Clinton Stamper cho biết bản thân chỉ giới hạn ngân sách ăn uống của mình ở mức 5 đô la (khoảng 100 nghìn đồng) cho một bữa và sử dụng các chương trình giảm giá trực tuyến để giảm chi phí đi ăn nhà hàng hoặc đặt đồ bên ngoài.
Stamper lớn lên ở Rootstown, một vùng ngoại ô ở Ohio. Anh được mẹ nuôi dưỡng sau khi bố mẹ anh ly hôn năm anh mới 6 tuổi. Thói quen tiết kiệm của anh cũng được bắt nguồn từ ngày đó.
Stamper nhớ lại cảnh mẹ anh, một phóng viên tạp chí, kiếm sống bằng một khoản thu nhập duy nhất trong khi phải chăm sóc cả anh và người chị em bị ung thư. Chia sẻ với CNBC, anh không giấu nổi những xúc động: “Chúng tôi hầu như không đủ tiền mua thức ăn. Hồi đó, đến McDonald’s là một thứ xa xỉ, chỉ được ăn trong dịp đặc biệt, và các bữa ăn từ cửa hàng một đô la là việc thường ngày”.
Ngày nay, chỉ vài năm sau khi tốt nghiệp đại học, Stamper kiếm được 270.000 đô la với tư cách là kỹ sư phần mềm cho Google ở Austin, Texas nhưng anh vẫn giữ lối sống siêu tiết kiệm của mình.
Stamper bắt đầu tự kiếm tiền từ khi học trung học bằng cách đi làm gia sư và bán đồ cho các bạn cùng lớp. Anh ấy đã học về kinh tế học cơ bản khi chơi điện tử và phát triển một đoạn mã mà anh ấy bán cho những người chơi khác trên các diễn đàn, thông qua tiền điện tử hoặc tiền tệ trong trò chơi. Cuối cùng, anh ấy đã kiếm được khoảng 30.000 đô la trong những năm còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đáng lẽ, số tiền này phải đủ để trang trải phần lớn chi phí học đại học của anh ấy tại Đại học Bang Ohio, cùng với các học bổng học tập mà anh nhận được. Nhưng vì là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học, anh không hề nhận được một sự định hướng đúng đắn và điều này đã khiến anh phải gánh thêm khoản nợ sinh viên 45.000 đô la (hơn 1 tỷ đồng). Số tiền kiếm được trước đó bị chi cho giải trí, đồ nội thất và các khoản khác phục vụ cuộc sống.
Khi tốt nghiệp vào năm 2018 và nhận một công việc 6 con số với Amazon ở Phoenix, Stamper thậm chí còn tiêu xài hơi hoang phí: Anh ta thuê một căn nhà quá lớn so với nhu cầu và sắm sửa những đồ đạc mà anh hiếm khi dùng trước khi rời đi. Anh nói mình có thói quen chi tiêu xấu vì chưa bao giờ kiếm được nhiều như vậy.
Mặc dù kiếm được nhiều tiền hơn đáng kể so với những gì anh ấy từng thấy trong đời, anh ấy vẫn gặp những căng thẳng về tài chính. “Tôi đang cố gắng khắc phục tình trạng tài chính của mình bởi vì tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện kinh dị về nợ nần chồng chất cuộc sống của mọi người và tôi không muốn cuộc sống của mình cũng rơi vào cảnh như vậy”, Stamper tâm sự. Anh bắt đầu học về tài chính cá nhân bằng mọi cách và trở nên tiết kiệm. Thu nhập của anh ấy không thay đổi, nhưng anh ấy đã ngừng chi tiêu ngoài những nhu cầu thiết yếu và dồn toàn bộ phần còn lại vào khoản nợ của mình và chỉ mất 2 năm để trả xong.
Kể từ đó, anh ấy đã bắt đầu tiết kiệm được hai tháng chi phí sinh hoạt cho những trường hợp khẩn cấp và dành tiền để đầu tư.
Kế hoạch chi tiêu của Clinton Stamper trong 1 tháng; Nguồn: CNBC
Trong tổng số tiền chi tiêu hơn 15 nghìn USD (350 triệu đồng) mỗi tháng, anh dành ra tới gần 60%, tức khoảng 9.000 USD (210 triệu đồng) để đầu tư vào quỹ hưu trí, tiết kiệm cho sức khỏe và các khoản khác như chứng khoán, tiền ảo.
Sau các khoản đầu tư, chi phí lớn nhất Stamper bỏ ra là nhà ở. Vào tháng 6 năm 2021, anh chuyển đến khu vực Austin để nhận công việc mới tại Google và quyết định mua một ngôi nhà tại nơi đây Anh chia sẻ rằng mua nhà ở đây thực sự rất khó khăn. Stamper và bạn gái của anh đã phải đi xem khoảng 40 địa điểm, chưa kể phải trả thêm tiền giá cao hơn giá niêm yết. Cuối cùng anh chọn ngôi nhà 5 phòng ngủ ở Pflugerville với giá 638.000 USD (14,9 tỷ đồng) - cao hơn gần 10% so với giá chào bán.
Clinton Stamper cùng người yêu và em gái
Trong tương lai, Stamper muốn đưa sự hiểu biết về công nghệ và tài chính của mình vào lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Trong quá khứ anh từng có một người dì bị ung thư nên anh rất đam mê nghiên cứu về căn bệnh này. Anh vẫn hy vọng sẽ đóng góp vào nghiên cứu và điều trị ung thư trong tương lai bằng cách phát triển mô hình phẫu thuật tự động. Anh ấy dành khoảng sáu giờ mỗi tuần để đọc và nghiên cực về trí tuệ nhân tạo và mong rằng trong một vài thập kỷ nữa bản sẽ có thể có thể sở hữu một công ty phát triển công nghệ này.
Nguồn: CNBC make it