CEO Linh Nga Bridal - người đứng sau những chiếc váy cưới đình đám bật mí phương pháp giáo dục con đáng nể

San San | 11-09-2022 - 14:00 PM

(Tổ Quốc) - Vì có một người mẹ luôn start-up 8, 9 năm nên các bé sẽ học được cách tự lập, thích nghi với 1 bà mẹ bận rộn. Dẫu vậy, với phương pháp giáo dục "làm bạn với con", 3 bé nhà CEO Linh Nga luôn có thời gian chất lượng bên bố mẹ.

Nếu theo dõi hàng loạt đám cưới của những ngôi sao nổi tiếng trong showbiz Việt như hot girl Xoài Non, vợ cầu thủ Hà Đức Chinh, vợ cầu thủ Bùi Tiến Dũng, Á hậu Thúy Vân... hẳn nhiều người đã không còn xa lạ với cái tên Linh Nga Bridal - người đứng sau những chiếc váy cưới đình đám, tôn vinh nhan sắc cô dâu lên một tầm cao mới khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ.

Đằng sau những chiếc váy cưới tiền tỷ ấy và thương hiệu Linh Nga Bridal là nhà thiết kế Linh Nga - tên thật là Đinh Thị Phương Thảo. Thành công trong sự nghiệp, có được vị trí mà bao người mơ ước, nhiều người tò mò không biết cuộc sống gia đình, câu chuyện làm vợ, làm mẹ của nữ hoàng váy cưới này có điều gì đặc biệt. Hãy cùng lắng nghe một chút tâm sự của CEO Linh Nga Bridal về gia đình nhỏ của mình nhé. 

CEO Linh Nga Bridal

- Chào chị Phương Thảo, chị có thể giới thiệu một chút về công việc cũng như gia đình nhỏ của mình không?

Mình là Phương Thảo, hiện 36 tuổi, là Founder và CEO của công ty Lina Vũ, sở hữu 2 thương hiệu áo cưới Linh Nga Bridal và Shila Bridal. Mình đã kết hôn được hơn 10 năm và có 3 bé: bé Linh Nga - được lấy để đặt tên cho thương hiệu áo cưới - có nickname là Mèo, sinh năm 2014; bé Tùng Lâm - nickname Leo - sinh năm 2017 và bé Hoàng Vũ - nickname Beo - sinh năm 2019.

Mình và chồng chuyển vào sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6/2014, trước đó mình học tập và làm việc tại Hà Nội. Chồng mình là Founder và CEO của một agency về digital marketing và Founder một công ty chuyên cung cấp giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp bán hàng trên Ecommerce. Hai vợ chồng điều hành các công ty khác nhau đều cực bận rộn do đó các bé nhà mình thiệt thòi hơn vì bố mẹ không thể dành được nhiều thời gian cho các con. Tuy nhiên mình luôn mong muốn thời gian dành cho con ít nhưng phải chất lượng. 

Sinh xong vài giờ là đã có thể giao nhận, duyệt công việc, không hề kiêng cữ hay nghỉ thai sản 

- Đạt được thành công nhất định trong sự nghiệp, chị cảm thấy điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống gia đình của mình? Chị có nghĩ khi bố mẹ nổi tiếng thì các con sẽ có cuộc sống áp lực lớn hơn những bé cùng tuổi không?

Mình vẫn đang liên tục trong các giai đoạn khởi nghiệp khác nhau, luôn phải phát triển công ty hơn nữa chứ chưa sở hữu thành công.

Đối với mình thành công bước đầu chỉ khi đã mang lại công ăn việc làm cho hơn 1000 người - thương hiệu phủ khắp Việt Nam - mang lại giấc mơ trở thành cô dâu lộng lẫy nhất cho các khách hàng từ thành phố lớn tới các tỉnh lớn và nhỏ trên cả nước. 

Đinh Thị Phương Thảo là người đứng sau những chiếc váy cưới đình đám của các ngôi sao showbiz Việt. 

Việc có một bà mẹ luôn startup 8-9 năm liền thì các con mình khá thiệt thòi, nhiều khi kể chuyện hoặc đòi một cái gì đó mà mẹ đang mải nghĩ công việc không kịp nghe, vậy là có cớ giận mẹ rồi. Thời gian chăm sóc, ôm ấp, hay nghỉ thai sản thực sự rất thiếu thốn. Ngay từ khi bầu bí, mỗi lần mang bầu là mình sẽ phải sửa sang shop, chuyển cửa hàng, khai trương cửa hàng mới nên khá là áp lực, có khi bản thân bị stress thì rất thương em bé trong bụng. Sinh bé đầu và bé út mình sinh thường, bé giữa sinh mổ, hầu hết là sinh xong vài giờ là đã có thể giao nhận, duyệt công việc, không hề kiêng cữ hay nghỉ thai sản như bà mẹ bình thường. Do đó các bé có thể sẽ cần tự lập hơn ngay từ khi rất nhỏ để có thể thích nghi với 1 bà mẹ bận rộn. 

Các con mình, với bé lớn nếu thấy bài báo viết về mẹ, hay thấy showroom decor xinh xắn sẽ rất thích và nói với mẹ "Con rất tự hào về mẹ" vậy thôi - điều đó làm mình có thêm động lực làm việc tốt hơn. Còn 2 bé nhỏ hơn thì chưa biết. 

- Với mức độ bận rộn của công việc, vì sao chị quyết định có luôn 3 em bé trong 5 năm đầu start-up, và trong thời gian đó chị làm sao để duy trì cân bằng cả 2 vai trò này?

Mình là người mê trẻ con, luôn bị hấp dẫn bởi các thế lực không răng. Do đó mình sau khi sinh bạn thứ 2 là mình nghĩ luôn sẽ cần có thêm 1 bạn nữa, nhưng thật sự mà nói là không nghĩ con sẽ đến nhanh như vậy.

Nếu plan tốt hơn thì mình sẽ cách ra để đỡ tội bé thứ 2 vì con mới 2 tuổi đã phải nhường mẹ cho em. Còn bé đầu thì hơn 3 tuổi là nhường mẹ cho em Leo rồi.

CEO Linh Nga Bridal - người đứng sau những chiếc váy cưới đình đám trải lòng chuyện làm mẹ: Sinh xong vài tiếng là lao vào làm việc, dạy con tự hạch toán chi tiêu từ 7 tuổi - Ảnh 3.

Có con luôn là nguồn động lực và niềm an ủi mỗi khi công việc chưa được như mong đợi, mình nghĩ việc sinh nở và start-up bổ trợ rất tốt cho nhau về vấn đề tâm lý. Kiểu start-up khá là cô đơn, có nhiều con sẽ bớt cô đơn hơn. Mình coi các con là bạn tâm sự mỗi ngày.

Lợi thế của CEO khi có con: Cho con tự lao động và trả lương, dạy con giá trị của tiền bạc

- Hiện tại chị dành thời gian cho các con trong việc đồng hành học tập cũng như vui chơi như thế nào, cuộc sống hiện đại trẻ sẽ đối mặt với rất nhiều cám dỗ, nếu không có sự bảo ban từ bố mẹ thì chắc chắn trẻ sẽ có thể bị lôi kéo, hoặc không chịu học hành. Chị có lo lắng điều đó không?

Mình nghĩ từ khoá để trả lời câu hỏi trên là "Làm bạn với con".

Mình không có nhiều thời gian nên rất "tiện thể". Ví dụ như các bé cần được học tiếng Anh, mình và ông xã sẽ cùng nói tiếng Anh với các bé ngay từ khi sinh ra để đỡ mất thời gian đưa đi học ngôn ngữ này. Việc này giúp 3 bạn nhà mình đều giao tiếp tiếng Anh khá tốt như tiếng mẹ đẻ thứ 2. 

Thời gian này mình đang cùng học tiếng Hoa với bé đầu với hình thức là học online cùng 1 cô giáo, cùng luyện tập bằng app và thi đua hàng ngày xem mẹ hay con thắng. Việc cạnh tranh này sẽ giúp mẹ con mình nhanh tiến bộ hơn nếu bé chỉ học một mình. Mình và bé đều thích học ngôn ngữ mới. 

Trước đây 2 mẹ con cùng đi học Piano và cũng ganh đua như vậy, mình thấy rất hiệu quả. 2 bé nhỏ lớn thêm chút mình sẽ dành thời gian đi học với các bạn ấy nhiều hơn, ví dụ học karate hay học lập trình.

Gia đình nhỏ hạnh phúc của nữ CEO. 

Bên cạnh đó, mình đang tìm lớp dancing dạy nhiều độ tuổi để 4 mẹ con có thể cùng nhau học nhảy, mình nghĩ sẽ rất vui và giúp gắn kết tình cảm gia đình cũng như đỡ mất thời gian đưa đi đón về.

Mình thực sự mong muốn làm bạn với các con, do đó mình cố gắng cùng con học những gì các bé thích. Việc này dẫn đến mẹ con mình khá thân thiết và các con có thể tâm sự đủ chuyện với mẹ. Nhờ đó những suy nghĩ có phần lớn hơn tuổi, có chút lệch lạc mà bạn trẻ nào cũng gặp thì mình kịp thời tâm sự, dẫn dắt, hướng dẫn hành vi phù hợp với con để con tự nhận thức được việc nên hay không nên làm và chịu trách nhiệm với những hành động của mình. 

Đôi khi việc thả cho con làm sai và phân tích kết quả sai đó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mọi người sẽ là việc cần thiết để các bạn bé rút kinh nghiệm và không bao giờ mắc phải những điều tương tự.

Riêng bé lớn, mình đã cho con đi thực tập, ở cửa hàng của mẹ vào thời điểm nghỉ hè. Mục đích là để cho con được lao động, làm thêm các công việc trong tiệm. Ví dụ như con được dạy cách khâu vá, đính váy, phụ các công việc nho nhỏ trong Showroom, quan sát khách để biết được mọi người phải lao động vất vả như thế nào để tạo ra được 1 bộ váy đẹp cho khách hàng. 

CEO Linh Nga Bridal - người đứng sau những chiếc váy cưới đình đám trải lòng chuyện làm mẹ: Sinh xong vài tiếng là lao vào làm việc, dạy con tự hạch toán chi tiêu từ 7 tuổi - Ảnh 5.

Mình có trả lương để con mua được các đồ dùng yêu thích và khi con đòi mua món đồ gì đó thì con phải biết xem xét giá có phù hợp không, bỏ tiền mua có đáng với công sức lao động bỏ ra mệt vậy. Vì được từng đó tiền mà mua phung phí sẽ rất phí thành quả lao động của mình, thông qua đó mình muốn dạy con về giá trị của tiền bạc và lao động!

Trước đây bé cứ đòi mua đồ, không mua thì lăn ra ăn vạ nên mình cho con tự lao động và tự hạch toán thu nhập chi tiêu của mình. Đó là lợi thế của một CEO khi có con. 

Vất vả khi vừa khởi nghiệp vừa chăm lo gia đình nhưng vì đam mê nên luôn đầy nhiệt huyết

- Đẻ dày có lợi thế là các bé có thể chơi cùng nhau nhưng sẽ có mâu thuẫn xảy ra. Chị làm thế nào để các con biết thương yêu nhau?

3 bạn nhà mình khá thương nhau, tuy nhiên không thể tránh những lúc chiến tranh xảy ra. Thường mình sẽ là người làm gương về vấn đề thương yêu chiều chuộng nhau. Trẻ con thường nhìn vào cách ứng xử của người lớn học tập và sẽ là tấm gương phản chiếu. 

Khi các bạn chiến tranh, thường mình sẽ cho úp mặt vào tường 2-3 phút cho bình tĩnh lại và sau đó 4 mẹ con ngồi lại phân tích, mình sẽ đặt các câu hỏi để các bé tự trả lời theo nhận định của mình, chứ mình sẽ không áp đặt suy nghĩ của mình bắt các con phải nghe theo. Mình dùng phương pháp câu hỏi để mỗi bé đều thấy được mình có lỗi gì trong cuộc "chiến tranh" đó - hầu như bé nào cũng sẽ có lỗi dù bé hay to, nhưng quy tắc vẫn là nhường nhịn em nhỏ tuổi hơn (chưa biết phép tắc ứng xử bằng) và không cậy lớn đánh bé hay dùng sức để đánh em nhỏ hơn mình. Bé lớn nhận thức tốt rồi cần nhìn ba mẹ để học cách ứng xử khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra, sau khi mọi người đều nhận ra lỗi của mình thì cần phải xin lỗi đối phương và ôm nhau làm hoà.

Sau mỗi lần căng thẳng cảm giác các bé lại hiểu thêm được một chút và yêu thương nhau hơn. 

- Những lúc stress vì công việc hoặc quá bận rộn, áp lực, chị làm thế nào để giải toả những stress này?

Mình đi học và chơi cùng con, đôi khi con dạy mẹ piano làm bé vừa tự hào vì được làm thầy, mẹ thì được giải toả stress.

- Việc làm mẹ sớm đã đem lại cho chị điều gì, cả tích cực lẫn tiêu cực? 1 người mẹ vừa lo sự nghiệp vừa quán xuyến gia đình sẽ gặp phải những khó khăn gì?

Mình làm mẹ khi 28 tuổi, một độ tuổi không phải sớm mà mình nghĩ vừa đủ. Khoảng thời gian đó mình có bầu thì nghỉ việc ở công ty kiểm toán. 3 tháng tròn nghén cực kì mệt mỏi thì mình xây, sửa cửa hàng đầu tiên, mệt chứ nhưng mình đã và đang học được rất nhiều điều mới và được làm theo đam mê sở thích nên mình rất nhiều nhiệt huyết. 

Chồng mình thì siêu bận và không phải tuýp khéo chăm con nên gần như mình gánh 90% công việc nhà, con cái, việc công ty. Không tránh được những khi con ốm bế trên tay cả đêm mà sáng ra vẫn làm việc bình thường 12-14h/ngày. Mệt mỏi sẽ tới nhưng rồi mình tự an ủi là con khoẻ mạnh, mình còn kiếm được kinh tế đủ lo cho gia đình là may mắn rồi. 

Nữ CEO tâm niệm ''luôn coi các con là những người bạn''.

Mình là người may mắn khi có được 1 cô phụ chăm bé từ khi bạn Mèo (bạn lớn) mới 6 tháng tới giờ là 8 năm rồi, 2 năm gần đây bà ngoại cũng chuyển hẳn vào TP. HCM và bà đã giúp mình rất nhiều về mặt cơm nước, chăm lo các cháu nên mình mới có thể yên tâm dồn sức cho công việc. 

Việc chỉ chọn 1 giữa sự nghiệp và chăm sóc gia đình, mình thấy đó là lựa chọn của mỗi người, miễn sao mọi người hạnh phúc và có trách nhiệm với lựa chọn của mình là được. Có rất nhiều mẹ tình nguyện ở nhà chăm sóc con cái cơm nước A-Z mình rất ngưỡng mộ vì thực sự có khi còn áp lực hơn đi làm. Đó là một sự hi sinh rất lớn. 

- Ông xã có giúp chị nhiều trong việc chăm sóc gia đình không, theo chị, bí quyết để giữ gìn một gia đình hạnh phúc khi cả vợ lẫn chồng đều bận rộn là gì? Đặc biệt, anh có dành thời gian ở bên các con nhiều không?

Ông xã thuộc tuýp nguời khó tính, không thích em bé từ trước khi cưới. Đi máy bay có thể khá khó chịu khi nghe tiếng em bé khóc. 

Bé đầu hầu như anh không biết chăm, cũng không chủ động chia sẻ nhiều việc liên quan đến chăm con, với đặc tính là nhờ được ai là nhờ tới bến nên thời gian chăm bé đầu cũng khá stress. Bé khóc đêm hết 3 tháng, thiếu ngủ, mệt mỏi, chồng lại bận, thời gian dành cho con ít, nhưng may mắn hơn mình tự an ủi được bản thân về công việc, có con khoẻ mạnh bình an là một niềm hạnh phúc lớn mà không phải ai cũng có được, luôn tư duy hướng tích cực để cho con thấy hình ảnh và được ảnh hưởng bởi tính cách tích cực đó. 

CEO Linh Nga Bridal - người đứng sau những chiếc váy cưới đình đám trải lòng chuyện làm mẹ: Sinh xong vài tiếng là lao vào làm việc, dạy con tự hạch toán chi tiêu từ 7 tuổi - Ảnh 7.

May là sang bé thứ 2 và dần sang bé thứ 3 thì chồng mình đã có tiến bộ hơn, gần gũi các con hơn, giống như dần dần mới biết yêu trẻ con hơn là lần đầu làm bố. 

Khi cả 2 đều bận thì nên gắng dành thời gian còn lại bên nhau, ví dụ cùng đi làm, có những sở thích chung để học cùng nhau: học kinh doanh, đi chạy bộ... Như vậy việc bổ trợ cho nhau về kinh doanh hay nuôi dạy con cái, với cùng một mindset sẽ thuận lợi hơn. 

Mỗi khi cãi nhau, vợ chồng mình sẽ cùng phân tích và giải quyết vấn đề theo cùng 1 phương pháp, việc đó cũng giúp tìm được nguyên nhân cốt lõi và tìm cách giải quyết chứ không phải không nói chuyện và chiến tranh lạnh thì mọi việc sẽ tệ hơn. 

- Cảm ơn chị Thảo về những chia sẻ gần gũi trên. Mong sự nghiệp của chị ngày một phát triển, gia đình mình luôn khỏe mạnh, hạnh phúc!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM