Thử nhìn những đồng nghiệp ở chốn công sở của chúng ta mà xem, chắc chắn sẽ luôn có các nam thanh nữ tú thế này: Một ngày đi làm thì 2-3 lượt xuống nhận đồ ship, trưa nào cũng đau đáu với câu hỏi "ăn gì bây giờ nhỉ?", tới lúc tan sở lại nháo nhác “thôi xong rồi mãi chưa có xế nào nhận cuốc”.
Người khác nhìn vào dễ nghĩ "tụi trẻ này chắc kiếm chác cũng khá lắm, suốt ngày mua hàng online, chẳng bao giờ thấy mang cơm đi làm, người yêu không có mà ngày 2 lượt xe đưa xe đón”,...
Nghĩ thế nào vẫn thấy “tụi trẻ này” tiêu hoang thật đấy! Nhưng mà chắc chưa?
Ngoài việc đều là dân công sở và đều độc thân, Minh Bùi (24 tuổi) và Hằng Trần (25 tuổi) còn có một điểm chung khác: Không bao giờ mang cơm đi làm.
Ngày nào cũng đặt ít nhất 1 đơn đồ ăn, lại luôn trung thành với 1 ứng dụng giao đồ ăn duy nhất, Minh Bùi cho biết trung bình 1 bữa trưa của bạn chỉ rơi vào khoảng 55.000đ - 60.000đ sau khi áp mã giảm giá. So với giá gốc của món ăn, số tiền mà Minh Bùi phải thanh toán thậm chí còn thấp hơn và hiếm khi nào tốn phí giao hàng.
"Mình chỉ đặt đồ ăn trưa qua Grab thôi, thói quen từ ngày xưa rồi chứ cũng không có gì đặc biệt. Mà trung thành với 1 ứng dụng đặt đồ ăn thì hình như áp được nhiều mã giảm giá hơn. Một lần đặt áp được tới 2-3 mã giảm giá, tính ra không mất tiền ship, giá món ăn còn rẻ hơn cả giá niêm yết. Tiền ăn trưa ở văn phòng của mình rơi vào khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, mình thấy ổn. Đồ ăn được “dâng” tận miệng, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu" - Minh Bùi chia sẻ.
Cũng không mang cơm đi làm nhưng Hằng Trần lại không thường xuyên đặt đồ ăn về văn phòng, mà sẽ rủ đồng nghiệp ra ngoài đi ăn.
"Mình có hội chị em thân ở công ty nên thường dắt díu nhau đi ăn những ngày trời đẹp. Nếu không, chúng mình cùng đặt đơn theo nhóm bởi đơn hàng giá trị càng cao, càng áp được nhiều mã giảm giá. Cuối tháng chờ lương thì chọn danh mục Grab Ngon Rẻ, kết hợp đặt đơn nhóm để được áp thêm mã giảm giá, mà còn freeship, rất tiện, rất vui luôn ấy. Và quan trọng nhất là tiết kiệm, không hề đắt hơn tự nấu" - Hằng Trần kể.
Tổng số tiền mà Hằng Trần chi cho riêng bữa trưa trong những ngày đi làm rơi vào khoảng 1,1 triệu đồng/tháng. Tính ra, một bữa trưa của Hằng Trần chỉ tốn khoảng 50.000đ.
Chia sẻ về lý do chẳng chịu vào bếp, Hằng Trần và Minh Bùi đều có chung một câu trả lời: Đã từng thử nấu cơm mang đi làm rồi mới nhận ra như vậy còn tốn kém hơn cả đặt đồ ăn qua app.
“Mình không thể dậy sớm buổi sáng mà nấu cơm mang đi làm được nên thường thì mình sẽ nấu từ tối hôm trước, sáng hôm sau có đồ ăn mang đi luôn. Vậy nghĩa là bữa tối hôm trước và bữa trưa hôm sau của mình sẽ giống nhau, 1-2 hôm thì không sao nhưng ngày nào cũng thế mình thấy chán lắm.
Hơn nữa, mỗi bữa mình ăn cũng ít. Nấu ít thì không bõ công, nấu nhiều thì thành ra phải ăn lại đồ cũ. Kể cả việc mua thịt, mua rau cũng thế. 1 khay thịt 400gr, 1 túi rau 500gr, mình ăn 3 ngày chưa hết. Đồ tươi cũng thành đồ không tươi, nhiều khi rau để trong tủ lạnh còn héo nhũn cả ra, lại phải bỏ đi.
Ban đầu mình cũng nghĩ tự nấu sẽ tiết kiệm hơn ăn ở ngoài nhưng sau 1 tuần thử nghiệm, mình thấy cũng chẳng rẻ hơn đâu. Thậm chí còn tốn kém và lãng phí nữa, chắc do mình sống một mình!" - Hằng Trần giải thích.
Còn chàng trai Minh Bùi - Người từ bỏ việc vào bếp sau 3 ngày thử nghiệm cho biết: “Mình nhận ra mình nấu ăn tệ lắm, tự nấu tự ăn không khác nào hành hạ bản thân. Chưa kể muốn tự nấu thì phải đi chợ, đi siêu thị mua nguyên liệu.
Với mình, tất cả những đầu mục ấy tốn thời gian một cách vô nghĩa. Đặt đồ ăn chỉ cần 3-4 phút là xong; còn nấu nướng, với mình, ít nhất cũng phải 30-45 phút. Mình vừa làm việc văn phòng từ 9h sáng đến 5h chiều, vừa xây kênh cá nhân riêng và cũng muốn đầu tư cho kênh nữa. Thế nên thời gian dùng để đi chợ nấu nướng, mình nghĩ dành để làm việc sẽ hiệu quả hơn" - Minh Bùi khẳng định chắc nịch.
Trưa nào cũng mang cơm đi làm, nhưng Phương Thảo (26 tuổi) vẫn luôn bị đồng nghiệp trêu đùa là “người giàu ẩn thân”, bởi phương tiện di chuyển chính của Phương Thảo là… xe công nghệ.
Suốt 26 năm cuộc đời, Thảo chưa từng một lần cầm lái, cả “2 bánh” lẫn “4 bánh”. Câu cửa miệng của cô bạn này luôn là “Grab đi bạn ơi”.
Khi được hỏi tại sao không tính đến chuyện mua xe để đỡ chi phí đặt xe công nghệ, Phương Thảo vừa cười vừa kể: "Mình đủ tiền để di chuyển 100% bằng xe công nghệ nhưng không đủ tiền mua xe. Hơn nữa, mình thấy việc đi lại bằng xe công nghệ cũng không quá đắt, lại còn tiện nữa, có tắc đường cũng đỡ mệt, nên đến giờ vẫn chưa đủ động lực để mua xe máy.
Chỗ mình ở bây giờ chỉ cách công ty khoảng 1,5km nên thực ra tiền book xe cũng rẻ, khoảng 15.000-17.000đ/cuốc xe máy. Hôm nào mưa thì mình đặt ô tô, đắt hơn chút nhưng cũng chỉ khoảng 30.000-35.000đ thôi".
Trung bình 1 tháng, Phương Thảo chi khoảng 1-1,2 triệu đồng cho việc di chuyển bằng xe công nghệ.
Cô bạn này quan niệm rằng tiết kiệm không phải là giảm chi rồi chịu khổ. Thế là tiêu tiền không thông minh rồi!
“Cái mình nhận được xứng đáng với số tiền mình bỏ ra là được. Ví dụ như việc mình di chuyển 100% bằng Grab, cái mình nhận được là tâm trạng mình không bị ảnh hưởng bởi việc tắc đường, cũng đỡ phải tập trung nếu như tự mình lái xe"
Phương Thảo chia sẻ và còn đùa rằng chắc sẽ gắn bó với “các anh Grab” mãi mãi.
“Mình hay đặt GrabBike Tiết kiệm hoặc GrabCar Tiết kiệm, dịch vụ cũng tương tự như GrabBike, GrabCar thông thường thôi, nhưng giá rẻ hơn nhiều phết đấy. Với người di chuyển 100% bằng xe công nghệ như mình thì mình hay săn mã giảm giá lắm, cứ có thông báo mới trên app là mình check cho bằng hết. Phải thế mới dám đủng đỉnh đặt xe ngày 3-4 cuốc cả đi làm lẫn đi ăn đi chơi chứ” - Phương Thảo kể.
Là thế hệ năng động, có khát khao kiếm tiền và làm giàu, nhiều bạn trẻ dù mới đôi mươi nhưng đã làm 2-3 công việc một lúc, thu nhập cũng chẳng thua kém các anh chị đã có thâm niên đi làm.
Để làm được nhiều việc một lúc, hay nói rộng ra là thành công đa dạng hóa nguồn thu nhập, đương nhiên họ phải biết chọn những phương án tối ưu thời gian và sức lực nhất, vì một ngày chỉ có 24 tiếng thôi mà.
Cả Minh Bùi, Hằng Trần và Phương Thảo - 3 bạn trẻ mà chúng tôi có cơ hội trò chuyện đều đang có 1 công việc full-time và ít nhất 1 công việc tay trái. Với Minh Bùi, đó là xây kênh TikTok. Còn Hằng Trần và Phương Thảo đang kinh doanh online.
Lao động hăng say, cũng khá xông xênh trong việc chi tiền để mua sự thuận tiện cho bản thân, nhiều người khá thắc mắc cách các bạn tiết kiệm hoặc quản lý chi tiêu. Mỗi người lại có một câu trả lời khác với câu hỏi này.
Đây là câu trả lời của Phương Thảo - Cô bạn không thể sống thiếu xe công nghệ.
“Tất cả các cuốc xe mình đặt, mình đều thanh toán bằng thẻ tín dụng. Mình mở loại thẻ có ưu đãi hoàn tiền cho việc đặt đồ ăn hoặc đặt xe công nghệ, cuối tháng cũng được hoàn khoảng 150.000đ đấy. Mình dùng thẻ tín dụng chủ yếu để phục vụ mục đích thanh toán việc đặt xe, tháng nào cũng thanh toán dư nợ đầy đủ và đúng hạn, nên chẳng lo bị tính lãi”.
Phương Thảo hồ hởi khoe. Ngoài ra, cô bạn này cũng cho biết ngay khi nhận lương, sẽ trích 30% gửi tiết kiệm và chỉ chi tiêu phần còn lại.
Nhận lương, chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm và chi tiêu số còn lại là cách quản lý chi tiêu của nhiều người. Trong đó, có Minh Bùi.
“Mình là con trai, cũng không có nhu cầu mua sắm gì nhiều ngoài việc ăn uống. Trung bình mỗi tháng mình tốn khoảng 4,5 triệu đồng tiền ăn bao gồm cả tiền đặt đồ ăn qua app lẫn đi ăn hàng với bạn bè. Cứ nhận lương là mình chuyển ngay 4,5 triệu đồng vào một thẻ ATM đã liên kết với ứng dụng, để thanh toán hóa đơn đặt đồ ăn.
Mình chỉ giữ 1,5 triệu đồng trong tài khoản nhận lương để đổ xăng, thi thoảng mua chai sữa rửa mặt hoặc quần áo. Còn lại mình gửi tiết kiệm hết” - Minh Bùi bộc bạch.
Đây là cách kiểm soát “cơn nghiện shopping online” của Hằng Trần.
“Sau 2 tháng ghi chép lại toàn bộ các khoản chi, mình nhận ra khoản tốn nhất không phải là tiền đặt đồ ăn, mà là tiền mua sắm online cơ. Tiền ăn một tháng chưa tới 3,5 triệu nhưng tiền shopping online đã tới 7-8 triệu rồi. Nhận ra điều đó nên nhận lương xong, mình chỉ giữ lại tiền ăn, tiền nhà và 2,5 triệu tiền chi tiêu cá nhân. Còn lại, mình mua vàng, vàng có đắt mình cũng vẫn mua 2 hoặc 5 phân, vì mục đích của mình là chuyển tiền mặt sang vàng để mình không tiêu linh tinh nữa” - Hằng Trần khẳng định.
Gen Z tiêu xài hoang phí, chẳng biết tiết kiệm chỉ là bề nổi. Những chia sẻ của Minh Bùi, Hằng Trần và Phương Thảo đã chứng minh điều ngược lại: Họ sẵn sàng chi tiền triệu mỗi tháng để mua những bữa ăn ngon, đủ chất mà không tốn công vào bếp; cũng chẳng ngại dành 5-10% thu nhập để có người đưa đi làm, đón đi chơi; nhưng đồng thời, họ cũng biết gửi tiết kiệm, biết mua vàng tích sản.
Vậy mới nói Gen Z không phung phí, họ chỉ đang tiết kiệm theo cách của riêng mình.