Chàng trai bỏ Nhật Bản về quê nuôi dế, xoay sở với 10 triệu đến ngày doanh thu khởi sắc

Huyền Trang/ Thiết kế: Minh Trang | 01-09-2022 - 10:00 AM

(Tổ Quốc) - Bị gia đình phản đối, gặp khó khăn khi kinh doanh,... Đình Luân đã trải qua tất cả mới có được ngày hôm nay.

"Ăn học 7 - 8 năm trời rồi đi đây đó, giờ lại về làm nông à?" đó là phản ứng của bố mẹ Đặng Đình Luân (29 tuổi, Đắk Lắk) khi biết con trai quyết định mở trang trại nuôi dế.

Hai năm rưỡi trôi qua kể từ ngày đó, Luân hiện tại đã thành ông chủ trẻ của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm về dế và 1 số loài vật khác như châu chấu, nhái, lươn,...

Tất nhiên ngoài áp lực từ gia đình, chặng đường mà Đình Luân đã trải qua không hề dễ dàng, thậm chí phải đối mặt với nhiều khó khăn khác.

Từ bỏ "giấc mơ" Nhật Bản, chàng trai thành ông chủ trang trại dế và bài học cho người muốn bỏ phố về quê - Ảnh 1.

Đặng Đình Luân

Đi Nhật rồi lại về nuôi dế

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp 1 trường cao đẳng cơ khí, Đình Luân sang Nhật Bản làm việc. Ở đất nước mặt trời mọc, chàng trai có công việc với mức lương khá cao và cuộc sống ổn định. Thậm chí, Luân còn có kế hoạch sẽ ở lại Nhật Bản lâu dài nên đã tính đến chuyện định cư.

Cuối năm 2019, anh chàng về Việt Nam thăm gia đình và định sẽ quay lại Nhật Bản vào đầu năm 2020. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh lúc đó khiến Luân không thể xuất cảnh được nên anh phải ở nhà.

"Trong thời gian rảnh rỗi, mình nuôi con này con kia, rồi tình cờ được bạn giới thiệu nuôi dế. Sau khi tìm hiểu, mình thấy tiềm năng to lớn từ loại vật nuôi này. Mình nghiền ngẫm các loại tài liệu trong và ngoài nước rồi cuối cùng quyết định bắt tay vào làm thử. Ai ngờ thử rồi thành thật, mọi thứ cuốn mình đi cho đến bây giờ" - Đình Luân cho biết.

Từ bỏ "giấc mơ" Nhật Bản, chàng trai thành ông chủ trang trại dế và bài học cho người muốn bỏ phố về quê - Ảnh 2.

Dế là mặt hàng chủ lực ở công ty Luân

Thực tế "máu" kinh doanh nông nghiệp của Luân có từ khá lâu. Từ năm 20 tuổi - khi đang học cao đẳng, anh chàng đã có lần bỏ học về nhà xin bố mẹ mở trang trại nhưng không được nên phải quay lại đi học. Lần này gia đình Luân cũng phản đối khá dữ dội. Để trấn an bố mẹ, anh chàng nói rằng sẽ đi học một ngành khác về kinh tế, cụ thể là Digital Marketing (Tiếp thị trực tuyến/ Tiếp thị kỹ thuật số) vì không thích cơ khí nữa còn nuôi dế chơi chơi thôi.

"Mẹ mình luôn ủng hộ con cái học hành để tăng giá trị của bản thân nên đồng ý. Vậy là mình vừa đi học vừa cùng với 1 người em trong lớp thuê 1 dãy trọ 5 phòng. Hai anh em cứ sáng đi học, chiều về chăm dế, tối xào dế và làm dế sấy để bán" - Đình Luân kể lại những ngày đầu tiên nuôi dế. Sau đó, khi Luân được xuất hiện trên bản tin của Đài Truyền hình Đắk Lắk thì gia đình mới bắt đầu chấp nhận và ủng hộ con trai. 

Công ty có lúc chỉ còn 10 triệu, trái ngọt không đến dễ dàng

Công ty của Luân chính thức được thành lập vào tháng 5/2020 với số vốn chủ ban đầu là 60 triệu đồng. Sau 2,5 năm, quy mô đã được chia làm 2 khối: khối sản xuất và văn phòng đặt ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với hơn 10 nhân công, khối trang trại với gần 150 chuồng nuôi đặt cả trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk. Ông chủ trẻ cho biết doanh thu hiện tại của doanh nghiệp dao động từ 400 - 500 triệu/ tháng, số đơn hàng lên đến 1000 đơn/ ngày.

Dế được nuôi trong chuồng khung sắt bọc nylon

Cận cảnh những chú dế ở trang trại

Trước khi ổn định như hiện tại, Luân cũng phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn, nhất là giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh trên cả nước (khoảng tháng 7 - 10/2021): "Ở thời điểm đó, việc vận chuyển hàng hóa gần như ngưng trệ, cả kho dế không bán đi đâu được, trong khi trại dế thì vẫn phải trả chi phí vận hành. Hồi đó có lúc tiền mặt của công ty chỉ còn 10 triệu. Đó là giai đoạn mình thấy đáng sợ nhất nhưng vẫn luôn động viên mọi người cố gắng vượt qua. Và bọn mình đã vượt qua được thật".

Bản thân Đình Luân cũng phải đứng trước những lựa chọn, đắn đo. Cuối năm 2020, khi các sản phẩm bắt đầu được thương mại hóa thì anh chàng được công ty cũ bên Nhật Bản đề nghị quay lại làm việc. "Sau 1 ngày suy nghĩ, mình đã quyết định ở lại Việt Nam. Nhật Bản đã từng là giấc mơ của mình nhưng hiện tại, những thứ mình đang làm mới là tương lai đáng để đánh đổi" - Luân nói.

Dế được sấy và đóng gói

Từ bỏ "giấc mơ" Nhật Bản, chàng trai thành ông chủ trang trại dế và bài học cho người muốn bỏ phố về quê - Ảnh 6.

Món dế sấy cay giòn

Ngoài việc kinh doanh, ông chủ trẻ cũng sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của mọi người liên quan đến việc kinh doanh như cách nuôi dế, đầu ra, chi phí ban đầu,... trên các nền tảng MXH. Thậm chí anh còn chia sẻ tài liệu nuôi dế miễn phí, tận tình trả lời từng bình luận, tin nhắn của mọi người. Trước câu hỏi "Không sợ bị cạnh tranh hay sao?", Đình Luân tâm sự:

"Bản chất của kinh doanh là phải tạo ra lợi nhuận nên ai cũng sợ bị cạnh tranh. Nhưng mình đã có kế hoạch riêng cho doanh nghiệp của mình để tránh chuyện này. Thật ra mọi tài liệu đều có trên mạng, mình chỉ tìm tòi, cóp nhặt và tổng hợp lại để chia sẻ với mọi người thôi. Mình muốn giúp bà con và những người trẻ có tư duy khác về cách làm nông nghiệp, thúc đẩy mảng chăn nuôi dế nói riêng và nền nông nghiệp truyền thống nói chung cùng phát triển. Đó là mong muốn lớn nhất của mình".

Từ bỏ "giấc mơ" Nhật Bản, chàng trai thành ông chủ trang trại dế và bài học cho người muốn bỏ phố về quê - Ảnh 7.

Luân luôn tận tình giải đáp thắc mắc của mọi người

Nếu không có kế hoạch chi tiết, đừng bỏ phố về quê

Với bản thân Đình Luân, việc dấn thân vào con đường về quê lập nghiệp có cả được lẫn mất. Anh được nhiều người tôn trọng, cảm thấy bản thân là người có giá trị với xã hội và quan trọng là được sống với đam mê, "ĐƯỢC làm việc chứ không phải là PHẢI làm việc". Nhưng ngược lại, anh chàng mất đi nhiều thời gian cho chính bản thân, gia đình và bạn bè vì ngày nào cũng đi làm sớm, về nhà muộn. Vì vậy Luân luôn hy vọng rằng 1 - 2 năm nữa, khi việc kinh doanh ổn định hơn thì có thể buông bớt công việc.

Chuẩn bị làm 1 chuồng dế mới

Không riêng Đình Luân mà nhiều người trẻ cũng chọn bỏ phố về quê sinh sống, lập nghiệp trong những năm gần đây. Chia sẻ về hiện tượng này, anh chàng nói: "Mình nghĩ người trẻ vẫn nên có những trải nghiệm ở thành phố trước. Đó là nơi tập trung nhiều người giỏi, nhiều cơ hội làm việc cho các công ty khác nhau để phát triển bản thân. Chỉ đến khi các bạn thực sự có 1 kế hoạch chi tiết cho việc trở về quê hương để làm giàu cho bản thân, cho cộng đồng thì hãy về; còn ngược lại sẽ rất lãng phí tuổi trẻ".

Từ kinh nghiệm cá nhân, ông chủ trẻ cũng có những lời khuyên cho những người đang ấp ủ kế hoạch về quê lập nghiệp: "Phải có 1 kế hoạch chi tiết cho việc trở về, phải xác định mục tiêu cốt lõi dự án mình muốn triển khai và kiên trì theo đuổi, không ngừng tự học hỏi và trau dồi thêm kiến thức về chuyên môn lĩnh vực mà mình làm. 

Và điều quan trọng cuối cùng là hãy tìm cho mình những người đồng hành bền gan vững chí để cùng chia sẻ những khó khăn và thử thách trong quá trình khởi nghiệp. Chỉ 1 cá nhân đơn lẻ dù giỏi đến mấy bạn cũng sẽ không bao giờ tiến xa được, vậy nên hãy luôn cố gắng tìm cho mình những người cộng sự trung thành"

Ảnh: NVCC

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Bạn sẽ làm gì ở hiện tại để tương lai gửi lời cảm ơn?

Bạn có biết, thời điểm lý tưởng để hiện thực hóa ước mơ và hoài bão trong tương lai chính là ngay lúc này, không phải ngày mai, không phải khi "mọi thứ hoàn hảo". Vì thực tế, không có thời điểm nào hoàn hảo hơn hiện tại để bạn bắt đầu. Việc chủ động phòng ngừa HPV cũng như thế!