Một trong những bom tấn thành công nhất mà Pixar từng sản xuất chính là Inside Out - tác phẩm với những cảm xúc vui, buồn, tức giận... trong đầu một cô bé 11 tuổi. Phim được cả khán giả nhỏ tuổi và người lớn yêu thích vì nội dung cảm động, cách mổ xẻ tâm lý trực quan, sống động mà vô cùng hợp lý. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng Inside Out chính là một bộ phim khai thác chủ đề có phần đen tối, nghiêm trọng hơn: căn bệnh trầm cảm ở nhân vật chính.
Sau khi ra mắt, nhiều khán giả đã chỉ ra các bằng chứng cho thấy cô bé Riley của Inside Out chính là một nhân vật bị trầm cảm. Hành trình tâm lý của Riley khiến nhiều người cảm thấy đồng cảm, cũng như căn bệnh nghiêm trọng này được phim giải thích dễ hiểu thông qua các cảm xúc trong đầu của cô bé. Càng về sau, bệnh trầm cảm của Riley càng phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn, đến mức cô bé không còn cảm thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc.
Khi Riley cùng với bố mẹ chuyển nhà đến thành phố San Francisco cũng là lúc chứng trầm cảm được hình thành trong cô bé. Lý do ban đầu chính là việc Riley không muốn làm bố mẹ buồn, cố gắng kìm nén sự thất vọng, buồn bã khi bắt đầu cuộc sống ở thành phố mới. Cũng ở những phân đoạn này, nhân vật Buồn Bã cũng hoạt động mạnh mẽ hơn trong Riley, tác động đến mọi thứ trong cuộc đời của cô bé. Vui Vẻ cố gắng hạn chế các tác động của Buồn Bã, thậm chí còn định "nhốt" Buồn Bã lại.
Tất cả ký ức của Riley đều được chứa trong những trái cầu nhỏ. Đa phần chúng đều có màu vàng - ám chỉ rằng phần lớn ký ức của Riley đều rất hạnh phúc. Thế nhưng khi Buồn Bã chạm tay vào những ký ức ấy, các quả cầu màu vàng cũng hóa thành màu xanh. Đó cũng chính là thời điểm khi Riley nhớ về kỷ niệm của mình, cô bé chỉ còn thấy sầu não. Riley từng thích trượt cầu thang, nhưng giờ đây sau khi Buồn Bã chạm vào ký ức này, cô bé không còn hứng thú với trò chơi ấy nữa.
Những cảm xúc khác tức giận với Buồn Bã. Họ không hiểu vì sao Buồn Bã lại làm thế với Riley, và chính Buồn Bã cũng không hiểu. Buồn Bã không muốn Riley trở nên tiêu cực, nhưng cô không thể ngăn mình lại. Đó là giai đoạn đầu của trầm cảm. Cũng nhờ những phân đoạn này, Pixar đã gửi gắm thông điệp: ngay cả những người bị trầm cảm cũng không hiểu hay ngăn cản được chuyện gì đang xảy ra với họ.
Khi cả Vui Vẻ và Buồn Bã biến mất, Riley không thể trở nên hạnh phúc và cũng không còn cảm thấy sầu muộn, không thể mở lòng, bộc bạch với mọi người xung quanh. Đây cũng là lúc Riley chìm sâu hơn vào chứng trầm cảm. Căn bệnh này dần phát triển, và Riley cũng không còn là bản thân mình của ngày xưa. Cô bé chỉ còn cảm thấy Chán Ghét, Giận Dữ và Sợ Hãi. Về sau, Riley không còn cảm nhận được bất kì điều gì nữa.
Đến cuối phim, các cảm xúc thật sự của Riley mới được lắng nghe. "Trụ sở cảm xúc" của cô bé cũng được "nâng cấp", khi Vui Vẻ cùng với các cảm xúc khác không còn thay phiên nhau điều khiển Riley mà ngược lại, tất cả cùng phối hợp. Đây không phải là một cái kết "hạnh phúc mãi mãi về sau" cho nhân vật. Tuy nhiên, phân đoạn này cũng cho thấy Riley đã tiến triển và có sự thăng bằng về cảm xúc - một điều vô cùng tốt đẹp cho những người có vấn đề về tâm thần.
Inside Out cho khán giả thấy rằng đôi lúc, không cảm thấy hạnh phúc cũng là điều hoàn toàn bình thường. Cũng nhờ bộ phim này, khán giả có cái nhìn cởi mở, hiểu thêm về các vấn đề tâm lý trong mỗi người. Sự sâu sắc của Inside Out và Pixar cũng chính là điều khiến tác phẩm này vượt qua những bộ phim hoạt hình khác, khiến cả trẻ nhỏ lẫn người lớn yêu thích.
Nguồn ảnh: Pixar