Golf là một trong những môn thể thao lâu đời nhất trên thế giới, gắn liền với hình ảnh của giới nhà giàu. Tuy nhiên, bộ môn thể thao này đang có nguy cơ thoái trào trong vài năm trở lại đây.
Số lượng golfer lâu năm tại Mỹ xấp xỉ trong khoảng 25 triệu người. Thế nhưng, nhóm này đang ngày càng già đi, và hơn 1.600 sân golf trên nước Mỹ phải đóng cửa trong vòng 1 thập kỷ qua. Trong vòng 14 năm liên tiếp kể từ năm 2004, số lượng người chơi golf đã giảm.
Tuy nhiên, một làn gió mới đang thổi hồn vào bộ môn quý tộc này, thu hút nhiều người trẻ tuổi và phái nữ. Độ tuổi trung bình của tệp khách hàng mới là 31 tuổi.
Nó được gọi là phong trào golf kiểu mới, với sân golf 6-12 lỗ được cải tạo để tích hợp driving range*, quán bar và nhiều trải nghiệm giải trí khác. Golfer có thể vừa chơi, vừa trò chuyện, vừa nghe nhạc thư giãn. Họ được tự do lựa chọn trang phục nhằm đảm bảo sự thoải mái.
Một nữ golfer vừa chơi vừa ăn (Ảnh: Ảnh: Kelsey McClellan/The New York Times)
Chơi golf kiểu mới: Không cần mặc trang phục trang trọng, vừa đánh vừa ăn uống, nghe nhạc
Vào một buổi chiều nắng đẹp tại Florida, Mike Miles (59 tuổi) nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi một chàng trai trẻ đang chơi golf trên đôi chân trần tại The Yard. Từ một sân golf truyền thống làm ăn thua lỗ, nó đã lột xác thành một sân golf 12 lỗ độc lạ dưới bàn tay cựu golfer chuyên nghiệp này.
"Chúng ta phải khiến cho golf trở nên bình dân hơn", ông nói.
Nhiều golfer hàng đầu cũng đồng tình với quan điểm của Miles. Jordan Spieth (27 tuổi) - golfer từng vô địch 3 giải nhà nghề - nói: "Những người bạn cấp ba và đại học của tôi cũng không tính điểm. Họ chỉ chơi golf, nghe nhạc và cụng ly với nhau. Họ thích điều đó".
Những thay đổi này có thể được xem là mối đe dọa với golf truyền thống khoảng 10 năm về trước, nhưng giờ đây, các lãnh đạo trong môn thể thao này coi đây là sự thư giãn.
"Việc mang đến một làn gió mới cho golf đang đáp ứng những nhu cầu mang tính phát triển", Joe Beditz - Chủ tịch kiêm CEO của Quỹ Golf Quốc gia Mỹ - cho biết. "Nó phù hợp với văn hóa đại chúng và tốt cho bộ môn này".
Topgolf từng bị đánh giá là "không phải golf thực thụ (Ảnh: Kelsey McClellan/The New York Times)
Ashleigh McLaughlin là một cựu golfer trẻ tuổi, Giám đốc chương trình Youth on Course - chương trình đã tài trợ cho hơn 1 triệu vòng đấu tại Mỹ. Cô cho biết golf truyền thống đang được mở rộng, không phải thay thế.
"Bên cạnh lối chơi lối chơi truyền thống, mọi người có thể chơi golf theo những cách rất khác, chẳng hạn như đi chân đất, nghe nhạc và không cần mặc áo polo. Trên sân golf, bạn sẽ không bị đánh giá", cô giải thích.
Trào lưu chơi golf kiểu mới này bắt nguồn từ Topgolf - một công ty golf giải trí được thành lập năm 2005 ở Virginia (Mỹ). Họ đã mở rộng ra 64 địa điểm, đa số đều nằm gần các khu đô thị. Các cơ sở này mang phong cách sân bowling thập niên 50 lấy bối cảnh một bộ phim khoa học viễn tưởng của thế kỷ 21.
Topgolf trông chẳng khác gì một sân golf thông thường, nhưng là nơi chủ yếu để mọi người giao lưu xã hội. Các golfer vừa chơi vừa đùa với nhau, xung quanh có nhân viên phục vụ đồ ăn và nước uống.
Họ có thể tùy chọn gậy để đánh bóng vào mục tiêu ở các khoảng cách khác nhau - từ 45 cho đến 228 m. Điểm được tính theo độ gần của bóng đến mục tiêu, được thể hiện trên màn hình cảm ứng lớn. Tiếng cười tràn ngập không gian, khác hẳn với sự tĩnh lặng của sân golf thông thường.
Không có gì khó hiểu khi Topgolf thu hút gần 20 triệu khách hàng/năm. Bí quyết khiến công ty này thành công vượt bậc là bầu không khí "không câu nệ", rất phù hợp với những golfer nghiệp dư.
Trước đây, nhiều người cho rằng Topgolf không phải "golf thực thụ". Tuy nhiên bây giờ, họ nhận ra đây chính là một cách để thu hút nhóm khách hàng đại chúng đến với bộ môn thể thao này.
"Topgolf đã giải quyết những trở ngại ban đầu của nhóm khách hàng mới chơi, cũng như tạo điều kiện để họ tận hưởng thú vui này mà không phải đầu tư tốn kém", David Pillsbury - Giám đốc ClubCorp - công ty sở hữu hơn 200 CLB golf - cho biết.
Phong cách chơi golf kiểu mới đã thu hút không ít người trẻ (Ảnh: Allison Zaucha/The New York Times)
Ngoài Topgolf, nhiều mô hình CLB golf tương tự cũng đang tiếp nhận một số lượng lớn golfer mới. Những cơ sở này thu hút gần 13 triệu khách hàng, trong đó 45% là phụ nữ, theo số liệu của Quỹ Golf Quốc gia Mỹ.
Một sân golf ở El Segundo còn phải lắp đặt thêm đèn LED ngoài trời để phục vụ các khung giờ tối. Một sân golf khác ở Washington lại trang bị loa rải rác khắp nơi để phát nhạc. Bố cục của các sân golf cũng được thay đổi để golfer có thể hoàn thành buổi chơi chỉ trong 90 phút.
Ngay cả tay golf huyền thoại Tiger Woods cũng không đứng ngoài xu hướng chơi golf kiểu mới. "Siêu hổ" là đồng sở hữu một chuỗi các sân golf mini, nơi khách hàng có thể vừa chơi golf vừa được phục vụ hàng loạt tiện ích như đồ ăn, bia, rượu và kem.
Xu hướng "bình dân hóa" thú vui thượng lưu
Từ một người không ai biết, Rob Collins (46 tuổi) đã trở thành bậc thầy về chơi golf kiểu mới.
7 năm trước, Collins đã rút hết tiền trong tài khoản để xây dựng một sân golf 9 lỗ có kiến trúc đặc biệt ở Tennessee, đặt tên là Sweeten Cove. Anh thậm chí còn chẳng đủ tiền xây dựng clubhouse hay phòng vệ sinh cho nơi này. Trong ngày khai trương, các golfer đã phải sử dụng phòng vệ sinh di động được xây tạm bợ.
Nhờ mạng xã hội, Sweeten Cove thu hút sự chú ý đủ mọi thành phần trong xã hội bởi tính độc đáo của nó. Hầu hết các chuyên trang về golf đều nhắc đến sân golf có phong cách kỳ lạ này. Khách hàng từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về Sweeten Cove, biến nơi này thành một trong những "thánh địa golf" mới của nước Mỹ.
Rob Collins là một trong những người mở đầu trào lưu golf kiểu mới (Ảnh: Melissa Golden/The New York Times)
"Chúng tôi trở thành điểm đến quốc tế dù không cung cấp đồ ăn, thức uống sang trọng hay nhà nghỉ", Collins cho biết. "Nhờ thế hệ trẻ, golf như được tái sinh. Mọi nguyên tắc về địa điểm, thời gian hay lộ trình hộ golf đều được phá bỏ.
"Cách đây 5 năm, tôi chưa từng nghĩ điều này sẽ xảy ra", Collins bày tỏ. "Giờ thì hãy nhìn xem!".
Trào lưu chơi golf kiểu mới thể hiện rõ nét nhất ở vấn đề trang phục. Golfer được mặc theo ý thích của mình, không nhất thiết phải là áo có cổ hay chân váy như thường lệ. Việc đội mũ lưỡi trai ngược cũng không còn bị cấm.
Sự thay đổi này diễn ra ở hầu hết các sân golf công cộng - loại hình chiếm tới 3/4 số sân golf ở Mỹ. Không phải CLB nào cũng cho phép khách hàng ăn mặc thoải mái, nhưng hầu hết các trường hợp chỉ cấm quần bò và áo ba lô.
"Việc bắt buộc sơ vin hay quay mũ lưỡi trai đúng chiều cần phải biến mất", Laura Scrivner - Giám đốc CLB Capital Canyon tại Arizona - cho biết. "Golf cần được tiếp cận một cách bình dị hơn".
JP Sila thích đi chân đất khi chơi golfer (Ảnh: Jesse Rieser/The New York Times)
JP Sipla (44 tuổi) là một trong những golfer chơi với chân trần. Anh gọi mình là "người theo chủ nghĩa golf thuần túy", chỉ tham gia CLB nếu họ cho phép đi chân trần chơi golf.
"Nhiều người trêu tôi về việc đi chân đất, nhưng không có ác ý gì", golfer có điểm số handicap là 7 cho biết. "Mọi người trong CLB của tôi đều biết tôi, còn đặt biệt danh yêu quý cho tôi là ‘Chân trần’".
Dave Dove (89 tuổi) - người cùng CLB với Sipla - đã làm quen với golf từ thập niên 40. Ông hào hứng đón nhận những thay đổi trong môn thể thao này và vẫn hào hứng chơi 3 buổi/tuần.
"Bạn sẽ không muốn mọi người nhìn trông giống nhau hoặc hành động giống nhau", Dove nói. "Đó không phải là cuộc sống. Sân golf là một không gian lớn mà ai cũng có chỗ. Chúng ta đến đây để tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời của mình".
(*Driving range: phần sân tập để golfer luyện swing, được hình thành nhằm thỏa mãn niềm đam mê tập luyện của các golfer nghiệp dư không có nhiều thời gian để chơi hết một vòng golf đầy đủ kéo dài 4-6 tiếng).
(Nguồn: NYT)