Ngày 19/4 vừa qua, tại Hà Nội, doanh nhân Nguyễn Bích Hằng (Hotmom Hằng Túi) đã tổ chức hội thảo "Thảo luận: Xu hướng bán hàng 2023: D2C, B2B và B2C" với sự tham gia của khách mời Tony Dzung, nhà sáng lập HBR Holdings.
Tại buổi hội thảo, CEO Nguyễn Bích Hằng đã đưa nhận định, quan điểm của mình về 3 mô hình kinh doanh hiện đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới trong đó chia sẻ về D2C - xu hướng mới mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho khâu bán hàng, quản trị của doanh nghiệp. Đồng thời, chị và khách mời cũng chia sẻ những nền tảng số tiềm năng mà các nhà bán hàng có thể tận dụng, khai thác để mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng trong thời đại số 4.0.
Theo chị Nguyễn Bích Hằng, mô hình bán D2C (Direction to Customer) là hình thức bán hàng trực tiếp từ người bán đến người dùng cuối mà không cần qua các kênh trung gian như đại lý, cửa hàng bán lẻ.... Điều này khác biệt với phương thức B2C (Business to Customer) đó đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua nhiều kênh khác nhau. D2C nhanh chóng nở rộ và được áp dụng trên thế giới khi dịch Covid-19 xảy ra, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và khi xu hướng, hành vi của người dùng không còn thói quen đến trực tiếp cửa hàng. Với D2C, doanh nghiệp sẽ thực hiện bán hàng qua kênh website, cửa hàng chính hãng hay trên các sàn thương mại điện tử
Mô hình này mang lại nhiều ưu điểm như doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, thấu hiểu khách hàng hơn để mang đến những trải nghiệm tốt nhất, tăng cường kết nối mối quan hệ với họ, cắt bỏ các chi phí trung gian không cần thiết, kiểm soát và quản trị rủi ro tốt hơn. Tất cả góp phần gia tăng doanh số và giá trị thương hiệu.
Tuy nhiên, theo chị Hằng, D2C cũng có nhiều những điểm hạn chế như tốn kém chi phí khi phải đầu tư một hệ thống công nghệ, phải tự tìm kiếm khách hàng, chịu trách nhiệm trong khâu đặt hàng, thanh toán, vận chuyển…. Do đó, trước khi áp dụng mô hình này, bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải hoàn thiện cả về công nghệ lẫn nhân lực có chuyên môn đảm nhiệm.
Đánh giá về sự "yếu thế hơn" của phương thức bán hàng truyền thống là B2B, B2C, CEO Nguyễn Bích Hằng nhận định: "Để có thể đáp ứng được nhu cầu và xu hướng dịch chuyển của công nghệ và thói quen tiêu dùng thì việc chuyển mình là yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp trong giai đoạn đầy thách thức của thị trường. Doanh nghiệp của bạn có thể cân nhắc áp dụng D2C nếu có tiềm lực sẵn sàng cũng như thấu hiểu rõ về đối tượng khách hàng của mình. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, B2B và B2C vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng với nhiều ưu điểm bền vững như khả năng tối ưu hoá chuỗi cung ứng và giảm chi phí sản xuất."
CEO Nguyễn Bích Hằng chia sẻ tại buổi hội thảo
Buổi hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của những người làm kinh doanh
Tại buổi hội thảo, khách mời Tony Dzung cũng đã chia sẻ thêm về quan điểm của mình trong việc xây dựng bộ máy vận hành để phù hợp với từng mô hình B2B, B2C và D2C tại doanh nghiệp. Trong đó việc ứng dụng sử dụng các nền tảng công nghệ sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2023, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi và cập nhật xu hướng mới. Biết tận dụng những điểm mạnh của mạng xã hội như độ phủ sóng rộng, độ lan tỏa nhanh, các tính năng phong phú để đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng mục tiêu.