Ngày nay, với mức sống ngày càng được cải thiện nhanh chóng, hệ thống y tế ngày càng hoàn thiện thì chế độ ăn uống của người dân cũng có những thay đổi lớn, theo cả 2 hướng là tiêu cực và tích cực.
Không ít người dư dả về vật chất nên không chú ý kiểm soát khẩu phần ăn. Nếu tình trạng cứ tiếp diễn như vậy thì không chỉ hệ tiêu hóa xảy ra vấn đề mà còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng hơn cho các cơ quan khác trong cơ thể.
Aflatoxin - Chất gây ung thư cấp độ 1 do WHO cảnh báo
Người xưa thường nói “Bệnh từ miệng mà ra”, đa số là do chế độ ăn uống không hợp lý. Tổ chức Y tế Thế giới đã tiến hành một cuộc khảo sát và thống kê danh sách chi tiết các chất gây ung thư để cảnh báo mọi người phải chú ý hơn trong vấn đề này.
Trong đó, có một loại chất gây ung thư cấp độ 1 thường xuyên có mặt trong nhiều gia đình, cần sớm ngày cảnh giác ngay. Đó chính là aflatoxin. Độc chất này có độc tính gấp 10 lần kali xyanua và gấp 68 lần so với asen.
Aflatoxin được hấp thu qua đường tiêu hoá là chủ yếu. Liều gây ung thư của aflatoxin thấp hơn 1000 lần so với các phẩm màu azoic, đặc biệt là đối với ung thư gan. Theo các chuyên gia, nếu hấp thu 2,5mg aflatoxin mỗi ngày trong khoảng 3 tháng, có thể bị ung thư gan sau 1 năm.
Aflatoxin thường có trong các thực phẩm mốc là một loại độc tố vi nấm được sản sinh một cách tự nhiên do một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc).
Aflatoxin B1 là phổ biến nhất, độc nhất và gây ung thư nguy hiểm nhất. Ảnh: Toutiao
Loại độc tố này thường được phát hiện trong các loại cây có dầu như ngô, lạc và các loại hạt, hoặc thực phẩm lên men tự chế. Aflatoxin đã được phát hiện có tỷ lệ cao nhất trong các sản phẩm bị mốc và hư hỏng.
Một khi aflatoxin được tạo ra trong thực phẩm thì không thể loại bỏ bằng chế độ nấu nướng thông thường vì chúng vẫn có thể tồn tại ở trong môi trường nhiệt độ cao 100°C.
Do đó, các chuyên gia đều khuyên mọi người nên ngừng sử dụng ngay các sản phẩm có dấu hiệu sau đây chứ đừng nên “tiếc của”:
1. Cây lương thực bị mốc
Các loại cây lương thực như ngô, lúa, lúa mì,… trong quá trình thu hoạch và bảo quản nếu phơi không kỹ, gặp môi trường có độ ẩm lớn thì rất dễ bị mốc, hư hỏng và sinh ra aflatoxin. Đặc biệt là vào mùa mưa, nội nhũ của ngô có khối lượng lớn, chứa nhiều nước, nhiều đường, rất dễ bị nhiễm aflatoxin trong môi trường ấm và ẩm.
Các loại cây lương thực có dấu hiệu bị mốc và hư hỏng cần phải được vứt bỏ ngay nếu không muốn bị ngộ độc, gia tăng nguy cơ ung thư.
2. Đậu phộng mốc
Đậu phộng chứa nhiều dầu, mà aflatoxin dễ tan trong dầu. Nếu mầm lạc có chứa aflatoxin thì chắc chắn nội nhũ của nó cũng chứa một lượng độc tố không nhỏ. Dù đã loại bỏ phần mầm bệnh thì những chất độc còn sót lại sau khi vào cơ thể người vẫn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cơ thể.
Lạc rất nhạy cảm với aflatoxin. Ảnh: toutiao
Nếu một hạt lạc bị mốc thì nên vứt bỏ cả gói lạc vì độc tố aflatoxin có thể phát tán dưới dạng bào tử. Thực phẩm xếp chồng lên nhau rất dễ bị nhiễm.
3. Các loại hạt bị hỏng
Các loại thực phẩm từ hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt dưa… cũng có thể sản sinh độc tố aflatoxin khi chúng bị hỏng. Các loại hạt thường được đóng gói theo số lượng lớn mỗi túi nên cũng là môi trường dễ lây nhiễm aflatoxin dưới dạng bào tử. Mọi người cần cẩn trọng khi sử dụng, nếu phát hiện dấu hiệu nấm mốc thì phải bỏ ngay.
4. Sữa và các sản phẩm từ sữa chế biến trong môi trường không đảm bảo
Aflatoxin có thể tồn tại trong cây trồng và thức ăn cho bò. Điều này khiến cho một phần nhỏ độc tố đi vào ruột và dạ dày của bò và đi vào sữa thông qua một loạt các biến đổi, dẫn đến hàm lượng aflatoxin trong các sản phẩm sữa vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Vì vậy, khi mọi người mua sữa và các sản phẩm từ sữa khác, nên lựa chọn các thương hiệu uy tín, đảm bảo về nguồn gốc và chất lượng.
5. Dầu ăn chế biến trong môi trường không đảm bảo
Các loại hạt rất dễ bị nhiễm độc tố aflatoxin nên dầu chiết xuất từ chúng cũng có thể bị nhiễm độc. Theo quy trình chế biến công nghiệp, dầu ăn có nhiều bước phức tạp trong quá trình chiết xuất để khử aflatoxin và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ tự chiết xuất dầu ăn nhưng không thể cung cấp một môi trường và trang thiết bị phù hợp, khiến quy trình sản xuất này bị ảnh hưởng. Chất lượng dầu ăn làm ra cũng có nguy cơ còn tồn đọng aflatoxin.
Thực phẩm dễ bị nấm mốc và hư hỏng, nên bảo quản như thế nào?
1. Bảo quản thức ăn chín trong tủ lạnh
Thời tiết nóng nực hoặc nồm ẩm, thực phẩm dễ bị mốc, hư hỏng trong thời gian ngắn. Bạn có thể bảo quản thức ăn chín trong tủ lạnh, hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc kín rồi trữ đông, nhưng điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo tủ lạnh không bị nhiễm vi trùng.
2. Chọn nơi khô ráo
Các loại thực phẩm dễ bị mốc và hỏng khi để ở nơi có độ ẩm và nhiệt độ cao, từ đó sinh ra độc tố aflatoxin. Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng khí để tránh bị hư hỏng là một cách hữu hiệu. Nếu không thể ăn trong thời gian ngắn, bạn có thể cất vào tủ lạnh nếu thích hợp.
*Nguồn Toutiao