Nhiều trường hợp suy thận, mù mắt vì ăn đồ thừa để qua đêm
Thời gian gần đây, câu chuyện về một anh chàng 31 tuổi, sống tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc bị mù và liệt do ăn rau qua đêm đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng nước này. Theo tờ Fuzhou News, bệnh nhân trên tên là Zeng Chun, từng là một phóng viên. Cách đây 3 năm, anh này từng phải nằm phòng cấp cứu gần một tháng do suy thận sau khi ăn thức ăn thừa qua đêm.
Zeng Chun kể lại rằng khi anh tỉnh dậy thấy cơ thể mình chằng chịt những mũi tiêm. Sau đó, anh bị mù và liệt, chỉ có một mình mẹ già chăm sóc. Câu chuyện của Zeng Chun khiến không ít người cảm thấy tiếc nuối.
Zeng Chun kể về câu chuyện của mình và khiến cư dân mạng Trung Quốc vô cùng thương xót.
Thực ra, Zeng Chun không phải là trường hợp đầu tiên phải nhập viện cấp cứu vì ăn đồ thừa qua đêm. Đầu tháng 7 vừa rồi, truyền thông Trung Quốc cũng đồng loạt đưa tin về trường hợp ông Lưu (65 tuổi, sống tại thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc), cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân thuộc Đại học Vũ Hán sau khi ăn hải sản để qua đêm. Theo bác sĩ Lương Ngụy công tác tại bệnh viện: Bệnh nhân Lưu bị tiêu chảy, sau đó mất nước và thiếu máu cục bộ, cuối cùng gây ra suy thận cấp.
Bác sĩ Lương Ngụy cho rằng, đồ ăn thừa qua một đêm dễ biến chất và sản sinh nitrite... Chất này có thể chuyển đổi thành nitrosamine và gây ung thư. Nếu chúng ta ăn số lượng ít thì độc tố chỉ đủ để gây ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm nếu không được cấp cứu kịp thời cũng có thể gây hại cho thận và đe dọa cả tính mạng của bạn. Ngoài nitrite, đồ ăn qua đêm còn bị mất chất dinh dưỡng và chứa nhiều vi khuẩn hơn.
4 món ăn để qua đêm siêu nguy hiểm, tốt nhất nên ném bỏ
1. Rau xanh để qua đêm là thứ nguy hiểm nhất
Lượng nitrat lớn trong rau xanh sẽ tạo ra nhiều nitrite hơn sau một đêm bảo quản. Lượng nitrite này không thể loại bỏ được bằng cách đun nóng.
Tốt nhất bạn nên ăn rau xanh trong vòng 4 giờ sau khi chế biến, nhất là vào mùa hè. Đặc biệt rau bina và cần tây có hàm lượng nitrat tương đối cao. Sau khi đun nóng lại, nó dễ dàng chuyển hóa thành nitrite.
2. Món hải sản để qua đêm sẽ hại gan thận
Cua, cá, tôm và các loại hải sản đã chế biến khác sẽ tạo ra các sản phẩm phân giải protein trong một đêm, có thể làm hỏng các chức năng của gan và thận. Nếu mua quá nhiều, bạn có thể gói hải sản sống vào túi giữ nhiệt hoặc hộp giữ tươi và cho vào tủ lạnh để hôm sau chế biến. Tuyệt đối không ăn hải sản để qua đêm.
3. Trứng luộc lòng đào
Trứng không được nấu chín kỹ có thể chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như salmonella. Sau một đêm, vi khuẩn sẽ sinh sôi dữ dội. Tuy nhiên, nếu trứng được nấu chín kỹ và giữ ở nhiệt độ thấp, trong trạng thái kín, bạn vẫn có thể bảo quản chúng đến hôm sau.
4. Món canh cất trong bát, hộp kim loại
Nếu bạn để canh còn thừa trong nồi nhôm, nồi sắt, một số chất có thể sẽ bị kết tủa và có hại sức khỏe nếu ăn phải. Nếu muốn bảo quản, cách tốt nhất là không cho bất kỳ gia vị nào như muối vào canh. Dùng thìa sạch để múc canh. Còn nếu đã nấu mà không sử dụng hết, tốt nhất bạn nên cất chúng trong nồi đất hoặc trong tủ lạnh.
Vậy chúng ta nên xử lý như thế nào với đồ ăn thừa?
Trong khuyến cáo "5 điều về an toàn thực phẩm" của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó điểm thứ tư "Duy trì nhiệt độ thực phẩm an toàn" cho thấy: Thức ăn đã nấu chín không nên để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ, cần bảo quản kịp thời (tốt nhất là dưới 5 độ C), không để trong tủ lạnh quá 3 ngày, thức ăn thừa không nên hâm nóng quá một lần.
Có một số loại thực phẩm vẫn có thể ăn được nếu bảo quản đúng cách. Tuy nhiên trước khi bảo quản bạn cần nhớ:
- Để đồ nguội trước khi cất vào tủ
Thức ăn đang nóng mà được đưa vào môi trường nhiệt độ thấp như tủ lạnh, sức nóng của thức ăn sẽ khiến hơi nước ngưng tụ lại, thúc đẩy nấm mốc phát triển dẫn đến thức ăn bị hỏng. Tuy nhiên, bạn cũng không nên để đồ ăn thật nguội rồi mới cho vào tủ lạnh vì thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu bên ngoài.
- Lưu trữ thức ăn thừa khác nhau riêng biệt
Để tránh lây nhiễm chéo do vi khuẩn, đồ ăn thừa cũng cần được bảo quản trong hộp đựng sạch sẽ. Mỗi loại cần được để trong một hộp riêng.
- Thời gian bảo quản không được quá lâu
Tốt nhất nên ăn trong vòng 5-6 giờ, nếu để thức ăn quá lâu sẽ sinh ra nitrite và aflatoxin, việc đun nóng sẽ không có tác dụng.
- Trước khi ăn cần đun kỹ
Ngoài cách bảo quản hợp lý, đun sôi cũng là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe. Sau khi bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh, bạn cần làm nóng toàn bộ món ăn đến 100 độ C và giữ sôi trong hơn 3 phút.
- Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên
Tủ lạnh của nhiều hộ gia đình không được vệ sinh thường xuyên khiến cho các loại vi khuẩn (đặc biệt là E. coli) sẽ sinh sôi trong môi trường lạnh và ẩm ướt. Vi khuẩn sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa và gây ra bệnh dạ dày. Vì vậy, cứ 3 tháng các gia đình lại nên vệ sinh tủ lạnh một lần.
(Nguồn: QQ, Sohu)