Trong suốt hơn 1 thập kỷ nỗ lực và gặt hái được nhiều thành công, vị nữ doanh nhân cũng đã trải qua không ít thăng trầm, tuy nhiên, chính tình yêu với nghệ thuật truyền thống Việt Nam cũng như bản lĩnh kiên cường vốn có đã giúp chị vượt qua tất cả, vươn tay chạm tới ước mơ.
Con đường ngắn nhất là từ trái tim đến trái tim
Nguyễn Thị Minh Thu chọn lối đi riêng với mục tiêu phục vụ chủ yếu các khách hàng châu Âu, châu Úc và châu Mỹ chứ không phục vụ tất cả các khách du lịch đến Việt Nam và sơn mài là mặt hàng duy nhất.
"Muốn tập trung 1 lĩnh vực thì từ mẫu mã đến chất lượng sản phẩm và nhân viên phục vụ đều được đầu tư một cách chuyên sâu, đem đến dịch vụ tốt nhất có thể. Kết quả là với sự chuyên tâm và chuyên sâu của mình, mẫu mã sản phẩm càng ngày càng đẹp hơn, tinh xảo hơn và dần khách hàng cũng đông hơn", Nguyễn Thị Minh Thu chia sẻ.
Với một quy trình khép kín: có xưởng sản xuất, có phòng giới thiệu các khâu, bước để tạo ra một bức tranh gồm chất liệu gì? Từng bước hoàn thiện thế nào? Để khách tới thăm quan mua sắm tận mắt chứng kiến và hiểu về quy trình làm ra sản phẩm… Đông Phương Art không chỉ hoạt động ở dạng thức mua - bán đơn thuần mà là nơi trao các giá trị để khách hiểu hơn về sản phẩm, sau đó việc mua hàng là cách để lưu giữ giá trị của sản phẩm đó.
"Khách hàng đến với công ty mình, nếu họ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ thì họ mới mua, còn họ chưa mua có thể là do nhân viên mình chưa chạm đến trái tim của họ hoặc cũng có thể họ không có nhu cầu", Minh Thu nói với vẻ tự hào và đặc biệt vui vẻ công khai về tỷ lệ khách đến mua hàng - điều hiếm thấy ở những người làm kinh doanh.
Mỗi lần nhận được lời nhắn của khách quen, giống như: "Tranh của các bạn tôi mua cách đây 10 năm mà bây giờ vẫn đẹp như ngày đầu", mình xúc động đến quên ăn, quên ngủ, bởi đó là kết quả của việc trao giá trị sản phẩm đến khách hàng.
"Chuyên chở" văn hóa qua những món quà nhỏ bé
Với tâm thế "đem giá trị truyền thống văn hóa đến khách hàng mà sản phẩm đó phải tốt nhất", Minh Thu đã truyền cảm hứng tới tất cả các nhân viên trong công ty, từ những nghệ nhân sơn mài có đôi bàn tay vàng cho tới các họa sĩ nổi tiếng.
Trước hết, đó là quan niệm "đã làm việc thì không có từ thất bại, đơn giản là việc gì không thành công cũng đem lại cho chúng ta những bài học nhất định".
Những ngày đầu, chị nghĩ khách du lịch sẽ thích những bức tranh hoa tulip nhưng kết quả… hàng loạt tranh không bán được. Hoa tulip đẹp nhưng đó không phải loài hoa đặc trưng của Việt Nam bởi vậy dù sản phẩm đẹp nhưng cũng không bán được.
Sau cú vấp ngã đó, các họa sĩ, đội ngũ thiết kế đã cùng nhau dốc sức tìm ra những sản phẩm mang đậm màu sắc, phong cách bản địa và từ đó, những sản phẩm với hoa đào đỏ đã ra đời.
Ban đầu là sản phẩm sơn mài, giờ đây, Minh Thu đã phát triển thêm chế tác ngọc trai và trang sức. Cùng với những bức tranh và các sản phẩm sơn mài được làm hoàn toàn thủ công theo một cách hết sức kỳ công, "chuyên chở" văn hóa, thiên nhiên đất nước, con người của dải đất hình chữ S xinh đẹp là những trang sức ngọc trai tinh xảo, sang trọng được làm từ những viên ngọc trai nước mặn. Ngọc trai này thu hoạch từ những con trai được chính "gia chủ" nuôi trồng ở vịnh Bái Tử Long trong một chu trình nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, nuôi cấy đến thu hoạch và chế tác…
"Khách nước ngoài đến đây đều thích mua những bức tranh phong cảnh, đất nước, con người Việt Nam hoặc tranh về các phong tục, truyền thống văn hóa dân gian Việt xưa và nay. Chính vì thế, công ty mình có cơ hội đưa chùa Một Cột, vịnh Hạ Long, cầu Long Biên, ruộng bậc thang... vào tranh, vừa dễ bán lại vừa cảm thấy vinh dự tự hào khi thấy khách trầm trồ khen tranh đẹp", Minh Thu chia sẻ và cho biết.
Minh Thu là gương mặt nổi bật trong giới doanh nhân trẻ Việt Nam với những đóng góp lớn cho cộng đồng. Mọi việc chị làm, dù kinh doanh hay thiện nguyện đều ở tâm thế của một người Việt yêu nước, trân trọng những giá trị truyền thống.