Theo ông, trạng thái bình thường mới của ngành du lịch Việt Nam hiện nay là như thế nào?
Trạng thái bình thường mới là không có khách hoặc rất ít khách. Khách inbound (khách quốc tế vào Việt Nam) hay outbound (khách Việt Nam đi quốc tế) là hoàn toàn không có, còn khách nội địa thì các đơn vị nội địa đang tiến hành các chương trình khuyến mại mạnh để kích cầu.
Trước đây, khách nước ngoài thường được ưu tiên còn khách nội địa thì ít ưu tiên hơn. Song ở thời điểm hiện tại, khách nội địa là sự lựa chọn duy nhất. Điều này có ý nghĩa như thế nào với các công ty du lịch?
Trong chỉ tiêu của ngành du lịch, không phải khách nước ngoài được ưu tiên hơn đâu. Các công ty vẫn có yếu tố chỉ tiêu khách nội địa. Tuy nhiên, khi tuyên truyền thì người ta hay nói về việc khách inbound đến thôi, chứ ít người đề cập đến nguồn du lịch nội địa.
Thực tế, du lịch nội địa trước giờ vẫn đóng vai trò chủ chốt, chủ đạo ở rất nhiều các địa điểm thăm quan du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Ví dụ, đi chùa Hương, Yên Tử hay Ninh Bình hay du lịch những địa điểm ở trong Sài Gòn, đi xuống miền Tây thì rõ ràng lượng khách nội địa vẫn là chủ đạo. Khi lượng khách nước ngoài mất đi thì bắt đầu người ta mới nói đến các con số về khách nội địa đi trong nước.
Với lượng khách du lịch như vậy, ngành du lịch sẽ gặp những khó khăn gì?
Sẽ có những khó khăn lớn. Thứ nhất, khách du lịch trong nước sẽ bị phân tán và sẽ có những khác biệt so với khách đi du lịch quốc tế. Nhiều công ty chỉ đón khách quốc tế trước đó, khi chuyển sang nội địa sẽ khó khăn, vì không có đội ngũ phục vụ khách nội địa cũng như đội ngũ làm thị trường.
Những công ty làm khách outbound đưa người Việt Nam đi ra nước ngoài cũng sẽ gặp khó khăn, nên tổng thể ngành du lịch sẽ gặp khó khăn. Những đơn vị nào làm đều cả 3 thị trường ví dụ như Vietravel thì khó khăn được giảm bớt do vẫn có thị trường trong nước. Một năm Vietravel có khoảng 400.000-500.000 khách đi trong nước.
Trong tháng 5 và tháng 6, các tour du lịch trong nước có thể nói là siêu rẻ. Nhiều nơi giảm hơn 50%, điều này có thể kéo dài đến lúc nào?
Trong bối cảnh hiện nay, để nhằm kéo khách thì doanh nghiệp phải chấp nhận thắt chặt chi phí, kể cả lợi nhuận cũng bỏ luôn. Vậy nên chúng ta thấy có nhiều đơn vị đưa ra giá thậm chí là dưới giá thành để có thể lôi kéo được khách. Nhưng điều này cũng không thể kéo dài lâu được.
Những đơn vị đặt giá dưới chi phí thì bắt buộc phải tính toán lại để đảm bảo dần cân bằng giá và chi phí. Nếu mà bán giá cao hơn ngưỡng thị trường thì khách không chịu nổi hoặc là doanh nghiệp sẽ không cạnh tranh nổi.
Tuy nhiên, chừng nào còn dịch, chừng nào nguồn khách từ nước ngoài chưa có, khách từ Việt Nam đi nước ngoài chưa có thì giá này còn tồn tại.
Nếu như vậy thì chất lượng dịch vụ du lịch có bị giảm đi hay không?
Không, vẫn tốt thậm chí là rất tốt. Bởi vì, có còn khách nào khác đâu, còn mỗi khách nội địa thôi nên buộc phải chăm chút thật kỹ (cười). Trước đây, bởi vì còn nguồn nọ nguồn kia nên đôi khi doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đến khách nội địa lắm, còn có thể sơ suất được. Chứ lần này, khách chỉ còn đúng một đối tượng thôi thì làm sao sơ suất được nữa?
Trong Covid-19, việc số hóa dịch vụ trong ngành du lịch được đẩy mạnh hơn. Ông có nhận xét gì về xu hướng này hậu Covid-19?
Rõ ràng vì sự an toàn mà khách hàng quan tâm đến du lịch "ít chạm", ít tiếp xúc. Đối với du lịch ít chạm, số hóa là một trong những cách để làm giảm sự tiếp xúc của khách trong bối cảnh dịch bệnh chưa kết thúc, và thế giới vẫn còn vật lộn với dịch bệnh.
Thế nên việc du lịch số, số hóa là rất cần và là xu thế. Nhưng chúng ta phải thấy rõ, không phải đối tượng nào cũng có thể số hóa. Đối tượng khác hàng dân văn phòng và khách từ 20-45 tuổi có thể số hóa, nhưng khách 50 tuổi, 60 tuổi thì câu chuyện lại khác. Tư vấn du lịch trực tiếp (face-to-face) vẫn còn tồn tại ở phân khúc khách hàng cao.
Du lịch ít chạm hay số hóa chỉ phù hợp với khách hàng phân khúc trung hoặc thấp, nhóm khách hàng "free & easy".
Ông có đề xuất chính sách Chính phủ sẽ tặng tiền cho người dân đi du lịch trong nước để kích cầu như một số quốc gia từng thực hiện. Tuy nhiên, với một nước mà ngân sách eo hẹp, lại có quá nhiều thứ phải lo, còn phải giảm thuế như Việt Nam, biện pháp này có khả thi không?
Chúng ta đều biết, "vốn mồi" và tác động domino đó có thể kéo được cả cái hệ thống lên.
Tại sao Nhà nước phải làm đường? Tại sao Nhà nước phải kéo điện? Điện trạm phải kéo vào để nhà đầu tư họ thấy có sẵn thì họ mới làm, xong điện rồi nhà đầu tư mới vào đầu tư để làm nhà máy. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế tổng hợp, bản thân du lịch cũng không thể nào tự mình phục vụ được nếu không có Chính phủ hỗ trợ, cần sự góp sức của nhiều ngành đặc biệt là của Chính phủ.
Vậy với một ngành kinh tế mũi nhọn thì cũng đáng để Chính phủ đầu tư chứ? Đầu tư ngoài chính sách ra cũng nên có đầu tư trực tiếp chứ?
Ví dụ, chính sách phát triển khu công nghiệp cho thuê đất, nhưng vẫn phải kéo điện làm đường đến nơi. Vậy du lịch cũng xứng đáng chứ? Hãy coi đó là khoản đầu tư giúp ngành du lịch sống trở lại.
Chúng ta hay nghĩ rằng ngành du lịch phải làm ra tiền, nhưng mà chúng ta đã đầu tư cho du lịch cái gì? Đã làm đường điện trạm đến tận cùng cho du lịch chưa?
Trước đây chưa ai có đề cập về vấn đề này hết, nên nghe có vẻ phản cảm. Tự nhiên đang khó khăn mà ông lại bảo cấp tiền cho đi du lịch. Nhưng, không đầu tư để giảm bớt giá thành đi thì làm sao mà tạo ra được một hệ thống doanh thu đằng sau, làm sao mà khuyến khích được thực khách, người dân đi du lịch? Và làm sao để người dân tiêu dùng, để toàn bộ hệ thống đằng sau được hưởng hết, được sống hết? Đó là một biện pháp cần phải tính đến trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ông suy nghĩ như thế nào ý kiến phản biện rằng có các nhu cầu cấp thiết khác cần hỗ trợ quan trọng hơn du lịch?
Tôi nghĩ nên đưa cho họ cần câu cơm. Lấy ví dụ như tôi xem tivi thông tin sáng nay: ở Phú Quốc, một anh lái cano rất vui vì khách quay trở lại vì lần đầu tiên sau 5 tháng ngồi trên bờ và không có khách. Anh bảo: "Ôi, may quá, sáng giờ tôi được 4 khách và tôi thu được 800.000 VND, còn hơn là ngồi trên bờ".
Khách du lịch đến thì như anh ta được hưởng. Ngoài ra, người bán hàng được hưởng, người hướng dẫn viên cũng được hưởng. Đừng nghĩ rằng họ đang đói lại đưa tiền cho họ đi du lịch. Trong một xã hội nếu cần kéo lên, thì chúng ta cần đầu tư trọng điểm, không phải tất cả đối tượng cần đầu tư đi du lịch, và những người không có tiền thì không được đi du lịch… Khuyến khích là để sau lưng du khách, những người bị yếu thế có cơ hội có việc làm từ đó.
Trong bối cảnh hiện nay, những rủi ro của ngành du lịch Việt Nam là gì?
Rủi ro là chúng ta không cẩn thận, để làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại. Trung Quốc hôm nay báo chí đưa tin 100 triệu dân ở tỉnh Cát Lâm đã bị cách ly lại rồi, lại phong tỏa rồi. Một số thành phố như Thư Lan đã phải phong tỏa lại. Những đồng tiền, những khoản đầu tư vừa bỏ ra để khởi động lại nền kinh tế coi như bị mất tiếp. Giống như là bẫy kép, đòn bồi chết luôn. Quá nguy hiểm! Vì thế du lịch gì thì cũng phải đảm bảo an toàn trước. Yếu tố an toàn là quyết định!
Nếu vậy, thái độ với khách du lịch nước ngoài hay khách Việt đi du lịch nước ngoài sẽ như thế nào trong những tháng tới?
Thứ nhất là phải an toàn, chỉ có thể mở cửa khi an toàn. Còn nếu không an toàn, mở cửa chính là tự sát! Vì thế chúng ta có thể tính toán, xây dựng những thị trường an toàn để mở. Chúng ta phải cân nhắc rất kỹ và Chính phủ là người quyết định cho phép hay không cho phép.
Ông dự đoán kịch bản gì cho du lịch trong năm 2020?
Tôi dự báo du lịch nội địa chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ đạo. Nếu Chính phủ có chính sách tốt thì sẽ có quy mô thị trường nội địa từ nay đến cuối năm khoảng 35-40 triệu khách/năm. Nếu như thị trường inbound mở ra được vào quý IV và quản trị tốt thì quy mô tối đa của thị trường (inbound) cũng chỉ là 5-6 triệu khách thôi.
Ngoài việc kiến nghị về cấp tiền cho người đi du lịch trong nước, tôi nghĩ cũng cần cho phép học sinh nghỉ hè thêm 1 tháng. Không chỉ kích cầu du lịch nội địa đâu mà còn tránh tình trạng no dồn đói góp. No dồn đói góp ở đây là việc các cháu ở nhà quá nhiều học liên tục không được nghỉ thì mình cần có 1 tháng đó, 1 tháng cũng là thời gian giúp cho du lịch có điều kiện để phục hồi.
Cảm ơn ông!