Tại đại hội cổ đông diễn ra gần đây, Vinamilk đã thông qua kế hoạch bổ sung thêm ngành kinh doanh mới là dịch vụ phục vụ đồ uống, cụ thể là quán cà phê, giải khát và kinh doanh nhà hàng, các dịch vụ ăn uống.
Theo thông tin trước đó, năm 2019, VInamilk đã mở một cửa hàng tại trụ sở chính ở quận 7, TP HCM với thương hiệu "Hi-Café". Tuy nhiên, trong thời gian thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống này, công ty vận hành thông qua hợp tác với một đối tác khác.
Năm nay và những năm tiếp theo, Vinamilk dự kiến mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau, và sẽ trực tiếp vận hành hoạt động kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Trước quan ngại của một số cổ đông về vấn đề Vinamilk tham gia thị trường khi nhiều chuỗi cà phê đang thua lỗ, phải đóng cửa, CEO Mai Kiều Liên đã giải đáp rõ hơn về vấn đề này.
"Công ty không có tham vọng thuê những địa điểm giá 10.000-20.000 USD/tháng để mở cửa hàng mà tận dụng những lợi thế của mình để đi vào ngành hàng nước giải khát", Zing dẫn lời bà Mai Kiều Liên.
Theo đó, công ty ra sản phẩm cà phê để phát triển ngành hàng giải khát, kết hợp với lợi thế có sẵn về sản phẩm sữa. Vinamilk đang sở hữu hệ thống 430 cửa hàng chuyên doanh bán sữa của riêng mình. Các cửa hàng sữa này có thể pha chế cà phê đáp ứng nhu cầu uống tại chỗ và mang đi của người tiêu dùng.
Năm nay, dù chịu ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, ban lãnh đạo Vinamilk vẫn đề ra kế hoạch kinh doanh khả quan. Theo đó, doanh thu đạt khoảng 59.600 tỷ đồng, tăng 5,7% so với kết quả thực hiện năm 2019; lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 1,6% lên 13.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinamilk cũng tiếp tục đầu tư, phát triển những sản phẩm sữa mới như organic. Bà Liên cho biết sản phẩm sữa organic của Vinamilk chủ yếu đáp ứng phân khúc khách hàng có nhu cầu cao. Công ty đã có chiến lược phát triển sữa organic tại nhiều thị trường khó tính, nơi người tiêu dùng có thu nhập cao với nhận định đây là dòng sản phẩm có tương lai tươi sáng.