Chân dung “hiệp sĩ phá dịch”, bác sĩ Trương Hữu Khanh: Từ "kẻ gàn dở" của ngành y tới danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, cứu giúp cho vô số người

Phương Thúy | 27-02-2020 - 12:51 PM

(Tổ Quốc) - Được mệnh danh là vị “khắc tinh” của vi trùng và vi khuẩn gây bệnh tại Việt Nam, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã đưa ra rất nhiều lời khuyên về phòng cách chống dịch bệnh hiệu quả được chia sẻ rộng rãi.

"Hiệp sĩ tiên phong" trong phong trào phá dịch

Là người đi tiên phong trong việc xây dựng phác đồ điều trị tay chân miệng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, giúp hàng nghìn trẻ mắc bệnh ở cấp độ nặng, biến chứng được cứu sống, bác sĩ Trương Hữu Khanh được người ta mệnh danh là “Hiệp sĩ phá dịch”.

Sau nhiều năm gắn bó với khoa Nhiễm nhi và giữ cương vị Trưởng khoa tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, ông đã tham gia nghiên cứu và chữa trị rất nhiều căn bệnh, đạt được vô số thành tựu nổi bật, nhất là với dịch tay chân miệng bùng phát vào thời điểm 2002 - 2003.

Năm 2008, Thủ tướng chính phủ đã trao tặng Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc với Thành tích trong công tác từ 2003 đến 2007 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, thi đua yêu nước và bảo vệ Tổ quốc.

Cũng trong năm đó, Chủ tịch nước trao tặng ông danh hiệu Thầy thuốc ưu tú vì đã có cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe toàn dân.

Ông vào Top 50 người tiên phong do Báo VnExpress bình chọn cho những cá nhân trong và ngoài nước có nhiều sáng tạo và thành tựu đột phá trong hoạt động, góp phần đổi mới cho Việt Nam

Các đồng nghiệp WHO cũng phải khen ngợi và nể phục khi ông đồng chấp bút viết cuốn “Hướng dẫn thực hành lâm sàng và đáp ứng cộng đồng với bệnh tay chân miệng”. Đây là chứng nhận cụ thể về trình độ chuyên môn của một cá nhân và ngành Y khoa Việt Nam.

Chân dung “hiệp sĩ phá dịch”, bác sĩ Trương Hữu Khanh: Từ kẻ gàn dở của ngành y tới danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, cứu giúp cho vô số người - Ảnh 1.

Làm nghề phải có cái duyên thì mới làm tốt, làm lâu dài được

Ông có quê gốc ở Huế nhưng được sinh ra ở Hóc Môn do cha mẹ vào miền Nam buôn bán. Hồi nhỏ, ông chỉ nghĩ mình sẽ thi ngành Tổng hợp Toán - Lý - Hóa chứ không hề định hướng tới ngành Y. Tình cờ một lần được người bạn đề nghị, cuộc đời ông mới rẽ sang một hướng phát triển khác hẳn. 

Bằng sự năng nổ và nhiệt tình trong công việc, Trương Hữu Khanh đã trở thành một y bác sĩ chính thức của khoa Nhiễm. Ông nói: “Tôi chọn bệnh Nhiễm vì bệnh này chữa được. Cao huyết áp đâu có chữa được đâu, còn vi khuẩn, vi trùng uống thuốc vô là nó chết hết. Hồi đó mới học xong như vậy nên chỉ biết vậy, thế là chọn vậy luôn". 

Là người không ngại phát biểu với giới truyền thông để đưa ra những nhận xét "khó nghe" về dịch bệnh, bác sĩ Khanh từng nhận những lời nhận xét như là người "gàn dở", "kỳ kỳ". Thế nhưng "kẻ gàn dở" của ngành y ấy luôn hết lòng vì bệnh nhân.

Trong một buổi giao ban của Bệnh viện Nhi Đồng 1, vị giám đốc tiền nhiệm mang một ca tử vong vì viêm não hôm trước ra bàn luận và hỏi: "Làm sao biết chắc em bé này bị viêm não?". Nhiều ý kiến nêu ra nhưng bác sĩ Khanh có ý kiến khác: "Theo tôi, chỉ có một cách chắc chắn nhất đó là mổ sọ vì chỉ có nhìn thì mới biết!". Mọi người ồ lên vì ý tưởng kỳ quặc, nhưng rồi ngẫm ra ai cũng thấy có lý bởi nghĩ cho cùng "trăm nghe không bằng một thấy" và chắc chắn nhất vẫn là "thực mục sở thị"!

Khác với những đồng nghiệp khác, sau khi hết giờ làm sẽ tới phòng khám tư, bác sĩ Trương Hữu Khanh lại lựa chọn về quê khám bệnh cho các con em hộ nghèo ở Hóc Môn chỉ với 15 ngàn đồng làm tiền công và tiền thuốc suốt 25 năm. Sau này, một phòng mạch trực tuyến với tên gọi “Hỏi bác sĩ Nhi đồng” ra đời trên Facebook do chính ông quản lý, tư vấn, điều chỉnh thông tin về vấn đề sức khỏe trẻ em cho vô số người.

Để khái quát về cả cuộc đời nghề Y của bác sĩ Trương Hữu Khanh, có lẽ phải dùng chính câu nói của ông: “Mỗi người có một cái duyên với nghề, tạo cho mình trách nhiệm với xã hội. Nếu mình may mắn được cái nghề đãi thì mình sẽ có cơ hội làm tốt hơn.”

Tiếp tục chiến đấu hết mình với corona 

Bác sĩ Khanh chia sẻ, trải qua đủ các mùa dịch và hầu hết các dịch đều không có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như không có vắc xin phòng bệnh giống virus Corona nhưng người dân cũng không nên quá lo lắng.

TS Khanh kể năm 2003 dịch SASR, đến năm 2004 – 2005 lại tới bệnh cúm gà, nhân viên y tế cũng đi làm từ mùng 1 Tết. Năm 2009, dịch cúm A/H1N1 số lượng ca tăng rất nhanh. Lúc nào cũng cách ly và sự cách ly đòi hỏi cộng đồng phải hợp tác.

Theo ông, cách ly hàng trăm người là chuyện hết sức bình thường vì nhiệm vụ của việc cách ly là theo dõi sát sao các triệu chứng bất thường, từ đó đưa ra những phản ứng kịp thời càng sớm càng tốt. Cho nên, người phải cách ly không hoàn toàn là người nhiễm bệnh. Và có người nhiễm bệnh xuất hiện cũng càng dễ tập trung điều trị hơn khi đã nắm được tình hình bệnh phát triển trong suốt thời gian theo dõi vừa qua.

Bác sĩ Khanh cho rằng, cộng đồng không nên quá lo lắng về dịch virus corona này. Việc đeo khẩu trang đều có lợi cho các bệnh do virus gây ra. Mọi người phải hiểu rằng, virus Corona nặng hơn không khí, không thể lơ lửng trong môi trường bình thường mà chỉ bám vào bề mặt các vật thể xung quanh khi nó phát tán ra từ người bệnh theo đường giọt bắn. Vì thế, chỉ cần ngăn chặn cơ hội virus được tiếp xúc trực tiếp, lọt vào các cơ quan thuộc hệ hô hấp của chúng ta, thì nguy cơ mắc phải đã được giảm đi đáng kể. Khẩu trang chính là nhân tố có tác dụng đáng kể trong công cuộc này.

Các loại khẩu trang y tế 3 lớp nên là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu cho người dân vì giá thành hợp lý, tác dụng vừa đủ. Khẩu trang N95 chỉ nên dùng chuyên dụng cho các y bác sĩ thường xuyên làm việc, tiếp xúc với người bệnh, với môi trường có chứa nhiều virus.

Còn lại, việc rửa tay sạch sẽ, không đưa lên mắt, mũi, miệng, tai sẽ giúp chúng ta xóa sạch nốt những cơ hội còn lại để virus này “tác quái”.

Nhiều người cho rằng, có nguy cơ virus đi vào thông qua niêm mạc mắt vì các trường hợp tiền lệ xuất hiện trong lịch sử y khoa. Kinh nghiệm này đáng giá học hỏi nhưng không cần quá lo lắng hay hoang mang. Với người cẩn thận, chỉ cần đeo kính thông thường là đã “chặn đường” tấn công của virus được rồi.

Thực hiện 4 điều sau đây để tránh mắc bệnh trong mùa dịch:

Thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước

Mở cửa nhà để lưu thông không khí, giúp ánh nắng vào nhà, hạn chế ẩm mốc

Đeo khẩu trang y tế khi ra ngoài, tiếp xúc và làm việc trong môi trường đông người

Nhiệt độ phòng nên để trên 25 độ C nếu có sử dụng điều hòa với thời tiết nóng như ở miền Nam, còn miền Bắc thì chỉ nên thường xuyên mở cửa nếu có điều kiện thời tiết khô thoáng, nắng ấm.

Chân dung “hiệp sĩ phá dịch”, bác sĩ Trương Hữu Khanh: Từ kẻ gàn dở của ngành y tới danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, cứu giúp cho vô số người - Ảnh 3.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM