CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’

Quỳnh Lê | 25-09-2021 - 05:38 AM

(Tổ Quốc) - Tập đoàn Viettel đã đưa vào vận hành Viettel Innovation Lab - phòng thí nghiệm về các công nghệ 4.0 hoàn chỉnh và hiện đại nhất Đông Nam Á đặt tại Hà Nội và TP.HCM. Chia sẻ với Trí thức trẻ, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương cho biết: "Phòng lab cho thấy việc làm chủ công nghệ mới, nhất là 5G và AI là vô cùng quan trọng".


CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’ - Ảnh 1.

Theo đánh giá của ông, việc Viettel khai trương 2 phòng Lab (Viettel Innovation Lab) với nhiều công nghệ mới, nơi nghiên cứu, hợp tác, phát triển ứng dụng tiên tiến nhất về 5G, IoT, Cloud, Big Data, AI... và lần đầu tiên có ở Việt Nam, có ý nghĩa ra sao và có khả năng đem đến điều gì cho các hoạt động về chuyển đổi số tại Việt Nam?

Trước hết, Qualcomm cũng làm việc với Viettel mấy tháng vừa rồi để khai trương hai phòng lab này. Tôi muốn chúc mừng Viettel trong việc ra mắt 2 phòng lab 5G và IoT đầu tiên ở Việt Nam, bởi đây là phòng lab tiên tiến nhất trong khu vực. Qualcomm cũng rất tự hào hợp tác với Viettel trong việc xây dựng phòng lab. Đây là một môi trường, một sân chơi rất tốt cho các công ty công nghệ Việt Nam.

CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’ - Ảnh 2.

Những công nghệ trong phòng lab, từ 5G, mmWave, trí tuệ nhân tạo, IoT, cloud… đều là những công nghệ hàng đầu và có xu thế phát triển mạnh, tiềm năng lớn. Như vậy, các công ty công nghệ sẽ có thể tiếp cận với các nền tảng này.

Quan trọng hơn nữa, khi làm việc với Viettel thì tiêu chí ngay từ đầu của Qualcomm là mang những công nghệ, nền tảng mới nhất đến để Việt Nam đi đầu, chứ không đi sau. Ví dụ như về công nghệ di động, Qualcomm đã cung cấp nền tảng phát triển trên Snapdragon mới nhất của hãng trên thế giới: Snapdragon 888. Hoặc với kết nối 5G thì cũng là những nền tảng mới nhất, robot thì dùng RB5…

Việt Nam cũng đang tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ, như vậy việc phòng lab ra đời cũng sẽ phục vụ cho mục tiêu của đất nước. Việc làm chủ công nghệ mới, đặc biệt như 5G và AI là vô cùng quan trọng. Tôi cũng kỳ vọng rằng từ 2 phòng lab này, nhiều công ty công nghệ của Việt Nam có thể đưa những ý tưởng sáng tạo chuyển thành sản phẩm dịch vụ cụ thể, đáp ứng không chỉ cho nhu cầu Việt Nam, mà nhắm tới xuất khẩu luôn.

CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’ - Ảnh 3.

Tại Viettel Innovation Lab, các doanh nghiệp, start-up, nhà khoa học hay sinh viên có ý tưởng sản phẩm, giải pháp tốt sẽ được Viettel hỗ trợ sử dụng toàn bộ trang thiết bị tại phòng Lab cũng như các tài nguyên máy chủ Cloud và hệ thống server tính toán tại biên (Mobile Edge Computing) của Viettel… Ông có nhận xét gì về điều này?

Tôi nghĩ điều này rất tốt cho các startup, công ty công nghệ Việt Nam, hay kể cả sinh viên, nghiên cứu sinh. Viettel là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, cũng là nhà mạng hàng đầu, với hạ tầng về cloud, trung tâm dữ liệu lớn… Nếu các công ty công nghệ Việt Nam có thể tiếp cận và được hỗ trợ thì sẽ phát triển sản phẩm nhanh đáng kể.

Đặc biệt, không chỉ những bộ thiết bị trong phòng lab mà còn là mạng lưới. Ví dụ, một công ty Việt Nam muốn tạo ra một con robot trên nền tảng phát triển RB5 của Qualcomm, thì phải có mạng 5G để kết nối. Viettel là nhà mạng nên việc xây dựng, phát triển những sản phẩm robot 5G trong phòng lab Viettel và sử dụng mạng lưới 5G rất thuận lợi.

Viettel cũng cung cấp những dịch vụ này miễn phí. Đấy là thuận lợi rất lớn cho môi trường phát triển của các doanh nghiệp. Đây cũng là một mô hình mới trên thế giới, và có thể nói cũng là đầu tiên trong khu vực.

CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’ - Ảnh 4.

Theo ông, làm thế nào để các ý tưởng dự án sáng tạo về chuyển đổi số của các cá nhân, tổ chức đến với Viettel Innovation Lab nhanh, nhiều, đồng thời cũng có khả năng đi vào thực tế tương ứng?

Tôi nghĩ cách đầu tiên là quảng bá phòng lab đến các công ty công nghệ Việt Nam, các startup hay các trường đại học. Viettel đã xây dựng xong phòng lab, nên có thể hợp tác với Qualcomm, Ericsson… để đưa ra những chương trình phù hợp.

Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hiện đang rất mạnh, nên Viettel cũng có thể hướng đến việc hợp tác với các vườn ươm của startup.

Trong hệ sinh thái của startup về công nghệ thì vai trò của những quỹ đầu tư mạo hiểm là rất lớn. Như vậy có thể xem xét việc hợp tác với các quỹ, những vườn ươm để đưa startup vào làm việc và tiếp cận với phòng lab của Viettel.

Thuận lợi của việc kết hợp các công ty công nghệ và quỹ đầu tư đó là khi các công ty khởi nghiệp phát triển được sản phẩm rồi, thì quỹ đầu tư sẽ giúp kết nối thị trường, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm tốt hơn.

Lúc ấy, sức hút đối với startup hay công ty công nghệ Việt Nam cũng sẽ mạnh hơn, vì tiềm năng về mặt thương mại đã rõ ràng.

Còn đối với các trường đại học, Qualcomm cũng làm việc nhiều với các trường, vì hầu như mỗi trường đều có các chương trình nghiên cứu. Như vậy hạ tầng, thiết bị rồi hỗ trợ của Viettel trong phòng lab có thể được chia sẻ tại các hội thảo, bởi đây là nội dung mà các trường đại học cũng quan tâm.

Với sinh viên hay các nhà nghiên cứu, Viettel có thể thông qua các chương trình tại trường đại học để quảng bá, thúc đẩy hợp tác. Tôi cho rằng, các đối tác sẽ quan tâm hơn nữa tới Viettel.

Hiện nay, Viettel là nhà mạng lớn nhất Việt Nam, với tệp khách hàng cũng rất lớn. Như vậy, nếu Viettel có những chương trình giúp các công ty khởi nghiệp tạo ra sản phẩm thành công, kết nối với mạng lưới khách hàng Viettel thì họ sẽ có động lực để tham gia vào phòng lab nhiều hơn.

CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’ - Ảnh 5.

Viettel đã phối hợp với Ericsson và Qualcomm thiết lập được tốc độ 5G lên tới 4,7Gb/s trong phòng Lab mới, điều này có ý nghĩa như thế nào với việc phát triển 5G ở Việt Nam?

Việc đạt được tốc độ 4,7gb/s là một bước tiến rất quan trọng trong thương mại hóa dịch vụ 5G tại Việt Nam. Có thể nói, tốc độ 4,7 là tốc độ kỷ lục ở Việt Nam. Ngay cả trong khu vực và trên thế giới cũng là rất cao so với các nhà mạng khác.

Để đạt được tốc độ này thì Viettel, Qualcomm và Ericsson đã phải ứng dụng những tính năng mới nhất của 5G, ví dụ mmWave. Nói dễ hiểu thì 4G chỉ dùng cho băng tần trung thôi, còn 5G là dùng cho cả băng tần trung và băng tần cao.

Ví dụ, 4G cao nhất cũng chỉ 5-600Mb/s, mà đây là 4.700. Như vậy để đạt tốc độ 4,7Gb/s, phải dùng băng tần cao, là 26-28 GHz. Không chỉ dùng một băng tần, mà phải kết hợp nhiều băng tần lại với nhau. Viettel, Qualcomm và Ericsson đã làm việc chặt chẽ để ứng dụng tính năng mới nhất của 5G là chạy trên băng tần mmWave và dùng công nghệ gộp sóng.

4,7 không chỉ là một con số bình thường. Mà đạt được tốc độ 4,7 này, điều quan trọng là chứng minh được công nghệ 5G, Mmwave thực sự mang lại tốc độ và kết nối dữ liệu rất cao tại Việt Nam. Điều này đã được chứng minh thực tế với Viettel. Thứ hai, tốc độ này mở ra rất nhiều ứng dụng mới cho người dùng, cũng như mở ra các mảng kinh doanh mới cho nhà mạng Viettel.

CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’ - Ảnh 6.

Ví dụ với tốc độ 4,7 Gb/s, Viettel có thể cung cấp internet băng rộng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp, với chất lượng tương đương cáp quang. Điều này sẽ giảm rất nhiều chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam mà những nơi cáp quang không đến được.

Ví dụ khác là nhà máy thông minh. Hoạt động sản xuất của Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ đáng kể lên GDP Việt Nam. Muốn phát triển xây dựng nhà máy thông minh, cần phải có hạ tầng 5G mmWave tốc độ cao.

Hay như tại các sự kiện thế thao, ca nhạc trong sân vận động lớn, chỉ có tốc độ này thì Viettel mới cung cấp cho người xem video 360°. Từ đó, người xem có thể xem được nhiều video với độ phân giải cao cùng một lúc, từ nhiều góc khác nhau. Bình thường khi vào sân vận động, ngồi chỗ nào thì người xem chỉ nhìn được từ góc đó thôi. Nhưng dịch vụ video 360° sẽ giúp họ theo dõi một trận bóng đá, hay một buổi biểu diễn toàn cảnh.

Về mặt công nghệ, 5G đã chứng minh được những cái đã được "hứa hẹn". Đó là cơ sở để Viettel mở rộng hoạt động 5G mạnh hơn tại Việt Nam trong tương lai.

CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’ - Ảnh 7.

Đã 2 năm kể từ khi công nghệ 5G phát triển, đến nay nó đã đạt được những kết quả gì và Việt Nam cần làm gì để phát triển hơn nữa?

Đúng là 5G mới bắt đầu triển khai trên thế giới cách đây 2 năm, nhưng tốc độ thì vượt kỳ vọng của tất cả mọi người, kể cả Qualcomm. Có lẽ một phần vì 2 năm vừa rồi, thế giới phải chiến đấu với đại dịch Covid-19, cũng là một yếu tố thúc đẩy công nghệ kết nối.

Câu chuyện về chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực 2 năm vừa qua là rất đáng ngạc nhiên. Khoảng 75% doanh nghiệp hiện đã áp dụng mô hình làm việc từ xa, hoặc làm việc tại nhà linh hoạt. Rồi khoảng 2 tỷ học sinh phải học từ xa. Hay như ngành ô tô cũng là một lĩnh vực chuyển đổi vô cùng ấn tượng trong giai đoạn vừa rồi.

Đặc biệt Việt Nam lại là một trong những nước đi đầu. Chúng ta thử nghiệm công nghệ từ rất sớm, vào cuối năm 2019. Như vậy sắp tới, hạ tầng sẽ là một yếu tố quan trọng để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Trong tương lai, tôi nghĩ rằng để 5G phát triển hơn nữa, cần sự hợp tác chặt chẽ của cả hệ sinh thái công tư. Thời gian tới, cần nhà nước hỗ trợ về chính sách, tài nguyên băng tần.

CEO Qualcomm Đông Dương: ‘Tốc độ 5G kỷ lục tại Viettel Innovation Lab là bước tiến rất quan trọng trong thương mại hoá dịch vụ 5G Việt Nam’ - Ảnh 8.

Còn đối với Viettel và các nhà mạng khác, cần xây dựng chiến lược hạ tầng mạng lưới chắc chắn, để nhắm tới việc mở rộng ứng dụng 5G ra những mảng mới, không chỉ smartphone, không chỉ người với người, mà là kết nối hạ tầng.

Nếu nhìn vào các triển vọng 5G ở Việt Nam qua những bước thử nghiệm tốc độ, lắp đặt hệ thống của đối tác Viettel, ông đánh giá như thế nào?

Triển vọng phát triển 5G tại Việt Nam rõ ràng là rất tiềm năng. Bởi vậy, các nhà mạng hiện nay đang chuẩn bị cho kế hoạch phát triển 5G mạnh mẽ hơn trong năm nay và sang năm.

Năm vừa qua chúng ta mới mở rộng, bắt đầu thử nghiệm ở một số thành phố lớn. Hy vọng sang năm 2022, 5G sẽ đến được với nhiều người dân Việt Nam hơn. Tôi cũng kỳ vọng những chính sách của nhà nước sẽ được đưa ra để đảm bảo phát triển 5G, đặc biệt là tài nguyên băng tần, không chỉ băng tần trung mà còn băng tần cao.

Về mặt thiết bị, cần nhiều các thiết bị 5G hơn, với giá rẻ hơn để người dùng dễ tiếp cận. Hiện nay các nhà cung cấp thiết bị, trong đó có Qualcom cũng đang tích cực đưa sản phẩm ra thị trường với giá rẽ. Sắp tới, hy vọng người dùng có nhiều sự lựa chọn khi mua thiết bị 5G của Viettel và các nhà mạng khác.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.