Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công

Đặng Thuỷ | 02-06-2022 - 21:03 PM

(Tổ Quốc) - Ra trường làm kỹ sư với mức thu nhập cao, nhưng sau một thời gian anh Nguyễn Văn Phương lại chọn về quê để làm nông dân. Mô hình nuôi chim công đã mang lại mức thu nhập cao cho gia đình anh.

Bỏ kỹ sư, bỏ nhà đi để được làm... nông dân

Sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội, anh Nguyễn Văn Phương (xã An Lâm, huyện Nam Sách, Hải Dương) được nhận công tác tại Xí nghiệp địa chất mỏ Đông Bắc với mức thu nhập cao.

Tuy nhiên sau một thời gian công tác, anh nhận thấy công việc không phù hợp với bản thân. Một suy nghĩ táo tợn nảy ra trong đầu anh là bỏ công việc hiện tại để về quê làm… nông dân.

Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công - Ảnh 1.

Trại nuôi chim công của anh Phương là một trong số ít những mô hình tại Việt Nam từ 2015

"Thời điểm đó, gia đình tôi phản đối rất gắt gao. Bởi bao công sức tiền bạc bố mẹ nuôi ăn học, xin được công việc ổn định rồi mà tôi lại bỏ dở để về quê. Nhưng tôi đã hạ quyết tâm", anh Phương kể lại và cho biết, để thể hiện quyết tâm với gia đình, thậm chí anh còn bỏ nhà đi 3 tháng.

Người ta thường nói "trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời", cuối cùng gia đình cũng đành miễn cưỡng đồng ý để anh Phương theo đuổi đam mê mới.

Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công - Ảnh 2.

Loài công má vàng có giá trị kinh tế cao nhất hiện nay, chim non có giá từ 3,5-4 triệu đồng/con, chim bố mẹ có thể lên tới 40-50 triệu/con

Sau nhiều lần thử nghiệm với nhiều giống vật nuôi hoang dã, cuối cùng anh Phương quyết định lựa chọn chim công là hướng phát triển.

Anh chia sẻ, thời điểm đó người nuôi chim công ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa chim công là loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, do đó anh phải lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm mua chim giống.

Thời điểm quyết định làm nông dân cũng là lúc bố anh Phương lâm bệnh nặng, số tiền còn lại đều phải dồn vào chạy chữa. Do vậy, với số vốn ít ỏi cộng thêm vay mượn, anh chỉ đủ mua một cặp chim giống về nuôi.

Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công - Ảnh 3.

Chim công má vàng đặc trưng với 2 má (2 tai có màu vàng) và bộ lông sặc sỡ nhiều màu

Với quyết tâm khởi nghiệp, anh dồn hết tâm huyết vào cặp chim giống đầu tiên. Sau một thời gian, những lứa chim con đầu tiên đã được ấp nở thành công.

"Sau khi chim nở, tôi đăng lên trang Facebook cá nhân và có rất nhiều người hỏi mua. Chim ấp nở ra không có mà bán. Lúc này gia đình mới phần nào yên tâm về quyết định của tôi", anh Phương kể lại.

Tiếp đó, anh Phương quyết định vay vốn ngân hàng với tổng số tiền gần 400 triệu đồng để mua thêm chim giống và xây thêm chuồng trại. Sau 7 năm phát triển, hiện anh có cơ ngơi khoảng 4.000m2 chuồng với hàng chục chim mái sinh sản.

Đến nay mô hình đã mang lại thu nhập rất cao cho gia đình, ngoài trả hết nợ, anh Phương còn xây dựng được nhà cửa khang trang, có của ăn của để.

Chỉ cần 1 - 2 lao động là quản lý được cả trang trại

Theo giá bán tại trang trại của anh Phương, hiện giá chim công giống (đạt một tháng tuổi, đã được tiêm vắc-xin) đắt nhất là công má vàng với giá 3,5 triệu đồng/con, chim công trắng có giá 2,5 triệu đồng/con và chim công xanh có giá 1 triệu đồng/con. Với quy mô hiện tại mỗi năm anh thu lãi khoảng 300-500 triệu đồng.

Anh Phương cho hay, việc nuôi chim công cũng không quá phức tạp nếu người nuôi nắm được những quy trình nhất định.

Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công - Ảnh 4.

Công việc thường ngày của anh Phương khá nhẹ nhàng khi cho chim ăn ngày 2 bữa và dọn dẹp chuồng trại

Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công - Ảnh 5.

Nền chuồng được phủ thêm lớp cát giúp việc vệ sinh được dễ dàngp

Hiện nay vẫn chưa có thuốc chuyên trị với loài công, do vậy khi chim bị bệnh thì đều dùng thuốc của gà để chữa.

Tuy nhiên, loài công có sức đề kháng tự nhiên tốt nên việc chữa trị cũng dễ dàng. Đến khi chim đạt 1 năm tuổi thì sức đề kháng tự nhiên rất cao, lúc này chim công gần như sẽ không còn mắc bệnh nữa.

Cùng họ với gà, nhưng chim công sinh sản theo mùa, từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch và đẻ cách nhật (tức 2 ngày đẻ 1 trứng). Thời gian đẻ trứng sẽ vào buổi chiều, nên người nuôi cần chú ý thu gom trứng cho máy ấp hoặc gà ấp.

Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công - Ảnh 6.

Thức ăn với chim công rất đơn giản gồm các ngũ cốc như thức ăn gà. Bên cạnh đó, anh Phương cho ăn thêm rau, giá đỗ và bổ sung một chút thị bò vào mùa sinh sản.

Anh Phương cho biết, chim công cần diện tích lớn về chuồng trại, trung bình 1 chuồng rộng chừng 20m2 sẽ ghép 1 chim trống với 3 chim mái sinh sản. Nhưng bù lại, việc chăm sóc loài chim này không tốn nhiều nhân công.

"Hàng ngày chỉ cần vợ chồng tôi chăm sóc là đủ. Chim được cho ăn, uống và dọn dẹp chuồng trại vào buổi sáng và chiều. Với chim công non sẽ cho gà chăm sóc vì chim công non rất giống gà con", anh Phương bật mí.

Bên cạnh đó, anh Phương khuyến cáo, chim công là loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam nên trước khi có ý định nuôi, người mua phải tìm hiểu mua giống tại các cơ sở được Chi cục kiểm lâm tỉnh cấp phép, việc nuôi dưỡng cũng phải đăng ký để tránh vi phạm pháp luật.

Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công - Ảnh 7.

Theo anh Phương, chuồng trại cho công khá tốn diện tích. Lưu ý là bên trong chuồng, người nuôi cần gác thêm các cây, sào vì chim có tập tính đậu lên đó để ngủ

Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công - Ảnh 8.

Chim công trắng Ấn Độ giống có giá 1 triệu đồng/con, đối với chim bố mẹ có giá khoảng 10 triệu đồng/con

Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công - Ảnh 9.

Bên cạnh các loài đặc hữu, anh Phương còn ghép đôi cho lai tạo ra các loài công mới

Chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, bỏ việc kỹ sư để về quê nuôi chim công - Ảnh 10.

"Nuôi chim công không vất vả, phù hợp với cả người nuôi chơi và nuôi trang trại kinh doanh", anh Phương nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.