánh giá cao, có cơ hội tiếp xúc sớm với nghề khi làm việc tại văn phòng của thầy giáo. Đến khi tốt nghiệp, lập gia đình riêng, anh quyết định thử sức ở một vài môi trường mới nhưng không phù hợp nên tự mở văn phòng riêng.
Nói về thời điểm này, KTS cho hay đây là chuỗi ngày loay hoay với đủ mọi đầu việc, thời gian, nghiên cứu và tìm hướng đi để phát triển sự nghiệp chứ không hề dễ dàng. Thế nhưng nếu ai biết đến KTS Trần Anh Tùng ở hiện tại, mọi người sẽ chỉ thấy anh quảng bá mình với đội ngũ ngắn gọn “Trần Anh Tùng và cộng sự” thay vì công ty nọ, chức danh kia.
Lý giải về điều này, nam KTS thừa nhận: “Mình tốn 3 triệu để đăng ký kinh doanh và có danh xưng giám đốc nhưng thú thực tên công ty khó nhớ quá nên mình thường không sử dụng. Giống nhiều người, thời kỳ bùng nổ khởi nghiệp, mình cũng mơ mộng về công ty tự vận hành, làm CEO,... Mình còn đăng ký khóa học về quản trị doanh nghiệp để có thể xây dựng công ty tốt nhất. Song, mình tự thấy bản thân sẽ là 1 CEO rất kém. Nên mình quay trở lại là KTS, NTK nội thất chuyên tâm”.
Bên cạnh đó, nam KTS cũng cho biết thêm anh muốn làm việc giống như cách một ông chủ tiệm may bespoke suit nho nhỏ ở Savile Row. Tức là, bản thân giỏi chuyên môn, hiểu rõ nhất về sản phẩm, làm tất cả với sự say mê mà không quá tham vọng điều gì vĩ đại. Cứ làm những công trình đẹp nhất, khách hàng sẽ tự tìm tới, không nhất thiết cứ phải nhận là CEO.
Từ người làm nghề thuần rồi trở thành chuyên gia, lên quản lý phải học hỏi nhiều
Tương tự, KTS Phạm Tuấn Anh - Founder LukLak Design cũng phải dành rất nhiều năm để quyết định mở công ty và học cách làm chủ. Ban đầu, Phạm Tuấn Anh cho biết khi ra trường và đi làm, anh cảm nhận mọi thứ khác biệt hoàn toàn, không được làm những gì mình thích mà phải theo ý sếp và chủ đầu tư.
Cũng chính vì điều này mà một người làm sáng tạo như KTS Phạm Tuấn Anh cảm thấy bản thân đang làm việc như một cái máy, mọi thứ đều gò bó nên quyết định dừng lại, chuyển hướng làm nhiều việc khác nhau. Tuy nhiên, cơ duyên với kiến trúc, nội thất vẫn chưa kết thúc với anh. Khi được giới thiệu nhiều công trình, làm việc trực tiếp với khách hàng, Phạm Tuấn Anh bắt đầu nghĩ đến chuyện mở công ty riêng để làm việc chuyên nghiệp hơn, quy mô cũng mở rộng hơn.
Hành trình làm chủ, đầu tư công ty và quản lý nhân viên khó hơn nhiều so với những gì nam KTS từng nghĩ. “Từ người làm nghề thuần rồi trở thành chuyên gia, lên quản lý mình phải thay đổi, học hỏi nhiều. Khi làm chủ, ngoài chuyên môn cần có kỹ năng bao quát, định hướng nhân viên. Thường những người làm nghề giỏi thường lại kém về quản trị, quản lý con người và tài chính”, KTS Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Anh cũng cho rằng việc việc dẫn dắt, đào tạo và phát triển nhân viên hiểu được, thấm nhuần triết lý hình thành văn hóa công ty là một cái khó đối với những công ty thiết kế vừa và nhỏ. Chưa kể, người làm chủ cũng phải biết đủ mọi thứ, chịu trách nhiệm nhiều đầu việc hơn là chỉ tập trung vào mỗi chuyên môn nghề nghiệp.
KTS Phạm Tuấn Anh nói thêm: “Mình phải đa nhiệm, giống như một người làm kinh doanh, vừa am hiểu nghề, vừa am hiểu về lĩnh vực quản trị, tài chính, marketing,... Phải hiểu cách tạo nguồn thu, nuôi công ty, đôi khi chỉ cần sai lệch một chút sẽ đánh đổi tất cả”.