CEO thương hiệu Đỗ Mạnh Cường: “Người thành công thường khó tính, cẩn trọng nên tạo động lực cho chúng tôi làm sản phẩm chỉn chu, chất lượng”

Hồng Đăng/ Thiết kế: Hương Xuân | 06-06-2020 - 06:24 AM

(Tổ Quốc) - "Thất bại lớn nhất của một nhà thiết kế (NTK) là không định vị được thương hiệu. Biểu hiện là chạy theo số đông hoặc chỉ thoả mãn yêu cầu khách hàng mà xem nhẹ việc xây dựng màu sắc cá nhân. Chiến lược kinh doanh này không thể đảm bảo cho con đường dài", CEO Huy Cận chia sẻ.

Gần 20 năm về trước, khi Huy Cận đầu tư 7 tỷ đồng cho quán "Bún ta" đầu tiên tại TP. HCM, nhiều người đặt dấu chấm hỏi về khả năng thành công. Sự táo bạo tiếp tục nhân lên khi CEO này đầu tư tiền tỷ cho cửa hàng thứ hai tại Hà Nội. Rồi sự ra đời của cửa hàng thứ 3 tại Đà Nẵng, với số vốn gấp đôi trước đó, như lời đáp cho những hoài nghi ban đầu. 

Đang ăn nên làm ra, Huy Cận quyết định dừng lại để đồng hành cùng NTK Đỗ Mạnh Cường. Thương hiệu thời trang mang tên nhà thiết kế trẻ ra đời sau đó không lâu. Những chiếc váy "made in Việt Nam" có giá nghìn đô liên tiếp xuất hiện trong sự săn đón của giới mộ điệu. Huy Cận trở thành doanh nhân gắn bó với thời trang, như một mối duyên lớn. 

CEO thương hiệu Đỗ Mạnh Cường: “Người thành công thường khó tính, cẩn trọng nên tạo động lực cho chúng tôi làm sản phẩm chỉn chu, chất lượng” - Ảnh 1.

- Cơ duyên nào đã tạo nên sự kết hợp của anh và NTK Đỗ Mạnh Cường? 

- Năm 2007, tôi gặp Đỗ Mạnh Cường tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trong liveshow "Lam Xưa" của diva Thanh Lam. Tôi ấn tượng bởi Cường lạnh lùng, ăn mặc đẹp, nhìn qua đã có thể thấy hình bóng của một NTK. Ban đầu, tôi có ý định đến xem các sản phẩm của Cường nhưng rất tiếc thời điểm đó, cậu ấy là du học sinh tại Paris. 

Qua cuộc trò chuyện, tôi biết Cường sắp bỏ lỡ cơ hội có được show diễn cho tạp chí Đẹp vì phải trở lại Pháp tiếp tục học và làm việc. Như vậy thì thật đáng tiếc. Tôi khuyến khích Cường về Việt Nam, mua vé máy bay, hỗ trợ việc ăn ở tại TP. HCM để Cường có được show diễn chỉn chu. 

Sau đó, bộ sưu tập (BST) đầu tiên của Cường ra đời, mang tên là Cô đơn. Tôi ấn tượng lần nữa với thế giới quan của Cường và nghe được tâm sự của cậu ấy trong BST này. Một cảm giác khá kỳ lạ, tôi nghĩ mình cần phải giúp đỡ và có trách nhiệm với cái tôi đặc biệt của Cường. Một NTK không chỉ thành công khi diễn show, ra mắt BST mà phải có thương hiệu riêng. Tôi quyết định sẽ trở thành người dẫn đường cho Cường. Sau này tôi nhận ra, bản thân đúng như câu nói nổi tiếng của Ralph Lauren: Tôi không thiết kế trang phục, tôi thiết kế những giấc mơ. 

- Lúc ấy, NTK trẻ phản ứng thế nào? 

- Với Cường, đó là một niềm vui lớn, một cột mốc ý nghĩa trong sự nghiệp, mà sau này chúng tôi thường gọi đó là duyên. Thời điểm đó, việc mua vé để đi từ Paris về Việt Nam là cả một vấn đề, chưa tính đến việc ăn ở, đầu tư chi phí để làm BST… 

Ban đầu, tôi chỉ nghĩ sẽ tiếp sức ước mơ cho một sinh viên sắp ra trường. Nhưng niềm đam mê thời trang trong tôi cũng rất lớn. Các nhà hàng Bún Ta của tôi, tuy bán món ăn truyền thống nhưng không gian luôn mang tính thời trang rất cao, thậm chí đôi lúc khiến người qua đường ngỡ đó là cửa hàng thời trang. Cả tôi và Cường đều cho rằng, "Simple is the best" (Tối giản là đẹp nhất - PV), nhưng vẫn phải nổi bật, sang trọng. Tiếng nói chung đó càng củng cố cho việc ra đời một thương hiệu.

Thời gian đầu, trang phục của Cường thể hiện tính cách nổi loạn, nghiêng hẳn về trình diễn. Tôi chấp nhận điều đó vì tuổi trẻ có những đam mê cần được thoả mãn. Sau đó, tôi dần thuyết phục và vạch ra định hướng cho Cường. Bởi sự thành bại của một thương hiệu thời trang không chỉ đi thoả mãn cái tôi mà phải đáp ứng được nhu cầu khách hàng, tạo ra xu hướng và chiếm lĩnh thị trường. Thành công được tạo ra từ nền tảng của những suy nghĩ và việc làm thực tế, chứ không chỉ là mơ mộng.

CEO thương hiệu Đỗ Mạnh Cường: “Người thành công thường khó tính, cẩn trọng nên tạo động lực cho chúng tôi làm sản phẩm chỉn chu, chất lượng” - Ảnh 2.

- Đỗ Mạnh Cường có tin tưởng vào nhận định đó của anh không? 

- Cường cá tính nhưng vẫn biết lắng nghe, suy xét. Hơn hết, cậu ấy thông minh để biết nên làm gì cho tương lai. Nhưng mỗi quyết định trong kinh doanh không chỉ xuất phát từ sự suy xét được - mất mà còn phải bằng lòng tin. Kinh nghiệm và những thành công trước đó của tôi giúp Cường có được sự an tâm. Cảm giác đó trong kinh doanh là điều quý giá.

Bản thân tôi thấy được tài năng, đam mê của Cường với thời trang và muốn cậu ấy phải thành công, có cả tiếng lẫn miếng, chứ không thể hữu danh vô thực - như không ít nghệ sĩ. Sau khi tốt nghiệp, Cường có nhiều cơ hội tại Pháp, trước mắt là vào làm việc cho Christian Dior. Vì thế, quyết định thuyết phục Cường về Việt Nam làm việc, xây dựng sự nghiệp đặt trên đó áp lực không hề nhỏ. 

Với tôi, đó không còn là công việc kinh doanh thuần tuý, mà là bài toán về tương lai, sự thành bại của một con người. Cả một vấn đề không dễ. Dần dần, sự nổi loạn của Cường được tiết chế nhờ kết hợp ăn ý với quan điểm kinh doanh của tôi. Về sau, cậu ấy thay đổi rất nhiều, nhất là sự thực tế. 

Rất nhiều người nói Cường may mắn khi gặp tôi. Nhưng thực sự phải nói ngược lại, tôi quá may mắn khi gặp Cường. Nếu không có cơ duyên này, tôi sẽ không tìm thấy niềm đam mê kinh doanh thời trang ẩn sâu trong con người mình.

- Kinh doanh dựa trên tên tuổi của Đỗ Mạnh Cường. Ở góc độ doanh nhân, anh không cảm thấy rủi ro sao?

- Thương hiệu cần phải gắn liền với tên tuổi NTK, đó là quy luật hiển nhiên. Người lãnh đạo luôn cần nhìn xa trông rộng, vì thế họ đứng ở vị trí cao hơn, phần lớn trong sự im lặng để quan sát, điều chỉnh mọi thứ. Tôi không xuất hiện trong thương hiệu nhưng mọi người đều biết tôi đứng sau thành công của Cường. Vì thế, tôi không cảm thấy rủi ro.

Việc điều hành một thương hiệu đã có luật pháp điều chỉnh, nhưng hơn cả khả năng lãnh đạo là thước đo cho lòng tin, chứ không phải chi phối dựa trên quyền lực. Tôi luôn tạo ra một khoảng trống đủ để Cường cảm thấy thoải mái. Hơn hết, sự gắn kết nhiều năm qua cho chúng tôi cảm giác như người trong gia đình. 

CEO thương hiệu Đỗ Mạnh Cường: “Người thành công thường khó tính, cẩn trọng nên tạo động lực cho chúng tôi làm sản phẩm chỉn chu, chất lượng” - Ảnh 3.
CEO thương hiệu Đỗ Mạnh Cường: “Người thành công thường khó tính, cẩn trọng nên tạo động lực cho chúng tôi làm sản phẩm chỉn chu, chất lượng” - Ảnh 4.

- Lúc bắt đầu, anh đánh giá thị trường thời trang như thế nào? 

- Nhu cầu của thị trường lúc đó chưa bùng nổ như bây giờ. Ngay cả tôi là người đam mê, hướng ngoại, đi khắp nơi nhưng cũng chưa có khái niệm rõ rệt. Chẳng hạn, tôi đi New York, thấy giày của Louis Vuitton đẹp thì mua. Nhưng món hàng đó không thiết thực cho cuộc sống nên về nhà chúng lại được để vào một xó nào đó. Việc gặp Cường giúp tôi định hình lại, nhờ những kiến thức tân tiến về thời trang mà cậu ấy đã lĩnh hội. 

Bây giờ thị trường thay đổi nhiều. Số đông nắm bắt được xu hướng tốt hơn, ăn mặc đẹp hơn, hơn hết họ ý thức về làm đẹp nhiều hơn. Cường đưa ra xu hướng, còn tôi đẩy chúng lên cao trào, hướng tất cả những người phụ nữ xung quanh tôi đi theo xu hướng đó. Giờ đây, khách hàng của chúng tôi đi uống cà phê, trà chiều cũng phải mặc đẹp. 

- Vì sao các anh chọn đối tượng khách hàng là phụ nữ thành công và kiên định với lựa chọn đó? 

- Nếu không xác định được chính xác đối tượng ban đầu, có thể chúng tôi không có thương hiệu Đỗ Mạnh Cường như hôm nay. Thời điểm gặp Cường, tôi và các bạn bè doanh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn trang phục. Thị trường thời trang Việt Nam có nhiều thương hiệu nhưng tính ứng dụng, tạo ra xu hướng lại không có. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi. 

Tôi lên kế hoạch rất rõ ràng, trong 2 năm đầu, Cường cứ làm show để gây dựng thương hiệu. Kế tiếp, tôi đưa Cường lui tới những nơi mà người thành công thường tới. Cho Cường gặp gỡ để cậu ấy hiểu thực tế, khách của chúng tôi cái gì cũng mua được nhưng thường không mua được những thứ phù hợp với họ. Nghĩa rằng, việc làm đẹp, mặc đẹp của họ luôn chứa rủi ro cao do không có gu. 

Người thành công thường khó tính, cẩn trọng. Điều đó trở thành động lực để chúng tôi cho ra đời sản phẩm chỉn chu, chất lượng. Khi đã đáp ứng được yêu cầu của họ nghĩa rằng chúng tôi có thể phục vụ một nhóm đối tượng lớn hơn như thế. Như một tờ báo, phải biết độc giả của mình là ai, chúng tôi cũng xác định rõ khách hàng của mình là ai. Sau đó, kiên định tiến tới, chinh phục bằng bản lĩnh. 

CEO thương hiệu Đỗ Mạnh Cường: “Người thành công thường khó tính, cẩn trọng nên tạo động lực cho chúng tôi làm sản phẩm chỉn chu, chất lượng” - Ảnh 5.

- Số lượng khách hàng VIP của các anh khoảng bao nhiêu người? 

- Ban đầu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng họ mua rất nhiều. Chính lực lượng đó đã giúp chúng tôi làm show. Suốt một thập niên, họ vẫn say mê trang phục của Đỗ Mạnh Cường, mà thẳng thắn đó là sự trung thành với thương hiệu. Đôi lúc, chúng tôi vẫn không thể tin họ dành tình cảm, sự tin tưởng cho mình nhiều như thế. 

Ngay từ đầu, chúng tôi xác định sẽ tiếp xúc và tư vấn trực tiếp cho khách hàng VIP. Vì họ đứng ở vị trí cần được tiếp xúc với người ngang tầm. Điều đó càng làm gia tăng sự tin tưởng, tôn trọng từ khách hàng, giúp chúng tôi giữ chân họ trong ngần ấy năm dài. Những cuộc gặp này không chủ yếu nhắm vào mục đích bán hàng, mà trước hết phải thay đổi quan niệm thời trang của họ. Nhiều khách hàng thay đổi tới ngoạn mục, họ mời chúng tôi đi ăn rồi biếu quà thay lời cảm ơn vì nhờ mình mà họ đẹp hơn, tự tin và thoải mái hơn. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phục vụ theo nhu cầu của từng người. Sở trường của Cường nằm ở trang phục ứng dụng nhưng thi thoảng cũng có khách hàng muốn diện trong ngày trọng đại. Họ muốn đi tìm sự khác biệt trong xu hướng chung. Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng, nếu không trái với định hướng của thương hiệu. Nhìn rộng ra là tiêu chuẩn về cái đẹp của thời trang tối giản đã vượt ra khỏi khuôn khổ của trang phục ứng dụng. Đó cũng là sự thành công đáng ghi nhận của chúng tôi trong hơn 10 năm làm đẹp, thay đổi tiêu chuẩn cái đẹp trong thời trang.

- Bí quyết riêng nào giúp anh chinh phục và "giữ chân" những khách hàng có thể mua cả thế giới suốt một thập kỷ qua? 

- Chất lượng sản phẩm tốt và dịch vụ tốt, đó là 2 yếu tố tạo nên sự thành công của bất kỳ thương hiệu nào. Đặc biệt, chúng tôi có phương thức bán đồ trước show, đi ngược xu hướng chung, sau đó đến "Buy now, see now" (Tạm dịch: Nhìn thấy, mua ngay – PV) được hưởng ứng nồng nhiệt. 

Khách hàng được mua trước khi BST ra mắt, họ luôn có cảm giác thích thú. Đa phần họ đều là doanh nhân nên không chia sẻ quá nhiều hình ảnh hay làm ảnh hưởng đến BST khi chưa trình làng chính thức. Chúng tôi luôn biết nhu cầu của khách hàng, sau đó hướng họ đi theo chuyên môn của mình.

CEO thương hiệu Đỗ Mạnh Cường: “Người thành công thường khó tính, cẩn trọng nên tạo động lực cho chúng tôi làm sản phẩm chỉn chu, chất lượng” - Ảnh 6.

- Thành công về mặt thương hiệu, còn chuyện kinh doanh của các anh thì thế nào? 

- Nếu kinh doanh không thành công, chúng tôi lấy tiền đâu ra để thực hiện 2 show diễn/năm? Tôi không phải đại gia để bỏ tiền túi ra cho Cường làm show. Chúng tôi có ngày hôm nay là thành quả lao động hăng say và nghiêm túc. 

Chúng tôi rất quan tâm về thị trường trong nước. Vì thế, việc chọn ai để mặc thiết kế đầu tiên rất quan trọng. Điều đó cũng thể hiện tầm nhìn của chúng tôi với mỗi sản phẩm của mình. Chẳng hạn, với chân váy Tăng Thanh Hà diện trong show diễn năm 2018, chúng tôi đã thu về 7 tỷ đồng. Hay sau khi chị Diễm My mặc váy thêu hoa, chúng tôi sản xuất không kịp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

Chúng tôi nói không với việc giảm giá, ngay cả với người đẹp Diễm My, hoa hậu Hà Kiều Anh hay nữ diễn viên Tăng Thanh Hà… Đương nhiên, chúng tôi sẽ có những chương trình đặc biệt riêng để tri ân cho các khách hàng thân thiết. Nhưng vẫn phải nhấn mạnh là họ đều "chơi rất đẹp", đôi khi muốn tặng cũng khó. 

- Những yếu tố nào sẽ quyết định mức giá của thiết kế Đỗ Mạnh Cường? 

- Mức giá quyết định từ chất lượng, chất liệu, kỹ thuật cắt may… Chúng tôi luôn tạo ra sản phẩm giá trị cao hơn giá bán. Nhiều người cho rằng giá trang phục của Đỗ Mạnh Cường đắt như đồ hiệu, như thế thì họ cũng không phải là khách hàng của những thương hiệu lớn. 

Giá trang phục của chúng tôi mỗi năm tăng 5-10%. Chúng tôi tạo ra một điều đặc biệt mà các thương hiệu không làm được, kể cả những nhà mốt danh tiếng. Ví dụ, một mùa, các thương hiệu lớn sẽ làm một thiết kế 3 màu, còn Cường thì sẽ làm được 30 màu. Nếu khách hàng có 30 cái túi thì Cường làm đủ 30 màu váy tương xứng. Nghĩa rằng, chúng tôi tạo ra sự lựa chọn có biên độ rộng hơn cho khách hàng. 

CEO thương hiệu Đỗ Mạnh Cường: “Người thành công thường khó tính, cẩn trọng nên tạo động lực cho chúng tôi làm sản phẩm chỉn chu, chất lượng” - Ảnh 7.

- Nhiều thợ may tự tin có thể làm giống y hệt với mức giá 1/10. "Váy đạo nhái" của thương hiệu các anh nhiều nhan nhản. Anh nghĩ sao về điều này? 

- Hoạ tiết có thể giống nhưng chất lượng trang phục, kỹ thuật cắt may họ sẽ không thể nào sao chép được. Chỉ nhìn hình qua mạng xã hội hoặc nhìn xa ngoài thực tế, mọi người đều có thể đánh giá được đó có phải trang phục thật của Đỗ Mạnh Cường hay không. Đó cũng là điều giúp chúng tôi phát triển như hiện tại. 

Tôi thường nói với Cường, thành công lớn nhất của chúng tôi là mọi người làm theo nhưng không ảnh hưởng đến mình. Đỗ Mạnh Cường đã khẳng định vị trí trong làng thời trang Việt Nam bằng sự ảnh hưởng nhất định, thậm chí với cả thị trường vải ở chợ luôn. Họ thường canh xem mùa này Cường sẽ làm gì và sao chép. 

- Điều khó khăn nhất trong kinh doanh ngành thời trang theo anh là gì?

- Là tạo cảm giác tự tin cho khách hàng. Điều đó không chỉ giúp cho chính họ mà còn mang lại niềm vui và hiệu quả kinh doanh cho chúng tôi. Từ sự tự tin đó, sinh ra lòng tin và tạo nên sự gắn bó lâu dài. Nhiều người không làm được chuyện đó. 

Ngay từ đầu, tôi và Cường thống nhất nói không với việc cho mượn đối với người đẹp, ngôi sao. Càng đưa họ mặc, khách hàng càng sợ không dám mặc, đặc biệt với nhóm không quan tâm nhiều đến làng giải trí. Đối tượng khách hàng là doanh nhân thì phải phục vụ họ là chính. Chúng tôi vẫn có khách hàng là những ngôi sao hạng A nhưng số lượng khá ít. Họ là những người phụ nữ thành công, đẹp và nổi tiếng, ít nhiều cũng góp phần bồi đắp cho thương hiệu thêm vững mạnh.

- Sau khi đã đi một chặng đường dài, các anh có kế hoạch như thế nào trong thời gian tới?

- Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị cho sự ra đời của thương hiệu thời trang mới SIXDO, được đặt tên dựa trên việc Đỗ Mạnh Cường nhận 6 người con nuôi. SIXDO biến ước mơ muốn làm đẹp với trang phục của Đỗ Mạnh Cường của rất nhiều phụ nữ trở thành sự thật, nhưng với mức giá bình dân hơn. Dẫu vậy, chất lượng sản phẩm mang đến vẫn phải ở mức cao cấp. 

Nối tiếp ước mơ làm đẹp, chúng tôi mong muốn thương hiệu ra đời cũng sẽ hỗ trợ được cho những trẻ em mồ côi trong tương lai. Hơn cả giá trị về cái đẹp, thương mại, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp về tình thương thông qua thời trang. Theo dự kiến, SIXDO sẽ có mặt tại 30 tỉnh thành trên khắp cả nước. Việc giải bài toán trang phục bình dân nhưng chất lượng cao cấp rất khó, nhưng chúng tôi đã làm được.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

CEO thương hiệu Đỗ Mạnh Cường: “Người thành công thường khó tính, cẩn trọng nên tạo động lực cho chúng tôi làm sản phẩm chỉn chu, chất lượng” - Ảnh 8.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM