Mỗi bà mẹ ở mỗi quốc gia lại có cách dạy con khác nhau. Mẹ Do Thái rất chú trọng việc phát triển tiềm năng cho con trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi: học ngoại ngữ, học cách quản lý tài chính…
Mẹ Nhật Bản lại muốn con mình biết tự lập từ bé, trong khi mẹ Trung Quốc lại rất nghiêm khắc và đề cao tính kỷ luật.
Tại Việt Nam, các bà mẹ cũng có những bí quyết riêng để giúp con trở thành người có tài.
Đỗ Nhật Nam không phải là cái tên xa lạ gì với công chúng. Ngay từ nhỏ, chàng trai sinh năm 2001 đã thiết lập vô số thành tích khủng: “Dịch giả nhỏ tuổi nhất” (7 tuổi) và “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất” (11 tuổi), TOEIC 940/990 điểm vào năm lớp 2, 8.0 IELTS vào năm lớp 5. Hiện tại, “thần đồng” này đang theo học tại ĐH Pomona (Mỹ).
Đồng hành cùng Nam trong suốt quá trình trưởng thành đó là mẹ của em - chị Phan Hồ Điệp, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội. Theo chị, dạy con dùng Internet hiệu quả cũng là một phương pháp giáo dục quan trọng. Nếu biết tận dụng Internet đúng cách, đây sẽ là nguồn tri thức vô cùng phong phú và có ích cho các con.
“Đỗ Nhật Nam không đi học tiếng Anh ở ngoài nhiều mà chủ yếu là học trên mạng. Vì vậy, tôi biết ơn thế giới mạng vì đã cho con những người thầy tốt”, chị Điệp nói.
Không cấm con dùng Internet từ bé như nhiều phụ huynh khác, chị Điệp cam kết với con về thời gian được vào mạng trên điện thoại hay IPad. Trước giờ học, Nam có 20 phút để xem bất cứ thứ gì trên Internet mà không có bố mẹ ở cạnh. Sau đó, chị sẽ yêu cầu con kể lại nội dung đã xem. Nếu không hoàn thành, con sẽ mất đi đặc quyền này vào hôm sau.
"Đó không chỉ là cách để giúp con hạn chế tiếp xúc với nội dung xấu mà còn thể hiện sự cầu thị, lắng nghe chia sẻ từ con", chị chia sẻ.
Nhờ vậy mà Nam có hứng thú hơn với việc học hành, còn chị Điệp có thể kiểm soát được nội dung con đã tiếp cận trên Internet. Tuy nhiên, chị cũng khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng Internet quá sớm vì dễ ảnh hưởng tới mắt, cũng như không nên dùng thiết bị điện tử để làm phần thưởng cho con.
Trong mắt nhiều người, chị Lã Thanh Hà - giảng viên kiêm Trưởng khoa Da liễu, Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam - là một bà mẹ may mắn khi có hai cô con gái vô cùng giỏi giang.
Con gái cả Tôn Hà Anh từng gây xôn xao khi cùng lúc trúng tuyển 5 trường đại học danh giá (Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley). Con gái út Tôn Hiền Anh cũng không kém cạnh khi nhận được học bổng toàn phần từ Đại học Harvard và Cornell. Hiện tại, cả hai em đều đang theo học tại ĐH Harvard số 1 thế giới.
Để con có được thành công như ngày hôm nay, chị Hà luôn khuyến khích con đọc nhiều sách. Bà mẹ hai con này đặc biệt đề cao những tác phẩm kinh điển và giàu tính nhân văn như “Những tấm lòng cao cả”, “Hội chợ phù hoa”, “Không gia đình”, “Những người khốn khổ”... Theo chị, chúng tập hợp những tri thức tinh túy nhất đã được chắt lọc qua nhiều thế hệ.
Ngoài ra, chị Hà cũng hướng dẫn con đọc các cuốn sách về kinh tế và khoa học. Nếu con không hiểu, chị sẽ từ tốn giải thích để con tự mình suy ngẫm. Mỗi lần thấy Hà Anh và Hiền Anh mê mẩn đọc sách tới nỗi ngủ gật trên bàn, chị Hà vừa thương, vừa cảm thấy vui trong lòng.
"Sống nhờ giao tiếp xã hội, sống nhờ môi trường gia đình và sống nhờ rất nhiều vào đọc sách. Sách như thế nào lại vô cùng quan trọng. Có những thứ mình mất rất nhiều thời gian để đọc, để nghiền ngẫm. Ngôn từ phải xuất phát từ những gì mình tích lũy và muốn tích lũy phải đọc sách; không đọc sách thì đừng hy vọng có ngôn từ phong phú để diễn tả, hay giao tiếp, để nói và để viết hay", chị tâm sự với phóng viên báo Trí thức trẻ.
Chỉ mới 17 tuổi nhưng thành tích của Ngô Hải Nhất Minh khiến bất cứ người lớn nào cũng phải nể phục.
Nam sinh này có thể nói tới 8 ngôn ngữ, trong đó thông thạo nhất là tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng La-tinh. Em cũng trúng tuyển vào 5 trường PTTH nội trú danh tiếng nhất nước Mỹ, sở hữu suất học bổng 240.000 USD (khoảng 5,6 tỷ VND). Bên cạnh việc học, Nhất Minh cũng rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như viết kịch bản, đạo diễn phim, đạo diễn gameshow…
Chị Nguyễn Hải Bình - mẹ của Nhất Minh - cho biết rằng chị rất yêu thích phương pháp giáo dục con của người Do Thái. Chính vì vậy, chị luôn chú trọng phát triển tiềm năng của con ngay từ khi còn bé để tạo dựng nền tảng vững chắc cho tương lai.
Sớm nhận thấy Nhất Minh sở hữu một trí nhớ tuyệt vời, chị Bình liền khuyến khích con theo đuổi việc học ngoại ngữ. Bởi lẽ, 0-6 tuổi là thời kỳ mà đại não phát triển nhanh nhất, rất thích hợp để tiếp thu ngôn ngữ mới.
Nhất Minh bắt đầu học tiếng Pháp khi lên 4 và có thể nói tốt 7 thứ tiếng ở tuổi 12. Ngoài tiếng Pháp, các ngoại ngữ còn lại đều do em tự học. Thậm chí, nam sinh này có thể giao tiếp đơn giản bằng ngôn ngữ mới chỉ sau khoảng 1 tuần.
Trả lời báo Dân trí, chị Bình cho biết: “Tôi thường nói với con ‘Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời’. Chị coi đây là cách để con trở nên ganh đua hơn trong học tập, cũng như rèn tính kiên nhẫn, thông qua việc ghi nhớ từ vựng và tập nói trôi chảy. Nhờ học ngoại ngữ sớm, Nhất Minh có thể tự tin giao tiếp mỗi khi ra nước ngoài, từ đó cảm thấy hào hứng, thoải mái và tự lập hơn.
Vào năm 2014, Lã Hồ Minh Khuê khiến cho cư dân mạng phải ngỡ ngàng khi trở thành ứng viên Việt Nam duy nhất giành suất học bổng toàn phần trị giá 320.000 USD từ ĐH Harvard. Đằng sau thành tích tuyệt vời ấy chinh là sự động viên và giáo dục của chị Hồ Thị Hải Âu - mẹ nữ sinh Minh Khuê.
Nuôi dạy con vốn đã không hề dễ dàng, làm mẹ đơn thân một mình nuôi con gái đỗ ĐH Harvard lại càng khó gấp bội phần. Đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, chị Hải Âu đã cho ra mắt cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu”, đem đến một cái nhìn mới về chuyện nuôi dạy con cái cho các bậc phụ huynh.
Ngay từ lúc Minh Khuê còn bé, chị Hải Âu đã cho con học vẽ, piano, bơi lội, ngoại ngữ… dù nhà không dư giả và con cũng không bộc lộ tài năng thiên bẩm gì. Bởi lẽ, đây là cách mà người mẹ này chuẩn bị cho con những kỹ năng cần thiết để một mình đương đầu với tương lai sau này.
Chị Hồ Thị Hải Âu và con gái Lã Hồ Minh Khuê
Chị quan niệm rằng học hành không phải để kiếm được nhiều tiền. Việc học các môn ngoại khóa này sẽ giúp Minh Khuê hiểu được vẻ đẹp của cuộc sống, giảm bớt áp lực thường nhật và trở nên hạnh phúc hơn.
“Một người nghệ sĩ biểu diễn bản nhạc trên sân khấu cần mất 14-18 năm khổ luyện, mỗi ngày 6-10 tiếng. Khi con tôi học đàn, nó biết yêu và cảm thụ cái đẹp, hiểu về sự nhẫn nại và giá trị của lao động đích thực”, chị nói trong một buổi ra mắt sách cách đây 2 năm.
Nhờ đó, dù bận bịu với việc học đến đâu, Minh Khuê vẫn biết cách cân bằng thời gian để chơi đàn, vẽ tranh và mở rộng các mối quan hệ của mình trong thời gian học tập tại ĐH Harvard.
Thành tích của Nguyễn Đức Hiệp (học sinh lớp 9A6, Trường THCS Cầu Giấy) trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua làm nhiều người phải trầm trồ.
Nam sinh này đã xuất sắc đỗ cùng lúc 6 trường chuyên: thủ khoa Toán-Tin (THPT Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN), á khoa Toán (THPT Chuyên ĐH Sư phạm HN), top 4 Lý (THPT Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN), lớp Toán và lớp Lý (THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam) và lớp chuyên (THPT Chuyên Ngoại ngữ - ĐHQGHN).
Là người dìu dắt Hiệp suốt 9 năm học hành, chị Thu - mẹ của nam sinh - không quá ngạc nhiên trước kết quả này. Ngay từ khi Hiệp còn nhỏ, chị đã rèn cho con tính tự giác và sự chủ động trong việc học. Thay vì cầm tay dạy dỗ, chị Thu chỉ trợ giúp khi con thực sự gặp khó khăn. Người mẹ này cũng khuyến khích con tự mày mò các phương pháp và hình thức học tập khác nhau để tiến bộ hơn.
Nam sinh Nguyễn Đức Hiệp và mẹ (Ảnh: VnExpress)
Nếu như các học sinh khác chỉ mới làm quen với học trực tuyến trong đợt dịch Covid-19, Đức Hiệp lại có kinh nghiệm với hình thức này từ lớp 5. Thấy con hứng thú, chị Thu không ngừng ủng hộ, thậm chí còn tự tay lựa chọn bài giảng và khoa học cho con mình.
“Với hình thức học tập này cháu dễ dàng sắp xếp thời gian biểu để không ảnh hưởng đến chương trình học và thời gian biểu khác, đồng thời nâng cao tính chủ động”, chị Thu chia sẻ với báo VnExpress.
Theo chị Thu, nhờ học trực tuyến mà Hiệp không cần phải đi học thêm quá nhiều, cũng như có cơ hội để tìm hiểu kỹ hơn các nội dung thầy cô giảng trên lớp. Ngoài ra, đây cũng là cách để con học mọi lúc mọi nơi và rèn luyện kỹ năng làm chủ thời gian của mình.
(Tổng hợp)