Iran chọn phe nào trong cuộc xung đột ở Libya?
Cuộc khủng hoảng tàu chở dầu Iran vừa mới kết thúc - một phần của cuộc đối đầu với Mỹ cùng với việc phải "căng mình" ứng phó với đại dịch Covid-19 là lý do tại sao Tehran tỏ ra "ít quan tâm" tới Libya, nơi một cuộc xung đột đã kéo nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực vào cuộc.
Kể từ tháng 4/2019, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar cố gắng giành lấy toàn bộ lãnh thổ còn nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở miền tây Libya với trọng tâm là thủ đô Tripoli.
LNA được hỗ trợ bởi Nga, Pháp, Ai Cập, UAE, Jordan, Arab Saudi và mới đây là Syria, trong khi GNA được hậu thuẫn bởi tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và viện trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Italia.
Việc UAE, Arab Saudi đứng về phía Tướng Haftar là lý do không kém phần quan trọng khiến Iran tỏ ra thận trọng trong vấn đề Libya. Nói cách khác, trong mắt Tehran chiến thắng của LNA trước GNA cũng là một thắng lợi của các đối thủ trong khu vực.
Bản đồ chiến sự ở miền tây Libya ngày 2/6/2020 (Nguồn: ISW News).
Trong bối cảnh phức tạp nói trên, Trung tâm Nghiên cứu Abrar ở Iran đã đưa ra bình luận như sau:
"Mặc dù Cộng hòa Hồi giáo (Iran) không có nhiều lý do can dự vào Libya nhưng sự can thiệp của các cường quốc trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là Arab Saudi và các đồng minh thông qua "cánh tay nối dài" là Tướng Haftar có thể giúp họ mở rộng ảnh hưởng ở Bắc Phi".
Mặc dù Tehran chưa chính thức đưa ra quan điểm về Libya, tuy nhiên các chuyên gia đánh giá rằng với quan điểm tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Bắc Phi và kìm hãm Arab Saudi, không sớm thì muộn Iran sẽ đứng về phía GNA và hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ địch trên chiến trường Syria.
Quyết định này chỉ có thể thay đổi một khi các đồng minh của Iran trong cuộc chiến Syria là Moscow và Damascus đủ khả năng thuyết phục Tehran về khả năng gây ảnh hưởng đối với LNA khi họ đã nắm quyền ở Libya hậu chiến - điều gần như bất khả thi ở thời điểm hiện tại.
Thế giằng co trên chiến trường Libya sau thất bại của LNA tại căn cứ chiến lược al-Watiya ngày 18/5 và việc GNA bị đẩy lui ở khu vực Gharyan hôm 2/6 khiến việc dự đoán các kịch bản chiến sự Libya trở nên khó khăn.
Tuy vậy, nếu các nỗ lực của phe GNA đủ sức đánh bật đối phương khỏi khu vực phía nam Tripoli và tái chiếm được căn cứ tiền phương của LNA tại Tarhuna, cuộc bao vây của Tướng Haftar sẽ hoàn toàn sụp đổ. Và có lẽ Iran sẽ ra quyết định ở thời điểm then chốt này.
Một cuộc phục kích bằng súng bắn tỉa hạng nặng của lực lượng GNA tại Tripoli nhằm vào xe cơ giới của LNA hôm 2/6/2020.
"Dấu vân tay" của Tehran
Theo tờ The Trumpet, người Ba Tư đã có mặt trong các cuộc khủng hoảng ở Bắc Phi từ lâu, với việc nhiều năm ngấm ngầm bán vũ khí cho các nhóm Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập.
Vào tháng 4/2019, tức là gần như trùng với quyết định tấn công Tripoli của LNA, thông tin về một tàu chở hàng của Iran đã bị bắt giữ gần bờ biển phía tây Libya với cáo buộc vận chuyển vũ khí của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã được lan truyền.
Tại thời điểm đó, ông Mohammad Saeedi, Phó giám đốc Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran đã bác bỏ thông tin nói trên và cho rằng một cuộc đàm phán đang được diễn ra giữa Tehran và Tripoli để giải quyết vấn đề liên quan tới con tàu tuy nhiên đây không phải là một vụ bắt giữ.
Shahr E. Kord, tàu chở hàng có thể mang theo 144 container hàng hóa đã neo đậu ngoài cảng tại Misrata, nơi được coi là "đầu não" của Huynh đệ Hồi giáo ở Libya. LNA sau đó đã tuyên bố rằng con tàu đang vận chuyển trái phép vũ khí và đạn dược cho dân quân ở Misrata.
Hành trình của tàu chở hàng Shahr E. Kord của Iran tới Misrata, Libya tháng 4/2019.
Các lô hàng như trên của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với máy bay không người lái (UAV) và lính đánh thuê Syria đã cho phép GNA tiến hành các cuộc phản công nhằm vào LNA.
Tuy nhiên vũ khí Iran không chỉ được các tay súng ủng hộ GNA sử dụng, nó cũng nằm trong tay đối thủ của họ, lực lượng LNA.
Ngày 20/5/2020, Đặc phái viên của Israel tại Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc Iran đã cung cấp Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) cho lực lượng LNA tham chiến tại Tripoli.
"Vào tháng 11/2019, ít nhất 4 hệ thống ATGM “Dehlaviyeh” của Iran đã được các nhóm dân quân liên kết với lực lượng của Tướng Haftar ở Libya sử dụng".
Không khó để nhận ra giữa cuộc chiến Libya vẫn đang tiếp diễn, Iran đã tìm thấy một vị trí tốt để vừa "tọa sơn quan hổ đấu" trước khi quyết định chọn phe, vừa tận dụng tình thế bế tắc về chiến sự hiện tại để thu được lợi nhuận bằng việc cung cấp vũ khí cho cả 2 phe tham chiến.
Theo Iran, Dehlaviyeh hay RAAD là một biến thể tên lửa dẫn đường bằng laser được thiết kế tương tự Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) Kornet do Nga sản xuất.