Câu chuyện kinh doanh của nữ doanh nhân Việt Kiều này xuất phát từ khai thác bản quyền âm nhạc. Nhưng nay, sau hơn 12 năm ở Việt Nam, POPS Worldwide đã là doanh nghiệp (DN) Việt đầu tiên trong ngành giải trí bước chân ra thế giới với việc mở rộng thị trường ra Thái Lan, Singapore, Indonesia và sắp tới là Philippines.
Từ âm nhạc bản quyền, lĩnh vực hoạt động của POPS đã mở rộng sang sản xuất, cung cấp, phát hành nội dung số, truyện tranh online, mới đây nhất là thể thao điện tử… trên các nền tảng kỹ thuật số từ YouTube, Facebook cho đến ứng dụng giải trí POPS. Kịp thời thích ứng với những biến chuyển từ Covid-19, POPS đã ghi nhận những tác động tích cực của đại dịch lần này.
Với người Việt, vào những năm đầu thế kỷ 21, bản quyền là một khái niệm hết sức xa lạ. Xét trong quan điểm của một người làm kinh doanh, tiềm năng nào khiến bà quyết định lập nghiệp trong lĩnh vực này?
Esther Nguyễn: Về Việt Nam lập nghiệp với tôi là một quyết định bất ngờ và cũng nhiều yếu tố cá nhân hơn là tiềm năng kinh tế. Tuy nhiên, có mặt ở đây vào giai đoạn đầu những năm 2000, rất nhiều người nước ngoài sẽ có chung cảm nhận với tôi, rằng nguồn sinh khí của đất nước đang hừng hực. Nó đầy tiềm năng bởi tất cả đều mới mẻ và chưa được tạo điều kiện khai thác. Với một thị trường hoàn toàn mới như vậy, doanh nghiệp chỉ cần chịu khó học hỏi và cố gắng tạo sự khác biệt thì khả năng bứt phá rất thuận lợi.
Sau một thập kỉ kinh doanh ở quê nhà, hiện trạng của nền kinh tế này có giống với tưởng tượng của bà ngày đó?
Esther Nguyễn: Trong tất cả những điều mới mẻ của thị trường thời điểm đó thì nội dung số là thứ mới mẻ hơn cả. Người dùng sẽ ồ lên ngạc nhiên khi biết rằng, nghe nhạc, đọc truyện online thì phải trả tiền. Ai cũng quen với việc chỉ cần lên mạng tải là có hẳn một CD mp3 để nghe từ sáng đến chiều. Biết là khó nhưng tôi tin, mọi thứ đều có thể thay đổi, như việc các bà nội trợ không cần xách giỏ đi chợ mỗi ngày mà ở nhà lướt điện thoại, có người giao thực phẩm tới để chế biến như hiện nay. Chỉ sau 5 năm, người Việt đã biết đến khái niệm bản quyền âm nhạc online, sau 10 năm thì đã biết, sử dụng những tài nguyên nội dung trên internet đều phải chi trả bản quyền. Bây giờ, chuyện trả tiền bản quyền không còn làm cho người ta ngạc nhiên và chuyện không tuân thủ bản quyền sẽ bị chỉ trích.
Chúng ta đã phát triển một bước rất dài trong việc kinh doanh nội dung số ở Việt Nam. Sự phát triển này có tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán của tôi nhưng đích đến cuối cùng, đúng là như thế. Từ những ngày đầu, tôi đã luôn tin tưởng rằng, người Việt sẽ có cái nhìn khác về vấn đề bản quyền với các tài nguyên số.
Bà Esther Nguyễn, CEO POPS Worldwide
Nghĩa là, những vi phạm về mặt bản quyền ở Việt Nam đã giảm thiểu rất đáng kể?
Esther Nguyễn: Ý thức của người dùng được cải thiện đáng kể không đồng nghĩa với việc tỉ lệ vi phạm bản quyền ít đi. Tựa như vòi bạch tuộc, câu chuyện vi phạm bản quyền nội dung số hiện nay vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, phát hiện, ngăn chặn được trang này thì sẽ có một trang khác xuất hiện. Tuy nhiên, không phải vì điều này mà chúng ta buông xuôi mà ngược lại, càng phải có thái độ kiên quyết hơn. Cũng như câu chuyện ở quá khứ, nếu chúng ta quyết liệt hơn hôm nay thì tương lai, nhận thức sẽ tiếp tục được cải thiện.
Cách thức quyết liệt của bà trong vấn đề bản quyền là gì?
Esther Nguyễn: Sự thay đổi trong quan niệm cần phải đi qua một, hoặc hai thế hệ mới có thể triệt để. Ở POPS, chúng tôi rất hiểu đặc thù của thị trường nên khi phát hiện những đơn vị vi phạm tác quyền mà POPS đầu tư, khai thác, chúng tôi thường dùng giải pháp đối thoại, kêu gọi tôn trọng trước tiên. Sau đó, là ngồi lại cùng nhau để thương thảo tìm ra hướng giải quyết phù hợp để bảo vệ quyền lợi của các bên.
Tuy nhiên, nếu không nhận được sự hợp tác, đối thoại, các đơn vị tiếp tục xâm phạm, POPS sẽ có những động thái cứng rắn, kiên trì đến cùng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình trên cơ sở tôn trọng tác quyền nói chung. Để có được nội dung số cung cấp cho thị trường, từ những nhà sáng tạo, đơn vị sản xuất, đơn vị đầu tư, khai thác… đều phải làm việc cật lực. Xâm phạm tác quyền không chỉ gây thiệt hại cho đơn vị đầu tư mà còn là hành vi cản trở sáng tạo.
Luật chơi trong thị trường nội dung số ngày càng khắt khe hơn. Không chỉ POPS, hiện các nền tảng cung cấp nội dung số của thế giới đều đang rất quyết liệt trong việc tôn trọng tác quyền. Ví dụ gần đây nhất là Funtoon, một ứng dụng có khá nhiều thành viên của Việt Nam đã bị tháo khỏi kho ứng dụng của cả Android và IOS vì vi phạm bản quyền các bộ truyện mà POPS đầu tư, độc quyền khai thác ở Việt Nam.
Các thương hiệu lớn hiện nay cũng vậy, họ không chấp nhận xuất hiện trên các trang vi phạm bản quyền nội dung dù lượng truy cập hay thành viên có nhiều đến bao nhiêu. Việc này cho thấy, ở thị trường quốc tế, luật chơi rất rõ ràng, nếu không tôn trọng, xâm phạm bản quyền của các đơn vị khác thì nền tảng kinh doanh của chúng ta cũng không bền vững.
Việc hàng loạt các vi phạm bản quyền cho thấy, nội dung số là mảnh đất khá tiềm năng và màu mỡ. Theo đánh giá của bà, thị trường nội dung số Việt Nam có đủ lớn?
Esther Nguyễn: Thống kê Digital 2020 do We are Social và Hootsuit thực hiện cho thấy, thế giới hiện có đến 4,54 tỉ người dùng internet, chiếm 59% dân số toàn cầu. Tại Việt Nam, trung bình người dùng dành hơn 1 giờ mỗi ngày cho việc nghe nhạc, xem các nội dung giải trí trực tuyến. Con số này cho thấy nhu cầu nội dung số của người Việt nói riêng và thế giới nói chung khá cao.
Trong bối cảnh Covid-19 khiến mọi người phải ở nhà nhiều hơn, nhu cầu thưởng thức nội dung trên internet lại càng tăng cao. Công nghiệp nội dung số thời gian qua đang có tốc độ phát triển có thể xem là bứt phá.
Theo báo cáo Nghiên cứu đề xuất những hướng dẫn thực thi để phát triển nội dung số bản địa tại các nước ASEAN, do Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (NIICS) thực hiện, tính riêng trong cộng đồng ASEAN với hơn 400 triệu người, doanh thu hằng năm của ngành công nghiệp nội dung số khu vực ước đạt 150 tỉ USD, trong đó nguồn thu từ bản quyền đạt 5-7 tỉ USD và lên tới 55-65 tỉ USD cho các dịch vụ nội dung số. Tại Việt Nam, doanh thu quảng cáo trên thiết bị di động, chủ yếu đến từ các ứng dụng, được dự báo sẽ tăng mạnh, lên tới hơn 200 triệu USD vào năm 2020. Bà đánh giá thế nào về những con số này?
Esther Nguyễn: Tiềm năng của ngành nội dung số Việt Nam còn có thể phát triển hơn rất nhiều lần bởi nó bao gồm rất nhiều lĩnh vực như âm nhạc, truyện tranh, thể thao điện tử, tiểu thuyết, giáo trình... Hệ sinh thái của POPS hoàn thiện được cũng là nhờ tổng hoà của tất cả các nội dung này.
Chúng tôi may mắn sở hữu lực lượng người trẻ, giàu sáng tạo và thích ứng rất tốt với công nghệ thông tin. Có khá nhiều bất ngờ trong thị trường này, như việc chúng ta hoàn toàn có thể "xuất khẩu" nội dung số thuần Việt sang các nước khác. Khá nhiều đối tác từ Thổ Nhĩ Kỹ, Brazil… chủ động đàm phán với POPS để được mua bản quyền những bộ truyện tranh số thuần Việt như: Cánh Hoa Trôi Giữa Hoàng Triều, Anh Trai Tôi Là Khủng Long,…. Đây cũng là những bộ truyện đang "làm mưa làm gió" trên sân nhà, với lượng truy cập lên đến hàng triệu lượt, gây bất ngờ cho chính những người làm nghề.
Là một trong những DN nội dung số Việt Nam hiếm hoi bước chân ra khu vực, trong mặt bằng chung các quốc gia trong khu vực, thị trường nội dung số Việt Nam có những khởi sắc nào, thưa bà?
Esther Nguyễn: Như đã nói, nhu cầu nội dung số ở các nước đều rất cao. Chúng tôi may mắn mở rộng được thị trường của mình sang Thái Lan và mới đây nhất là Indonesia. Mỗi thị trường đều có những đặc thù khác nhau và khả năng sáng tạo cũng rất khác biệt. các quốc gia phương Tây ngày càng hứng thú với nội dung số đến từ Châu Á. Tôi có niềm tin rất lớn với những bạn trẻ Việt Nam. Nguồn tài nguyên này, nếu khai thác tốt, tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển thành trung tâm sáng tạo nội dung cho cả khu vực, trong tương lai.
Khó khăn nhất trong việc kinh doanh nội dung số, theo bà, là gì?
Esther Nguyễn: Kinh doanh ở lĩnh vực nào, cũng có những thử thách riêng. Tôi ít quan tâm đến việc mình sẽ đối mặt với những khó khăn nào mà nghĩ nhiều đến việc, sẽ giải quyết việc đó ra sao.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ này.