Khi phát hiện ra các đặc sắc giới trong văn phòng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM trong khung giờ "1 Tiếng 30 Phút Nghỉ Trưa", chúng tôi tự hỏi những hay ho này du nhập vào môi trường công sở từ lối sống người Việt hàng ngày hay dân "ngồi bàn giấy" ở quốc gia nào cũng vậy?
Để trả lời thắc mắc, chúng tôi tìm được nhân vật khá lý tưởng - anh Tăng Kim Thành, một dân văn phòng tại Singapore vừa trở về Việt Nam sống và làm việc. Anh ngoài làm "công sở" thì còn là một Tiktoker chính hiệu khi sản xuất rất nhiều video hài nước chia sẻ về điểm khác lạ ở Singapore được nhiều người theo dõi. Qua cuộc trò chuyện cùng anh, ngoài hiểu rõ thói quen vào giờ nghỉ trưa của dân văn phòng Singapore và Việt Nam khác nhau chỗ nào, chúng tôi còn biết thêm một số điểm khá thú vị đúng với xu hướng ngày nay: "dân văn phòng - nghỉ trưa không nhàm chán".
Anh Thành có rất nhiều video thú vị về điểm khác nhau giữa 2 nước trên kênh Tiktok "Bobby Tang" của mình
KHI Ở BÊN SINGAPORE, MÌNH PHẢI DÙNG KHĂN GIẤY ĐỂ GIỮ CHỖ ĂN TRƯA
Anh Thành chia sẻ, chuyện đau đầu suy nghĩ "Trưa nay ăn gì?" thì ở đâu cũng như nhau, chắc thế mà thói quen mang cơm nhà cho đỡ nghĩ ở Việt Nam cũng có tại Singapore. Nhưng thú vị là, với nhưng ai hay ăn ngoài, một bữa trưa đúng nghĩa ở Singapore sẽ có 2 hiệp: đi ăn và sau đó đi uống.
Ở phần ăn, có một điều khá kì lạ là ai ra khỏi công ty cũng mang theo khăn giấy bên người. Nếu để lau tay hay vệ sinh miệng sau ăn thì chẳng có gì đáng nói, đằng này họ dùng khăn giấy để "đánh dấu lãnh thổ". "Dân văn phòng Singapore luôn thủ sẵn cho mình một bộ khăn giấy, hoặc thi thoảng sẽ thay bằng dù, các loại thẻ không có giá trị cao mỗi khi đi ăn để... giữ chỗ. Chỗ ngồi ở các quán ăn gần công ty rất ít và hầu như không đủ chỗ cho dân văn phòng ập đến giờ nghỉ trưa. Thế nên khi vào nhà hàng, mọi người sẽ đặt khăn giấy ở bàn như kí hiệu "chỗ đã có người ngồi" rồi mới đến quầy order đồ ăn.
Sau khi ăn xong, dân Singapore sẽ có thói quen đi mua cà phê, trà hoặc một món đồ uống chứ không kết thúc giờ ăn trưa bằng duy nhất một bữa ăn chính như ở Việt Nam. Chúng mình thường ghé ngồi ở quán cà phê sau ăn để trò chuyện đợi đến giờ vào làm."
Những bữa ăn phải đặt khăn giấy giữ chỗ mới có
So sánh bữa trưa giữa hai quốc gia, ngoài chuyện khác nhau hiển nhiên giữa phong cách nấu và các công thức chế biến ra món ăn của từng nước, anh Kim Thành phát hiện ra rằng bữa ăn của Singapore thường ít có rau đi kèm. Trong khi Việt Nam nếu món nước luôn kèm rau như phở có ngò gai, húng quế, bún bò Huế có rau muống, bắp chuối, giá đỗ... hay cơm dĩa sẽ kèm xà lách, chén canh rau củ thì món nước hay cơm ở Singapore hoàn toàn không.
"Chuyện bữa ăn không hay có rau thì ở Singapore lâu dần cũng thành quen. Có một số món ăn mình đã biết trước không có rau rồi nên sẽ không chủ động đi tìm nữa. Tuy nhiên, hôm nào mình thèm rau thì sẽ chủ động chọn những quán có menu bán phần rau riêng, may mắn là bên Singapore dù bữa ăn ít rau thật, nhưng tìm thì không khó."
Những bữa trưa không chuộng kèm rau của Singapore
VỀ VIỆT NAM THẤY ĐỒNG NGHIỆP NGỦ TRƯA MÌNH BỊ... "SỐC"
Sau bữa trưa nhân viên văn phòng thường sẽ tranh thủ ngủ giấc ngắn là chuyện quá cũ không có gì lạ lẫm để bàn nhưng đối với anh Thành lại là một điều "chưa thấy trong đời". "Khi về Việt Nam làm, ngày đầu nhìn cảnh mọi người trải mền gối nằm ngủ ngay văn phòng, mình trố cả mắt và quay sang hỏi ngay đồng nghiệp "Mọi người đang làm gì vậy?". Mình vẫn cứ tưởng ăn uống xong xuôi là ngồi vào bàn làm liền chứ đâu ngờ còn thêm khâu "đi ngủ". Mình không thấy ngán ngẩm hay kì quặc gì cả, chỉ thắc mắc ngủ như thế sao mà tỉnh táo để làm tiếp tục ca chiều thôi. Nhưng khi đặt được câu hỏi này với mọi người, câu trả lời ngược lại logic của mình trước giờ - phải ngủ mới tỉnh táo để còn làm."
Thấy đồng nghiệp Việt Nam ngủ trưa là điều mới mẻ khá thú vị đối với anh Thành
Có một kỷ niệm khá vui trong câu chuyện về giờ ngủ trưa - "đặc sản" văn phòng Việt Nam được anh Thành kể lại. "Lúc đó về Việt Nam mình làm quản lí ở công ty cũ và đang tự xây một team mới trong công ty. Làm được khoảng vài tháng và bắt đầu gần gũi nhau hơn thì có cuộc nói chuyện như sau:
- Bộ anh ăn trưa xong anh không buồn ngủ hả?
- Mọi người cần ngủ à?
- Đúng rồi, nhưng tụi em thấy anh không ngủ nên không dám ngủ và cũng không dám tắt đèn văn phòng vào buổi trưa...
Lúc đây mình mới tá hỏa và lật đật bảo mình thật sự không biết, mọi người muốn ngủ thì cứ tắt đèn và ngủ thôi, đừng ngại gì cả. Từ hôm đó, các bạn đem theo nào là gối, nào là áo lạnh, nào là chăn để ngủ vào giờ trưa. Mình không nghĩ rằng sự vô tư của mình lại khiến mọi người mất giấc mệt mỏi như thế."
Anh Thành khá sốc vì thói quen nghỉ trưa khác nhau giữa Singapore và Việt Nam
Ngoài chuyện ngủ trưa, các "giờ nghỉ phát sinh" nơi văn phòng Việt cũng làm anh Thành khá bỡ ngỡ và phải tập làm quen. "Trước đây khi sống và làm việc ở nước ngoài thì mình quen kiểu 9h vào là làm liên tục tới 12h, sau đó 13h vào làm đến 18h, và khi làm mọi người rất tập trung. Nên khi về Việt Nam mình khá sốc khi mọi người thường xuyên bông đùa và nói chuyện lúc làm, ban đầu mình không quen và dễ mất tập trung. Dần dần đã quen được "văn hóa" này và thẳng thắn hơn với đồng nghiệp khi nào cần tập trung để họ không đến làm phiền".
THÓI QUEN NGHỈ TRƯA CÓ LÀ YẾU TỐ ĐỂ CÂN NHẮC CHỌN VIỆC?
Anh Thành luôn tôn trọng "văn hóa" mỗi nơi chứ không đặt lên bàn cân chuyện quê hương hay sính ngoại nên đối với anh, thói quen nghỉ trưa là "nhập gia tuỳ tục", không là vấn đề.
"Cá nhân mình thấy nghỉ trưa chưa bao giờ là yếu tố quyết định đến chuyện chọn việc ở công ty hay quốc gia nào đó. Giờ nghỉ trưa căn bản chỉ là thời gian để nghỉ ngơi, và cũng không ai trả tiền cho bạn vào khung giờ này nên bạn hoàn toàn có thể dùng nó làm bất cứ điều gì, một cách tự do, không ai có quyền đánh giá. Hiện tại mình thấy thích giờ nghỉ trưa của Việt Nam hơn vì nó khá "chill", thoải mái, đúng nghĩa "nghỉ" khi bên Sing thì hơi hối hả một chút".
Về thói quen sử dụng giờ nghỉ trưa của bản thân, anh Thành bật mí: "Cá nhân mình hay sử dụng giờ nghỉ trưa để cải thiện hoặc mở rộng mối quan hệ, có thể để hiểu hơn về đồng nghiệp hoặc gặp lại những người bạn, đồng nghiệp cũ. Mối quan hệ làm việc tốt với mọi người xung quanh sẽ giúp ích cho việc làm sau này khá nhiều."
Tuy nhiên anh cũng nhấn mạnh giờ nghỉ trưa mang tính chất là cá nhân, miễn là mọi người thấy vui vì điều đó và đừng làm ảnh hưởng xấu đến tiến độ công việc chung là được.