Ung thư là căn bệnh hiểm nghèo đáng sợ. Ai cũng hy vọng rằng ung thư có thể tránh xa mình, nhưng mọi người cũng phải hiểu rằng ung thư không phát sinh mà không có lý do. Ngoài vấn đề di truyền, bệnh ung thư còn liên quan nhiều hơn đến các yếu tố bên ngoài.
Dưới đây là các loại chất gây ung thư và nhóm thực phẩm mà mọi người cần thận trọng khi sử dụng:
1. Aflatoxin - Thực phẩm mốc
Độc tố aflatoxin là chất ung thư nguy hiểm số 1 và chúng thường có trong các thực phẩm lên men, ngũ cốc bị mốc, thớt, đũa dùng lâu ngày. Ảnh: Zhihu
Aflatoxin (AFT) là một độc tố được tạo ra bởi một số chủng như Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Vào năm 1993, aflatoxin đã được Viện Nghiên cứu Ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là chất gây ung thư tự nhiên, và nó là một chất có độc tính cao và rất nguy hiểm.
Độc tính của nó mạnh gấp 10 lần so với loại thuốc cực độc kali xyanua, độc hơn nọc độc của rắn hổ mang, và độc hơn 28-33 lần so với các loại thuốc trừ sâu 1605 và 1059 có độc tính cao. Tiêu thụ hơn 1 mg sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, và tiêu thụ hơn 20 mg có thể dẫn đến tử vong.
Sau khi thực phẩm hết hạn sử dụng hoặc thậm chí bị mốc, aflatoxin sẽ được sản sinh. Nếu ăn phải chất này có thể gây ung thư gan, đồng thời đẩy nhanh quá trình tổn thương và lão hóa của các cơ quan nội tạng và hệ thần kinh, tăng gánh nặng cho gan và thận. Do đó, không nên ăn thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc bị mốc.
Chất aflatoxin thường có trong các thực phẩm truyền thống lên men và ngâm chua, những loại ngũ cốc như đậu phộng, ngô, gạo, lúa mì... Bên cạnh đó, aflatoxin cũng thường xuất hiện nhiều ở thớt, đũa dùng lâu ngày.
2. Nitrosamine có trong thuốc lá, thịt xông khói
Hợp chất nitrosamine có thể gây ung thư. Ngay cả thuốc lá điện tử cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, muối nitrit trong xúc xích, thịt xông khói, lạp sườn có thể phản ứng với acid dạ dày, sinh ra chất nitrosamine.
Cách phòng ngừa: Cho dù bạn hút thuốc lá loại gì đều phải cai thuốc. Ngoài ra nên hạn chế ăn các món ướp muối, xông khói, thay đổi cách chế biến thịt, luộc hoặc nấu sẽ an toàn hơn chiên rán.
3. Ethanol có trong đồ uống có cồn
Rượu rất có hại cho sức khỏe cho nên cần hạn chế uống rượu. Ảnh: Zhihu
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã chỉ ra ethanol là một loại chất gây ung thư. Khi ethanol vào cơ thể người, nó sẽ chuyển hóa acetaldehyde qua gan, acetaldehyde sẽ gây đột biến DNA, từ đó sẽ gây ung thư. Uống rượu, bia có thể trực tiếp dẫn đến ung thư miệng, ung thư vòm họng và ung thư thực quản. Hơn nữa, càng uống nhiều rượu và uống trong thời gian dài thì tỷ lệ mắc bệnh ung thư càng cao.
4. Nitrosamine có trong đồ thừa để qua đêm, đồ chua
Nhiều người đã quen với việc cất đồ thừa vào tủ lạnh. Nhưng thức ăn thừa, đặc biệt là những thức ăn có chứa nhiều rau xanh, nếu không được đậy kín kịp thời hoặc để trong tủ lạnh quá 18 giờ, hàm lượng nitrit trong đó sẽ tăng mạnh. Mặc dù bản thân nitrit là chất độc, nhưng nó không phải là chất gây ung thư. Nhưng nitrit sẽ kết hợp với các sản phẩm phân hủy protein trong dạ dày tạo thành chất gây ung thư-nitrosamine, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày và ung thư ruột.
5. Hydrocacbon đa vòng- Thực phẩm hun khói, chiên, nướng
Hạn chế chiên, rán thực phẩm mà thay vào đó nên luộc và hấp để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Zhihu
Chiên, rán là cách chế biến thông thường của nhiều gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình chiên, thực phẩm sẽ sản sinh ra chất gây ung thư-hydrocacbon đa vòng. Chất này có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua da, đường hô hấp và thực phẩm bị ô nhiễm, gây ra đột biến và khối u, đồng thời gây ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư da...
Ngoài ra, sau khi chiên một món ăn, sử dụng phần dầu còn lại trong chảo để tiếp tục chiên món ăn tiếp theo, hoặc sử dụng dầu đã chiên để chiên tiếp có thể sinh ra chất gây ung thư.
6. Asen (thạch tín) có trong gạo lứt
Một cuộc khảo sát về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng được Hiệp hội nhà tiêu dùng Mỹ tiến hành phát hiện, hàm lượng asen trong gạo lứt đều cao hơn so với gạo trắng. Asen sẽ làm suy giảm chức năng hệ thống hồi phục của cơ thể, nên khi các tế bào bị tổn thương, DNA không thể phục hồi như ban đầu, dễ biến thành ung thư.
Cách phòng ngừa: Trước khi nấu, vo sạch gạo, khi vo, tỷ lệ nước và gạo tối thiểu là 6:1. Ngoài ra, chỉ nên ăn gạo lứt 2 lần/tuần.
Ngoài việc tránh những chất gây ung thư này trong chế độ ăn uống hàng ngày, mọi người cũng đừng quên thực hiện 5 điểm sau để bảo vệ sức khỏe của bản thân:
1. Duy trì cân nặng hợp lý
Duy trì cân nặng là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa ung thư. Ảnh: Zhihu
Trong thập kỷ qua, bằng chứng về ung thư và béo phì ngày càng gia tăng. Cuộc khảo sát cho thấy tình hình kiểm soát béo phì toàn cầu hiện nay không mấy lạc quan. Lượng mỡ trong cơ thể cao sẽ trực tiếp làm tăng nguy cơ mắc 14 loại khối u ác tính như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư thận…
Hơn nữa, nguy cơ mắc một số loại khối u sẽ tăng lên khi lượng mỡ trong cơ thể tăng lên. Nói cách khác, từ góc độ phòng chống ung thư, trọng lượng cơ thể và tỷ lệ mỡ trong cơ thể cần được kiểm soát trong phạm vi tiêu chuẩn.
Để đo xem bạn có béo phì hay không, bạn có thể sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI) để tính toán, BMI = cân nặng (kg) ÷ chiều cao (m) ² . Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, giá trị bình thường của BMI là 18,5-23,9, 24-27,9 là thừa cân, hơn 28 là béo phì.
2. Tích cực tập thể dục
Theo phân tích dữ liệu của Trung tâm Ung thư Hoa Kỳ, tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ mắc 13 loại khối u ác tính, trong đó nguy cơ ung thư thực quản cao nhất là giảm 43%! Và tập thể dục tích cực cũng có lợi để duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bạn thực sự không có thời gian để tập thể dục, thì hãy dành chút thời gian để đi bộ nhiều hơn.
3. Cải thiện thói quen ăn uống
Tránh ăn các loại thực phẩm gây ung thư nêu trên. Bên cạnh đó, mọi người nên bổ sung các loại rau lá xanh, đậu bắp, cà tím, trái cây và các loại đậu trong bữa ăn hằng ngày của mình. Những thực phẩm này rất giàu chất xơ, có tác dụng ức chế sự sinh sôi của tế bào ung thư đường ruột và ngăn ngừa đột biến tế bào thông qua chống oxy hóa. Đồng thời, có thể bổ sung carotene, vitamin C, vitamin E và các chất dinh dưỡng khác.
4. Kiểm soát lượng thịt
Tuy thịt đỏ có lợi cho sức khỏe nhưng chúng ta cần phải sử dụng đúng liều lượng và chế độ ăn hợp lý thì mới duy trì cơ thể khỏe mạnh. Ảnh: Zhihu
Viện dinh dưỡng khuyến cáo rằng lượng thịt đỏ hàng tuần như thịt lợn, thịt cừu, thịt bò... nên được kiểm soát trong vòng 500g/người. Vì thịt đỏ rất giàu sắt nên gây kích thích sự hình thành các hợp chất nitroso và thúc đẩy ung thư đại trực tràng. Đồng thời, nếu các loại thịt đỏ giàu protein và nhiều chất béo này được nấu ở nhiệt độ cao như chiên, quay, các chất gây ung thư như hydrocacbon đa vòng cũng sẽ được sản sinh trong quá trình nấu nướng.
5. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước sẽ giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và giúp cơ thể đào thải chất độc ra ngoài. Vì vậy, người lớn nên uống 1500-1700 ml (khoảng 7-8 ly) nước mỗi ngày, và những người đang giảm cân nên tăng lượng nước uống một cách hợp lý. Nếu thực sự không thích uống nước trắng, bạn cũng có thể uống một ít trà. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà có thể có tác dụng phòng ngừa nhất định đối với một số khối u ác tính như ung thư gan và ung thư bàng quang.
Theo Zhihu