1
"Ba Má ơi, mình đi đâu tiếp?"
Lê Đức Nhân, 28 tuổi, quê Bình Định viết lời chú thích cho album ảnh đặc biệt trên Facebook cá nhân, rằng "Trong cuộc đời, rồi ai cũng sẽ viết riêng cho mình một cuộc hành trình. Con trai cũng vậy. Hành trình lớn nhất của con là đưa ba má đi khắp thế gian này. Không hiện hữu nhưng vẫn luôn ở bên nhau, con trai luôn tin là như thế...".
Năm Nhân 11 tuổi, má gặp tai nạn và qua đời khi anh chuẩn bị thi cuối học kì. 2 tháng sau, ba theo má lên thiên đường, bỏ lại những đứa con, cũng vì tai nạn. Cậu bé Đức Nhân biết mình vừa mất đi 2 người quan trọng nhất cuộc đời, nhưng chưa cảm nhận rõ ràng nỗi đau lúc đó. Chỉ khi cậu lớn lên, nỗi đau cũng lớn dần theo.
Ngày bé, Nhân từng nói vui với má rằng, "sau này lớn lên, con sẽ làm hoạ sĩ và xây cho ba má một ngôi nhà thiệt to". Nhưng ba má đã không đợi được ngày đó, chính là điều Nhân tiếc nuối nhất.
Lê Đức Nhân với hành trình "đưa bá má đi khắp thế gian"
Cậu mợ đưa Nhân về nuôi từ năm lớp 6 đến 12. Sau đó, anh được thầy Nguyễn Thế Vinh nhận vào nuôi dưỡng tại trung tâm trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương ở tỉnh Bình Dương.
Khi Nhân đang theo học Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM, thầy Vinh nhắn hỏi liệu anh có muốn đi du học Nhật Bản không? Không quá đắn đo, Nhân quyết định bảo lưu việc học tập ở Đại học và bắt đầu học tiếng Nhật. Anh xuất sắc thi đỗ học bổng toàn phần Asahi, và từ đó, bắt đầu một hành trình mới.
Thời gian đầu sang Nhật khá vất vả vì Nhân phải làm quen với môi trường sống hoàn toàn khác so với Việt Nam. Nhưng bản thân anh tự nhủ phải luôn cố gắng, vừa học vừa làm thêm những công việc như bồi bàn, phát báo, bán mì,... để có tiền trang trải cuộc sống.
Có những ngày đi phát báo dậy từ 1h sáng, dù nắng hay mưa gió bão bùng, tuyết rơi trắng xoá, anh vẫn phải chạy xe máy. "Tủi thân đến mức vừa chạy xe vừa khóc, mà không biết nước mắt hay nước mưa, chỉ biết là môi mặn chát", Nhân nói.
Đủ trưởng thành, Nhân nhận ra thành công của bản thân sẽ không trọn vẹn nếu không có ba má bên cạnh. Đó là lý do anh luôn mang theo di ảnh ba má trên mỗi hành trình. Anh biết, dù anh ở đâu, ba má cũng luôn dõi theo.
2
Hành trình cõng ba má lên trời
Album ảnh "Ba Má ơi, mình đi đâu tiếp?", như một lời thủ thỉ, tâm sự của Lê Đức Nhân. Anh rất muốn đưa ba má đến thật nhiều nơi, nhưng điều duy nhất anh có thể làm là đưa di ảnh đi cùng. Đến nay, anh đã đưa ba má đến 33/47 tỉnh thành ở Nhật Bản và Malaysia.
Anh vẫn luôn muốn được một lần có cảm giác rằng ba đứng bên trái, má đứng bên phải, còn anh ở giữa. Khi đó anh sẽ hô thật to "1, 2, 3 chụp" như nhiều gia đình khác.
Đáng nhớ nhất với anh là chuyến chinh phục núi Phú Sĩ cùng ba má. Anh gọi đó là hành trình cõng ba má lên trời. "Đó cũng là hành trình liều lĩnh nhất", Nhân nhớ lại. Lúc gần tới đỉnh núi, trời rất lạnh và mưa, mọi người thường sẽ ghé nhà nghỉ để hồi sức, sáng hôm sau sẽ leo tiếp hoặc leo xuống. Giá nhà nghỉ khá "chát", Nhân lại không mang đủ tiền, leo xuống thì không đành lòng, anh liều lĩnh tiếp tục leo lên tới đỉnh.
10h đêm, trời tối đen, mưa, lạnh và không một bóng người. Anh tự động viên mình rằng chỉ cần có ba má bên cạnh thì mọi chuyện sẽ ổn thôi. Anh tìm đến những mỏm đá tính nghỉ chân cho đỡ lạnh, nhưng kế hoạch đó không khả quan. Lúc sau tìm thấy một căn nhà hoang, anh liền bước vào chợp mắt đến 2h sáng rồi tiếp tục hành trình.
"Sau rất nhiều gian nan, mình đã thành công mang di ảnh ba má lên nơi cao nhất của Nhật Bản. Mình sẽ không bao giờ quên hành trình này", Nhân xúc động.
Anh tự nhủ, dù đi đâu, làm gì, thì thiêng liêng và ấm áp nhất vẫn là hai tiếng gia đình. "Con trai sẽ cười như nụ cười hiền hòa mà nồng ấm ngày nào của má, sẽ nhìn đời bằng ánh mắt trìu mến mà chân thành ngày nào của ba. Để rồi con sẽ cảm nhận và yêu thương cuộc đời này bằng chính trái tim của mình".
Đến nay, Nhân đã đưa ba má đến 33/47 tỉnh thành ở Nhật Bản và Malaysia
3
"Sống chậm lại và cảm nhận mọi thứ theo cách của riêng mình"
Sau 6 năm, Lê Đức Nhân hiện là Phó quản lí bộ phận nhà hàng tại một khách sạn ở tỉnh Gunma, Nhật Bản. Thời gian gần đây, anh nổi tiếng trên mạng xã hội sau những bài chia sẻ về cách trang trí phòng trọ và những món ăn nhìn qua không khác gì thực đơn "đẳng cấp 5 sao".
Nhân cho biết, anh luôn muốn chia sẻ những điều tích cực đến mọi người. Anh sống một mình, cũng hay tự tạo niềm vui cho bản thân thông qua việc nấu nướng hay decor nhà cửa. Tất cả những kĩ năng về decor, nấu ăn hay chụp ảnh đều do anh tự tìm tòi, không học qua trường lớp nào. "Tất cả đều xuất phát từ đam mê", Nhân tấm tắc.
Căn phòng trọ được anh lên ý tưởng và tự thực hiện trong khoảng 1 tuần trong thời gian dịch bệnh Covid-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động tại Nhật Bản. Mọi thứ gần như thay đổi đến 80%, chi phí khoảng 15 triệu đồng.
Căn phòng trọ ngăn nắp và gọn gàng của Nhân. Anh dành riêng 1 góc để trưng bày những bức hình trong hành trình "đưa ba má đi khắp thế gian"
Anh đặt đồ trên mạng, tự lắp ráp, tự vẽ tranh trang trí. Mỗi ngày anh dành thời gian cho một không gian, như bếp, phòng ngủ,... Vài tháng, anh sẽ decor lại nhà cửa một lần để tạo ra không gian mới, một phần đỡ bị chán, phần nữa vì có nhiều ý tưởng hay ho để sáng tạo.
Anh dành riêng một góc trong nhà để trưng bày những bức ảnh về hành trình du lịch cùng ba má và thành tích học tập. Mọi thứ đều thật chỉn chu và ngăn nắp, để mỗi ngày trôi qua, anh đều vui vẻ và hạnh phúc với nó.
"Mình còn trẻ, có thể chưa thành công nhưng đừng bao giờ nghĩ chỉ khi thành công rồi mới dành thời gian tận hưởng cuộc sống. Hãy cố gắng tận hưởng nó theo cách của mình mỗi ngày, đôi khi đơn giản là dành thời gian dọn dẹp, decor lại phòng hay làm những việc mà mình thích. Sống chậm lại và cảm nhận mọi thứ theo cách của riêng mình", Nhân nói.
4
"Dù bận rộn, vẫn luôn cố gắng tự chăm sóc bản thân tốt nhất"
Về tài nấu nướng, Nhân tự học cách trang trí món ăn trên đĩa (Plating) giống phong cách ở các nhà hàng 5 sao. Anh là thành viên tích cực của hội nhóm ẩm thực trên mạng xã hội, mỗi bài chia sẻ đều nhận về sự thán phục từ hàng ngàn người xem.
Anh giải thích, Plating có thể được hiểu là nghệ thuật sắp xếp, bài trí món ăn trên đĩa. Để có thể tạo ra một món ăn theo phong cách Plating, thì việc kết hợp các nguyên liệu một cách hài hoà là rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc sắp xếp bố cục và phối màu sắc cũng là một yếu tố quan trọng để tạo ra một món ăn hấp dẫn phần nhìn. Phong cách này rất phù hợp với những ai có khiếu thẩm mĩ và óc sáng tạo. Món đầu tiên Nhân làm theo phong cách này là mì Ý Spaghetti với tôm.
Những ngày đầu làm quen với Plating, anh tham khảo từ những đầu bếp chuyên nghiệp, rồi sẽ biến thành cái của mình. Vì họ nấu đồ Âu còn anh chọn món Việt, nên phần nguyên liệu gần như là khác nhau. Sau một thời gian, anh có thể tự lên ý tưởng cho riêng mình.
Để nấu một món ăn theo phong cách Plating, đầu tiên Nhân cần định hình được bố cục, sau đó anh sẽ đi chợ chọn nguyên liệu phù hợp. Anh chế biến món ăn đơn giản và nhanh. Khâu trình bày chiếm nhiều thời gian nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ và sáng tạo, sao cho bố cục món ăn và màu sắc thật hài hoà.
Trong tương lai, Nhân sẽ tìm hiểu thêm về những phong cách nấu ăn khác trong khả năng của bản thân.
Chàng trai 28 tuổi đa tài, từ chụp ảnh, nấu ăn đến decor nhà cửa
Những món ăn bình dị được Nhân nâng lên "đẳng cấp 5 sao" qua cách bày trí vô cùng đẹp mắt
Ngoài thời gian ở công ty, dù bận rộn, anh vẫn luôn cố gắng tự chăm sóc bản thân tốt nhất, đặc biệt là nấu cơm vì anh là kiểu người không thích ăn ngoài. "Có những hôm đi làm về muộn, vừa gọi điện về cho chị gái ở Việt Nam, vừa nấu cơm mà chị cũng hết hồn luôn", Nhân cười.
Với mỗi bữa cơm mang hương vị Việt Nam do chính tay anh nấu, chi phí rơi vào khoảng 200.000 đồng.
Những ngày qua, người dùng mạng xã hội truyền tay nhau những bức ảnh thú vị về mô hình "siêu nhân cua". Không phải làm bằng nhựa cứng hay bìa carton, toàn bộ mô hình này chỉ thực hiện vỏn vẹn trong 30 phút, tận dụng toàn bộ vỏ cua tuyết đã luộc chín và keo nến để ráp các khớp nối. Nhân chính là chủ nhân của tác phẩm này, xuất phát từ sở thích tuổi thơ về những bộ phim siêu nhân.
"Siêu nhân cua" làm chao đảo mạng xã hội thời gian qua
5
"Tết chẳng ở đâu xa, Tết là ở trong tim của mỗi chúng ta"
Covid-19 ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hiện tại của Lê Đức Nhân. Công việc gián đoạn, nên phần lớn thời gian anh ở nhà. Tình hình dịch bệnh ở Nhật hiện vẫn đang rất căng thẳng. Tỉnh Gunma nơi anh sống đã ghi nhận ca nhiễm, nhưng vẫn trong tình trạng được kiểm soát.
Tết với những người con xa xứ là những nỗi chạnh lòng khó nói. Chỉ biết gọi điện về, miệng thì nói "con vẫn ổn" nhưng nước mắt lại tuôn rơi thành từng dòng mà không biết tại sao. Nhân cũng thế, bao nhiêu năm xa quê, biết bao cái Tết xa nhà. Dù có mạnh mẽ đến đâu thì Tết đến cũng cảm thấy trống trải vô cùng.
Mỗi năm, Nhân đều cố gắng về Việt Nam một lần.
Năm 2019, Nhân may mắn được đón Tết bên gia đình bố nuôi. "Kể từ hôm nay, hãy gọi ta là bố, đây là mẹ và kia là em trai của con". Đó là câu bố Saito dành cho Nhân - cậu con trai nuôi người Việt Nam của mình. Và đó cũng là lần đầu tiên anh cảm nhận được có một gia đình nơi đất khách là như thế nào.
Cuộc sống xa xứ vốn cô đơn và lạc lõng, bỗng trở nên ấm áp vô cùng. Được đón sinh nhật bên bố mẹ và cậu em trai nuôi, cùng nhau đi dã ngoại, đặc biệt cả nhà cùng đón giao thừa và đi chơi Tết.
Tết năm ấy, bố nhắn tin: "Con đã xin nghỉ làm mấy ngày Tết chưa để sang nhà bố đón giao thừa rồi còn đi chơi nữa". Nhân sang nhà bố mẹ nuôi, cả nhà cùng nhau ngồi sưởi ấm trong chiếc bàn Kotasu (loại bàn sưởi ấm vào mùa đông ở Nhật), ăn uống và xem tivi đợi đến giao thừa. Tết ở Nhật không náo nhiệt như Việt Nam mình, một phần cũng vì tiết trời lạnh của mùa đông.
2h sáng, bố đánh xe chở cả nhà đi ngắm mặt trời mọc ở biển vào ngày đầu năm mới, với hi vọng sẽ đem lại may mắn cho cả một năm. Trong lúc Nhân chạy lon ton chụp ảnh, bố nuôi Saito chụp di ảnh ba má của Nhân cũng đang hướng về phía mặt trời. Ông nói, "Ba má con cũng đang ngắm mặt trời mọc cùng chúng ta đó".
Mọi người đi tắm suối nước nóng, ăn uống rồi đi chùa cầu may. Bố mẹ mua tặng Nhân một chiếc bùa cầu bình an, vì họ biết anh hay đi đây đi đó. Chiếc bùa sẽ bảo vệ anh mỗi khi đi xa.
Khoảnh khắc Nhân cùng bố mẹ và em trai nuôi cùng đón mặt trời mọc vào ngày đầu tiên của năm 2019 ở tỉnh Fukushima, nơi từng xảy ra thảm hoạ kép động đất và sóng thần năm 2011, cũng là quê hương của bố nuôi
Dù Nhân đi đâu, cũng có ba má dõi theo. Anh cảm nhận được có gia đình nơi xứ người hạnh phúc đến nhường nào
Năm 2020, Nhân được đón Tết bên người thân ở Việt Nam. Buồn cái là về nhà lần nào ba má cũng không đón thằng út. Mở cửa vào nhà ba má vẫn ngồi đó, vẫn nở nụ cười thật tươi y chang như vậy suốt hơn 15 năm qua. "Thiệt tình con có chút buồn đó chứ không phải không đâu, nhưng con tin ba má vẫn ở đó, vẫn đợi ngày thằng út thành công quay trở về, đúng không ạ".
Năm nay, dự định đó sẽ phải khép lại, bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. "Có chút buồn, nhưng đợi mọi thứ ổn định lại, dịch bệnh được đẩy lùi, mình sẽ về nhà thăm gia đình, bạn bè", Nhân nói. Lúc còn đi học, ở trường có tổ chức Tết Âm lịch cho các bạn du học sinh. Nhưng khi đi làm, sống một mình, anh xem Tết như những ngày bình thường.
"Không được ở bên gia đình ngày Tết chắc chắn rất buồn, mà có lẽ người buồn nhất là mấy bà chị vì năm nào cũng trông thằng út về đón Tết", Nhân kể.
Tết 2021, Nhân vẫn đi làm. Anh dự tính, ngoài giờ lên công ty, sẽ về nhà nấu cho mình một bữa ăn thật ngon và gọi điện về cho gia đình.
6 năm ở Nhật, cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, có đôi lần muốn buông bỏ tất cả, nhưng Lê Đức Nhân vẫn kiên định với lý tưởng và cảm hứng sống tích cực của mình!
6 năm ở Nhật, cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là nỗi cô đơn, đối với anh, hay bất kỳ người con xa xứ nào. Nhiều lúc anh muốn buông bỏ tất cả để về bên gia đình, nhưng sau nghĩ lại, thì bản thân luôn tự nhủ phải cố gắng hơn nữa.
"Một khi đã lựa chọn thì nhất định không được bỏ cuộc giữa chừng", Nhân nói. Hơn nữa, bản thân phải thành công để sau này anh có thể giúp được những mảnh đời khó khăn khác, như anh đã từng được người khác giúp đỡ. Đó là động lực để anh vượt qua tất cả.
Quan điểm sống của Nhân gói gọn trong 4 chữ: tâm, tầm, tài, tình. Anh muốn sống bằng cả trái tim, luôn đặt cho mình những mục tiêu và cố gắng nhìn xa hơn mỗi ngày, không ngừng trau dồi những kĩ năng cũng như kiến thức. Đặc biệt là luôn yêu thương mọi thứ xung quanh.
Trong tương lai, Nhân dự định sẽ về Việt Nam lập nghiệp, cụ thể là khởi nghiệp mảng nhà hàng khách sạn, homestay cũng như đưa phong cách ẩm thực của anh đến gần hơn với mọi người.
Đó cũng là ngành nghề anh đang làm tại Nhật Bản. Anh mong muốn mang những kiến thức cũng như kĩ năng học được ở Nhật về áp dụng và phát triển tại Việt Nam.