Chân dung Lorenzo Sanz, vị cựu chủ tịch yêu Real bằng cả trái tim nhưng bị đối xử thiếu công bằng, đến chết vẫn còn uất ức

PHỤNG HIẾU - Design: ĐỖ LINH | 23-03-2020 - 21:25 PM

(Tổ Quốc) - Ông Lorenzo Sanz vừa mới qua đời vào cuối tuần trước. Khi cái tên này được đọc lên trong danh sách những người không thể chống lại virus SARS-CoV-2, fan mới chợt nhớ rằng trước Perez, Real từng có vị Chủ tịch tuyệt vời đến thế nào.

Buổi sáng sau trận chung kết Champions League 1998 (khi đó có tên European Cup), vị Chủ tịch Real Madrid, Lorenzo Sanz, cầm chắc tờ báo thể thao mà ông thường đọc hằng ngày. Trang nhất in hình chính ông, cùng chiếc cúp bạc danh giá nhất châu Âu. Ông nhìn chằm chằm, ước rằng có thể mỉm cười tươi hơn một chút. Nhưng không sao, quan trọng nhất trong bài báo này vẫn là chiếc cúp và tiêu đề “Vua của các vị vua”. Thế là quá đủ cho một bức ảnh quý giá, xứng đáng đặt ở vị trí trang trọng nhất trong dinh thự lộng lẫy.

“Làm sao tôi có thể quên được chứ”, Sanz nói. “Mỗi ngày, việc đầu tiên tôi làm sau khi thức dậy là nhìn bài báo đó”.

Sanz không thể quên khoảnh khắc các cầu thủ của ông đem về chiếc cúp vô địch châu Âu. Nhưng đáng tiếc, ký ức tươi đẹp lại gắn liền với điều ông căm ghét nhất, sự thiếu tôn trọng mình phải nhận trong suốt những năm tháng cống hiến cho Real. Cuối tuần vừa rồi, khi sắp trút hơi thở cuối cùng, suy nghĩ đó có lẽ lại hiện về ám ảnh vị Chủ tịch bị lãng quên này.

Chân dung Lorenzo Sanz, vị cựu chủ tịch yêu Real bằng cả trái tim nhưng bị đối xử thiếu công bằng, đến chết vẫn còn uất ức - Ảnh 1.

Sự thật là fan bóng đá hiện thường chỉ nhắc đến “La Decima” (danh hiệu vô địch châu Âu thứ 10) của Real mà không biết tầm quan trọng của “La Septima” (danh hiệu thứ 7) mà ông Sanz có công mang lại. Chiếc cúp Septima, nhìn vào lịch sử Real, đúng ra phải được đặt ở một vị trí trang trọng bậc nhất trong tủ danh hiệu. Nó đánh dấu sự chuyển mình của Real Madrid, chấm dứt 3 thập kỷ đau khổ của các CĐV khi nhắc đến đấu trường châu Âu.

Để biết được Septima quan trọng như thế nào, hãy nhìn lại thời điểm trước khi Lorenzo Sanz lên làm chủ tịch. Đó là khi đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha phải trải qua cơn bĩ cực khủng khiếp nhất lịch sử, thi đấu bạc nhược cả trong lẫn ngoài nước. Đã thế tình hình tài chính và hình ảnh của đội bóng còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những sai sót của người người tiền nhiệm Ramon Mendoza. 

Nếu tính từ cột mốc 1998, Real đã trải qua 32 mùa giải không biết đến chức vô địch châu Âu. Đây được coi là một sự sỉ nhục với đội bóng từng 6 lần vô địch, thử thách mà bất kỳ vị HLV hay Chủ tịch nào đứng lên tiếp quản cũng phải lè lưỡi, gò vác trên lưng. 

Lorenzo Sanz và HLV trưởng Real thời điểm đó, Jupp Heynckes đương nhiên không thoát khỏi số mệnh. Sau này theo lời kể của một cầu thủ, Chủ tịch Sanz trước trận chung kết có tới thăm đội bóng. Ông hỏi tình hình cầu thủ trước thế nào, HLV Heynckes đáp: “Chìm rồi”. Không khó để nhận ra đây là những câu bông đùa, che đậy sức ép khổng lồ họ phải chịu đựng.

Ấy thế mà Real của Lorenzo Sanz đã vượt qua sức ép để xưng bá tại châu Âu. Mijatovic, một trong những ngôi sao vị chủ tịch này đưa về đóng vai người hùng, ghi bàn thắng quyết định chiến thắng trước Juventus vào phút thứ 66. 

Trong đêm nhiệm màu, báo đài đưa tin hàng triệu người dân ở thủ đô Madrid đổ ra đường ăn mừng chiếc cúp thứ 7 của CLB, sau 32 năm chờ đợi. “Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người đến thế”, Fernando Sanz, con trai của Lorenzo Sanz chia sẻ. “Lúc ra ngoài SVĐ ăn mừng, chúng tôi bị ngợp bởi bầu không khí do chính chúng tôi tạo nên”.

Ông Lorenzo sau trận chung kết hứa với CĐV và các cầu thủ là sẽ đem về “Octava”, chiếc cúp vô địch châu Âu thứ 9 trong lịch sử CLB. Năm 2000, lời hứa của ông trở thành hiện thực. Sau khi đánh bại Valencia 3-0, các cầu thủ Real kéo nhau đi tìm vị chủ tịch đáng kính, cho ông tắm trong những vại bia. Kền Kền Trắng chính thức vượt qua cơn bĩ cực mà họ phải chịu đựng trong suốt hơn 3 thập kỷ.

Chỉ tiếc là ông Lorenzo Sanz chưa kịp ăn mừng đã phải lo ngay ngáy cho chiếc ghế. Đúng 2 tháng sau, dù nỗ lực níu kéo nhưng ông vẫn bị cổ đông Real "đá" khỏi Bernabeu. 2 chức vô địch châu Âu, 1 danh hiệu vô địch Tây Ban Nha trong 5 năm vẫn không đủ để giúp Lorenzo Sanz tiếp tục làm công việc trong mơ của mình.

Chân dung Lorenzo Sanz, vị cựu chủ tịch yêu Real bằng cả trái tim nhưng bị đối xử thiếu công bằng, đến chết vẫn còn uất ức - Ảnh 2.

Sinh ra tại chính thủ đô Madrid, Sanz là con của một VĐV quyền anh nghiệp dư. Vì thế thể thao và Madrid là 2 thứ gắn liền với vị chủ tịch này ngay từ nhỏ. Năm 10 tuổi, Lorenzo Sanz lần đầu được vào Bernabeu. Ông đi cùng bà nội, vào để bán nước uống cho các CĐV. Nhiều năm sau, Lorenzo trở lại với tư cách là một thương nhân thành đạt, bắt đầu nung nấu ý định một ngày nào đó sẽ lên làm chủ của CLB mà mình gắn liền từ nhỏ.

Công việc đầu tiên của ông Lorenzo là một giúp việc trong tiệm cắt tóc gần nhà. Lớn lên, ông Lorenzo xây dựng thành công một doanh nghiệp in ấn và đầu tư vào bất động sản. Lorenzo đã rất giàu có rồi, nhưng mục tiêu của ông không phải tiền, mà là chiếc ghế lớn nhất của Real Madrid kia. Ông tự tranh cử một ghế trong BLĐ Real, học hỏi được từ người tiền nhiệm Ramon Mendoza rất nhiều trước khi tự nắm lấy cơ hội lớn. 

Tháng 11/1995, sau khi Kền Kền Trắng để thua kình địch Barcelona, quyền lực chính thức sang tay Lorenzo Sanz.

Lorenzo yêu Real và thủ đô Madrid đến mức muốn mọi thành viên trong gia đình trở thành một phần CLB và thể thao thành phố này khi mới nhận chức. Vì không thực sự tài năng trên sân cỏ nên ông đặt mọi niềm tin vào 3 người con, trong đó một người chơi cho đội bóng chày Madrid, một người trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Real rồi chuyển đến Oviedo.

Người thứ 3, Fernando Sanz thành công nhất với Madrid. Fernando góp công không nhỏ vào chức vô địch năm 1998, bất chấp có nhiều tin đồn cho rằng anh được cho vào đội vì là con chủ tịch. Ngoài Fernando, Lorenzo Sanz còn một người con khác, Michel Salgado, sau này được vinh danh là huyền thoại đội bóng (Michel Salgado lấy Malula, trở thành con rể của Chủ tịch).

Trong mắt các nhân viên, Lorenzo Sanz là người thức thời, có cá tính lớn. Ông lúc nào cũng phì phèo điếu cigar, oai phong lẫm liệt nhưng lại dễ gần đến lạ thường. Khi mới gặp, HLV Fabio Capello đã ngay lập tức ngưỡng mộ Lorenzo mà sau phải thốt lên rằng: “Ông ấy là vị chủ tịch mạnh mẽ. Lorenzo hiểu bóng đá, đội hình ông ấy đang xây dựng thật sự rất tốt”.

Vào thời điểm Capello đến với Real, ngài Lorenzo Sanz đã hoàn thành Galactico 1.0 bằng tiền túi của mình, với Mijatovic, Davor Suker, Seedorf, Roberto Carlos, Raul, Fernando Redondo và Fernando Hierro. Sau đó, ông Lorenzo Sanz còn làm điều mà CĐV Real nào cũng thích, dằn mặt Barca thành công, nẫng tay trên thương vụ Christian Karembeu. Với đội hình mạnh khủng khiếp như vậy, Real vô địch tuyệt đối La Liga mùa 1996-97.

Nhưng không phải kỷ nguyên của Lorenzo Sanz ở Real Madrid toàn là những thành công. Vì có quá nhiều ngôi sao cá tính khác nhau nên Chủ tịch Lorenzo thường xuyên phải thay HLV (8 người). Ông Jupp Heynckes xin thôi việc chỉ sau vài tuần đem về danh hiệu vô địch châu Âu vì sợ các cầu thủ “ăn tươi nuốt sống”. Ngoài vấn đề trên băng ghế huấn luyện, chẳng phải thương vụ mua bán cầu thủ nào ông Lorenzo nhúng tay vào cũng suôn sẻ. Quyết định mua Nicolas Anelka sau này được vị chủ tịch mới qua đời mô tả là “kỷ niệm tươi đẹp nhưng không kém phần điên rồ” nhất trong cuộc đời.

Chân dung Lorenzo Sanz, vị cựu chủ tịch yêu Real bằng cả trái tim nhưng bị đối xử thiếu công bằng, đến chết vẫn còn uất ức - Ảnh 3.

Trên bàn cân đong đếm, những thất bại trên vẫn chưa thể sánh bằng 2 danh hiệu vô địch châu Âu. Nhưng Florentino Perez đã đánh bật Lorenzo ra khỏi ghế nóng năm 2000, vụ việc mà đến nay, báo chí vẫn luôn nhắc đến là màn thâu tóm quyền lực nhanh gọn, “độc ác” nhất trong lịch sử bóng đá.

Lorenzo bị đá bay khỏi Real trong sự bực bội và luôn tìm mọi cách để trở lại CLB này. Nhưng Florentino Perez giàu, cáo già hơn nên ông đành chịu thua trong cuộc đua giành lại những gì vốn thuộc về mình. Sự ấm ức này thật khó ai mà hiểu được.

Chủ tịch quá cố Lorenzo từng nói rằng một thời điểm nào đó, ông sẽ sở hữu vị trí quan trọng trong lịch sử Real Madrid. Khi và chỉ khi người ta tỏ ra biết ơn, Lorenzo mới có thể “nhắm mắt xuôi tay”. Đáng tiếc là sau khi ông mất, báo chí Tây Ban Nha mới nhắc lại cho CĐV Real từng có một vị chủ tịch tuyệt vời như thế nào. 

Tờ AS gọi ông là “người đàn ông của Septima”, Marca cũng tri ân bằng tiêu đề “Tạm biệt người đã đem lại thành công ở châu Âu về cho Real Madrid”. Hơi muộn, nhưng ít ra còn hơn là không.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM